Logo

Kết hợp Đông Tây y điều trị Đột quỵ

Lượt xem: 399 Ngày đăng: 08/05/2020

I/ Điều trị ở giai đoạn cấp:
Hiện nay tốt nhất bệnh nhân nên được điều trị ở đơn vị đột quỵ (Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện 115, bệnh viện nhân dân Gia Định, bệnh viện Trưng Vương, bệnh viện An Bình…) hoặc khoa Cấp cứu – Nội Tim mạch và Thần kinh Viện Y dược học dân tộc TPHCM.
II/ Điều trị ở giai đoạn phục hồi di chứng:
Đây là điểm khác biệt về chẩn đoán và điều trị so với điều trị đông y đơn thuần. Trước khi được điều trị tại Viện y dược học dân tộc, bệnh nhân sẽ được kiểm tra lại các nguyên nhân gây tiến triển thần kinh xấu đi sau đột quỵ. Việc làm này giúp cho điều trị đột quỵ an toàn và hiệu quả cao.
III/ Y học cổ truyền trong điều trị đột quỵ

Các bác sĩ Viện y dược học dân tộc tham dự thực hành châm cứu điều trị đột quỵ do GS Nguyễn Tài Thu hướng dẫn- TPHCM 2013

Theo YHCT, các triệu chứng mô tả trong bệnh đột quỵ não thuộc phạm trù chứng trúng phong. Phát sinh bệnh trúng phong có quan hệ mật thiết đến thể chất, ăn uống, tinh thần kích động. Biểu hiện lâm sàng bệnh trúng phong giống như y học hiện đại mô tả trong đột quỵ não, bao gồm chảy máu não và nhồi máu não. Chẩn đoán, đánh giá hiệu quả điều trị dựa theo tiêu chuẩn của y học hiện đại.
Phân loại trúng phong:

  • Trúng kinh lạc gồm:
    • Trúng lạc: tê bì nửa người hoặc có thể chân tay yếu, miệng méo, lưỡi lệch
    • Trúng kinh: bất lực vận động nửa người, miệng méo, lưỡi lệch, cứng lưỡi, nói khó hoặc không nói được, tê bì nửa người
  • Trúng tạng phủ gồm:
  • Trúng phủ: triệu chứng giống như trúng kinh kèm theo ý thức lơ mơ
  • Trúng tạng: triệu chứng giống như trúng kinh kèm theo hôn mê

Trúng kinh lạc thì bệnh ở nông, bệnh tình tương đối nhẹ. Trúng tạng phủ thì bệnh ở sâu, bệnh tình tương đối nặng
Điều trị đột quỵ bằng các bài thuốc y học cổ truyền và châm cứu
Hiện nay Viện y dược học dân tộc thường xuyên dùng các bài thuốc y học cổ truyền và châm cứu kết hợp với y học hiện đại giúp rất nhiều bệnh nhân đột quỵ hồi phục trí tuệ, vận động mà chỉ đơn thuần dùng y học hiện đại thì kết quả còn hạn chế. Phương pháp đó thường xuyên được áp dụng tại khoa cấp cứu nội tim mạch thần kinh, khoa khám bệnh đa khoa Viện y dược học dân tộc
1. Trúng kinh lạc:
1.1/ Can dương cang thịnh:
– Pháp trị: bình can tức phong, tiềm dương
– Bài thuốc: Thiên ma câu đằng ẩm
Thiên ma 12g, Câu đằng 15g, Thạch quyết minh 20g, Chi tử 10g, Hoàng cầm 12g, Ngưu tất 15g, Đỗ trọng 12g, Ích mẫu thảo 15g, Tang ký sinh 12g, Dạ giao đằng 15g, Phục thần 10g, sắc uống ngày 1 thang
1.2/ Phong đàm trệ lạc:
– Pháp trị: hóa đàm tức phong, thông lạc
– Bài thuốc: hóa đàm thông lạc thang
Phục linh 12g, Bạch truật 12g, Bán hạ 8g, Thiên ma 12g, Đởm nam tinh 10g, Thiên trúc hoàng 12g, Đan sâm 20g, Đại hoàng 6g, Hương phụ 12g, sắc uống ngày 1 thang
1.3/ Đàm nhiệt phủ thực:
– Pháp trị: thông phủ tiết nhiệt, hóa đàm
– Bài thuốc: tinh lâu thừa khí thang
Qua lâu 12g, Đởm nam tinh 10g, Sinh địa 6g, Mang tiêu 12g, sắc uống ngày 1 thang
1.4/ Khí hư huyết ứ:
– Pháp trị: ích khí hoạt huyết thông lạc
– Bài thuốc: bổ dương hoàn ngũ thang
Hoàng kỳ 120g, Quy vĩ 12g, Xích thược 12g, Địa long 5g, Xuyên khung 12g, Hồng hoa 6g, Đào nhân 8g, sắc uống ngày 1 thang
1.5/ Âm hư phong động:
– Pháp trị: tư âm tiềm dương, trấn can tức phong
– Bài thuốc: trấn can tức phong thang
Long cốt 15g, Mẫu lệ 20g, Đại giả thạch 20g, Bạch thược 15g, Thiên môn 12g, Huyền sâm 12g, Quy bản 12g, Ngưu tất 15g, Nhân trần 12g, Mạch nha 12g, Cam thảo 8g, Xuyên luyện tử 3g, sắc uống ngày 1 thang
* Kết hợp châm cứu trong điều trị thể trúng phong kinh lạc
– Liệt mặt: châm bên liệt các huyệt: giáp xa xuyên địa thương, nghinh hương xuyên địa thương, hợp cốc, nội quan. Ngoài ra có thể châm huyệt thái xung, hành gian
– Liệt nửa người: châm các huyệt: kiên ngung, khúc trì xuyên thủ tam lý, thiên lịch, hợp cốc, bát tà, phục thố, túc tam lý, huyền chung, dương lăng tuyền, giải khê, bát phong, túc lâm khấp
– Nói khó: châm huyệt liêm tuyền, ngoại kim tân, ngoại ngọc dịch
Liệu trình châm 1-2 lần/ngày, châm 7-10 ngày

2. Thời kỳ hồi phục:
2.1/ Liệt nửa người:

  • Pháp trị: ích khí hoạt huyết, hóa ứ thông lạc
  • Bài thuốc: bổ dương hoàn ngũ thang

Hoàng kỳ 120g, Quy vĩ 12g, Xích thược 12g, Địa long 5g, Xuyên khung 12g, Hồng hoa 6g, Đào nhân 8g, sắc uống ngày 1 thang

  • Châm cứu kết hợp với xoa bóp và tập vận động:

Phương huyệt: Đại trường du, Vị du, Bàng quang du, Đởm du, Kiên ngung, Khúc trì, Hợp cốc, Ngoại quan, Nội quan, Hoàn khiêu, Dương lăng tuyền, Túc tam lý, Tam âm giao, Giải khê, Côn lôn
Châm bình bổ bình tả. Liệu trình: châm 15-20 phút/lần, 1-2 lần/ngày, châm 10-15 ngày
2.2/ Nói khó:

  • Pháp trị: khứ phong hóa đàm, tuyên khiếu thông lạc
  • Bài thuốc: giải ngữ đan

Bạch phụ tử 5g, Thạch xương bồ 12g, Viễn chí 8g, Cam thảo 10g, Thiên ma 12g, Toàn yết 8g, Khương hoạt 10g, Đởm nam tinh 10g, Mộc hương 6g, Bạc hà 12g, Đan sâm 20g, Hồng hoa 10g, Kê huyết đằng 20g, sắc uống ngày 1 thang

  • Châm cứu kết hợp với tập phát âm:

Phương huyệt: Nội quan, Thông lý, Liêm tuyền, Tam âm giao, Á môn, Ngoại kim tân, Ngoại ngọc dịch
Liệu trình: châm 15-20 phút/lần, 1-2 lần/ngày, châm 10-15 ngày 
Các phương pháp điều trị đột quỵ khác:
1/ Phương pháp luyện tập khí công:
Khí công là một phương pháp trị liệu có hiệu quả đối với trúng phong sau giai đoạn cấp, nhất là trong phục hồi chức năng. Bệnh nhân căn cứ vào tình trạng bệnh tật của mình để lựa chọn phương pháp luyện tập thích hợp. Hiện nay người ta coi khí công là một phương pháp không thể thiếu được trong trị liệu tổng hợp đối với trúng phong
2/  Các phương pháp luyện tập phục hồi chức năng: sau khi bệnh nhân bị trúng phong đã điều trị qua giai đoạn cấp, bệnh tương đối ổn định, thường là sau 1 đến 7 tuần có thể luyện tập được. Luyện tập từ nhẹ rồi tăng dần theo tình trạng từng bệnh nhân và cần kiên trì luyện tập thường xuyên, đều đặn.
– Luyện tập phục hồi trí nhớ: học tập, đọc sách báo, thường xuyên thay đổi nội dung và phương pháp học tập giúp cho bệnh nhân không cảm thấy mệt mỏi và nhàm chán
– Rèn luyện ngôn ngữ: trước tiên cần tập phát âm đơn giản, đối thoại những câu ngắn, học hát những bài quen thuộc.
– Vận động thụ động: có thể dùng chi lành hỗ trợ chi bị liệt hoặc cần có người giúp đỡ vận động
– Vận động chủ động: tùy theo tình trạng từng người để có phương pháp luyện tập thích hợp, có thể tập ngay trên giường nếu bệnh nhân chưa tự đứng dậy được.
– Xoa bóp bấm huyệt: làm thay đổi những phản ứng sinh học cục bộ tại vùng được xoa bóp, thông qua phản xạ thần kinh có thể điều tiết được công năng trong cơ thể, cải thiện sự tuần hoàn huyết dịch. Ngoài ra nó còn có thể tăng cường khả năng miễn dịch, có lợi cho sự phục hồi sức khỏe của bệnh nhân
3/ Phương pháp ăn uống:
Ăn uống có vai trò rất lớn trong điều trị và dự phòng trúng phong . Sau khi bị bệnh, chính khí của cơ thể bị hư tổn, chất dinh dưỡng do ăn uống cung cấp có tác dụng bổ ích tinh khí, tăng cường thể lực để chống đỡ bệnh tật và phục hồi các chức năng của cơ thể. Lựa chọn chế độ ăn uống hợp lý cần căn cứ vào thể chất, tình trạng của bệnh nhân. Nên ăn thức ăn có nhiều vitamin, chất khoáng, nguyên tố vi lượng. Cần chọn các loại thức ăn có dược tính theo từng thể bệnh.
3.1/ Một số bài dùng cho bệnh nhân TBMMN có tăng huyết áp:
– Bài 1: Sò biển 30g, rau cần 60g, cả hai thứ cho vào nước nấu nhừ, chia làm 2 lần ăn và uống sáng, chiều
– Bài 2: Nấm hương 15g, rửa sạch, nấu chín nhừ, ăn mỗi ngày 1 lần
– Bài 3: gạo tẻ 60g, sữa đậu nành vừa đủ, đường phèn vừa đủ ngọt, nấu thành cháo ăn mỗi ngày 1 thang
– Bài 4: đậu xanh 100g, tỏi 50 tép, đường phèn đủ ngọt. Tất cả cho vào 500 ml nước, đun cách thủy đến khi chín nhừ. Ăn mỗi ngày 1 thang
3.2/ Một số bài dùng cho bệnh nhân TBMMN có rối loạn lipid máu:
– Bài 1: Lá sen tươi 60g, sơn tra tươi 10g, gạo tẻ 10g, vỏ quýt 5g. Các vị tán nhỏ trộn đều, hãm trong phích nước sôi, uống thay nước hàng ngày, dùng trong 100 ngày kiểm tra lại lipid máu
– Bài 2: hành tây 60g, dầu đậu nành đủ dùng, thêm một ít muối. Hành tây rửa sạch, đập nát, dùng dầu đậu nành xào, cho thêm ít muối cho vừa, chia ra ăn nhiều lần trong ngày, mỗi ngày 1thang
3.3/ Một số thực phẩm có tác dụng hạ huyết áp và điều chỉnh rối loạn lipid máu:

4/ Phương pháp điều hòa tình chí:
Tình chí bị kích động là một trong những nguyên nhân gây trúng phong. Sách “Hà gian lục thư” cho rằng: ngũ chí quá cực sẽ gây trúng phong, hỉ nộ thương khí: vui quá khí tán, giận khí thăng, bi ai khí tiêu, lao thì khí hao, kinh sợ thì khí loạn, ưu thì khí kết….Vì vậy cần phải giữ cho tinh thần thoải mái, chế độ sinh hoạt điều độ, cải tạo hoàn cảnh, môi trường sống tạo điều kiện yên tĩnh thoáng mát giúp cho bệnh chóng hồi phục
5/ Phương pháp dưỡng sinh Nguyễn Văn Hưởng:
Đây là phương pháp tập luyện độc đáo do bác sĩ, cố bộ trưởng bộ y tế – anh hùng lao động Nguyễn Văn Hưởng sáng tạo ra. Hiện nay Viện thường xuyên tổ chức các lớp học để bệnh nhân áp dụng phương pháp dưỡng sinh phòng trị bệnh rất hiệu quả. Đặc biệt rất nhiều bệnh nhân đã dùng phương pháp này phòng và trị bệnh đột quỵ rất tốt. Chúng tôi xin giới thiệu để bệnh nhân được dùng phương pháp ưu việt trên
6/ Phương pháp cấy chỉ:
Hiện nay “khu thủ thuật không dùng thuốc theo yêu cầu” (Non medicine treatment area) tại phòng khám Viện y dược học dân tộc thường xuyên áp dụng phương pháp cấy chỉ cho nhiều loại bệnh. Đây là phương pháp bổ trợ rất tốt giúp cho bệnh nhân đột quỵ hồi phục trí tuệ, vận động… khi không có điều kiện châm cứu hàng ngày hoặc cho những bệnh nhân ở xa

GS TS Nghiêm Hữu Thành trao đổi cấy chỉ với BS Văn Công Viên năm 2016

Do cơ thể là một chỉnh thể hữu cơ, não có chức năng điều tiết các hoạt động sinh lý, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố nội và ngoại nhân như kinh mạch, khí huyết, tạng phủ, xã hội, tự nhiên. Do đó trong điều trị cần phối hợp nhiều biện pháp:

  • Dùng 3 liệu pháp:
    • Tình chí – ăn uống – thuốc
    • Tình chí – ăn uống – châm cứu
    • Tình chí – thuốc – châm cứu
    • Tình chí – châm cứu – xoa bóp
  • Dùng 4 liệu pháp:
    • Tình chí – ăn uống – thuốc – châm cứu
    • Tình chí – thuốc – châm cứu – xoa bóp
    • Tình chí – thuốc – châm cứu – khí công
  • Dùng 5 liệu pháp:
    • Tình chí – ăn uống – thuốc – châm cứu – xoa bóp
    • Tình chí – thuốc – châm cứu – khí công – kích thích huyệt
  • Dùng 6 liệu pháp:
    • Tình chí – ăn uống – thuốc – châm cứu – bấm huyệt – khí công

* Chú ý:
– Giai đoạn cấp tính: cần kết hợp đông tây y điều trị sớm, hạn chế những biến chứng nguy hiểm
– Giai đoạn hồi phục và di chứng: cần điều trị tổng hợp, đề phòng bệnh tái phát. Tổng hợp các liệu pháp điều trị như dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, luyện tập, khí công dưỡng sinh, chế độ ăn uống, tránh căng thẳng tâm lý.

BS CKII Trương Đức Thành

BS CKI Đỗ Thường Quân

BS CKI Nguyễn Đình Kiên