Logo

Trà cúc hoa- thức uống cho sức khỏe vàng

Lượt xem: 473 Ngày đăng: 26/10/2020

Trà hoa Cúc (tiếng Trung: 菊花茶; bính âm: júhuā chá) hay trà bông cúc là loại nước sắc làm từ hoa cúc trắng hoặc vàng, là một trong những loại thức uống lâu đời và phổ biến nhất tại Đông Á. Người ta ngâm hoa cúc (thường đã được sấy khô) vào nước nóng ở nhiệt độ khoảng 90-95 °C (sau khi đun sôi), tuỳ khẩu vị có thể gia thêm chút đường phèn, mật ong hay thỉnh thoảng là Kỷ tử. Nước trà trong suốt và có màu từ vàng nhạt đến vàng tươi. Theo truyền thống Trung Quốc, mỗi khi uống xong một ấm trà thì người ta lại châm thêm nước nóng (khiến trà lần sau nhạt hơn trà lần trước), cứ thế lặp lại vài lần.

Trà hoa cúc có một số biến thể làm từ các loại cúc trồng ở những vùng khác nhau. Trung Quốc có “Tứ đại danh cúc” (四大名菊) là Cống cúc, Hàng cúc, Trừ cúc và Bạc cúc:

Cống cúc, tên đầy đủ là Hoàng Sơn cống cúc (黄山贡菊, tạm dịch là “cúc từ Hoàng Sơn”). Từ xa xưa, hoa Cúc ở vùng núi Hoằng Sơn này đã được tiến cung làm trà hoa cũng như thảo dược cho Cung đình Hoàng thất, nên nó mới có tên gọi như vậy. Vùng đất Hoằng Sơn sông xanh núi biếc, khí hậu quanh năm trong lành, bốn mùa rõ rệt, không nóng quá, cũng không lạnh quá, nhiệt độ trung bình hàng năm vào khoảng 16.4 độ C, độ ẩm tiêu chuẩn và thổ nhưỡng phì nhiêu, giúp những bông Cúc trắng ở đây luôn an lành sinh trưởng, mang đến một vẻ đẹp thiên nhiên cỏ hoa đầy hương sắc, và một nguồn thảo dược dồi dào chứa đầy giá trị. Cống cúc được dược điển Trung Quốc coi là loại thảo dược quý của quốc gia. Ngày nay nó được sử dụng phổ biến trong dân chúng, dùng làm trà, làm thuốc trị bệnh đều rất hiệu nghiệm.

Hàng cúc, tên đầy đủ là Hàng bạch cúc (杭白菊, tạm dịch là “cúc trắng Hàng Châu”). Hàng bạch cúc có hoa màu trắng thuần khiết như ngọc, giữa màu kim nhạt rất đẹp. Người dân bản xứ thường thu hái Hàng cúc vào hạ tuần tháng 10 -11 hàng năm, sau đó đem chưng cất, rồi hong khô tự nhiên. Hàng cúc được sách (Thần Nông Bản Thảo Kinh) xếp vào hàng thuốc “thượng phẩm”, có lợi cho khí huyết; được sách (Bản Thảo Cương Mục Thập Di) mô tả là có vị hơi lạnh, hơi ngọt, có tác dụng thông phế khí, chỉ khái nghịch, thanh can hoả, bình can phong, ích đầu mục,…

Trừ cúc (滁菊), “Trừ” chỉ Trừ Châu, tỉnh An Huy. Theo ghi chép nó được trồng ở vùng này từ cách đây hơn 2000 năm. Từ thời nhà Đường, dân gian đã có tập tục pha trà cúc hoặc ngâm rượu cúc để mời bằng hữu gia nhân. Cúc ở vùng này có hoa đoá dày và chắc nhất, hương thơm thanh dịu, công dụng thiên về thanh can hoả, bình can phong. Sách (Bản Thảo Thập Di) viết: Trừ cúc “làm gối minh mục”. Cho nên những người cao huyết áp, hoa mắt chóng mặt đều có thể uống trà này, hay gia thêm Quyết minh tử, Vỏ đậu đen, Vỏ kiều mạch,… làm gối ngủ để an tinh thần, thanh đầu mục rất tốt.

Bạc cúc (亳菊), “Bạc” chỉ Bạc Châu, tỉnh An Huy. Bạc cúc có hoa đoá nhẹ tơi, dễ bung nở, công dụng thiên về sơ phong thanh nhiệt, giải thử minh mục. Thường dùng cho cảm mạo phong nhiệt, trúng thử. Mùa hè có thể nấu trà Bạc cúc với chút gạo tẻ uống để phòng trúng thử nhiệt rất hay.

Theo Trung y, hoa Cúc có vị đắng, ngọt, tính hơi hàn; quy kinh phế, tỳ, can, thận; có tác dụng thanh sơ phong nhiệt, bình can, thanh can minh mục, thanh nhiệt giải độc.

Uống trà hoa Cúc giúp lợi khí huyết, điều ngũ tạng, nhuận bì phu, ích nhan sắc, thanh đầu mục, nhẹ thân thể mà diên niên bất lão!

Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội