Logo

Tình hình ung thư tại Việt Nam

Lượt xem: 215 Ngày đăng: 25/01/2021

Ung thư vẫn luôn là mối quan tâm trên toàn cầu. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.

Hiện nay, chỉ có 185/204 quốc gia có báo cáo thống kê về tình hình bệnh ung thư theo GLOBOCAN. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185. Như vậy, có thể thấy là tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh. Tình hình này cũng tương tự với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ung thư tại các quốc gia này lại giảm.

Những bệnh ung thư phổ biến ở nước ta

Tại Việt Nam, các ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến là những ung thư phổ biến nhất (chiếm khoảng 65.8% tổng các loại ung thư). Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59.4% tổng các loại ung thư). Chung cho cả 2 giới các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.

Lý giải nguyên nhân khiến số người mắc và tử vong vì ung thư ở Việt Nam tăng nhanh

Ung thư là bệnh lý gây nên bởi nhiều yếu tố phối hợp nhưng tựu chung lại là 2 nhóm yếu tố: nhóm yếu tố thay đổi được (như hành vi lối sống, môi trường..) và nhóm yếu tố không thay đổi được (tuổi, gen…).

+ Già hóa dân số: Việt Nam đang đối mặt với sự già hóa dân số nói chung, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay đã tăng (73,6 tuổi). Tuổi càng cao, thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ càng dài thì tỷ lệ mắc ung thư càng cao.

+ Dân số tăng lên: Hiện nay dân số Việt Nam đang là gần 97.8 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới. Dân số Việt Nam tăng lên, dẫn tới tăng số người mắc và tử vong do ung thư.

+ Rượu bia, thuốc lá: Các yếu tố về hành vi lối sống phải kể tới là hút thuốc lá (là nguyên nhân của 30% các loại ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và 90% nguyên nhân của ung thư phổi); lạm dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra các loại ung thư như ung thư miệng, họng; ung thư gan; ung thư vú, ung thư đại trực tràng); ….

+ Chế độ ăn ăn uống không hợp lý: đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh; chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm mốc (gạo, lạc…), hay thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối…)  đóng vai trò 35% nguyên nhân gây ung thư (như ung thư vú, thực quản, đại trực tràng…).

+ Ít vận động: Thói quen ít vận động cũng là nguyên nhân gây nên một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng.

+ Môi trường sống: Vấn đề về ô nhiễm không khí và môi trường cũng là những yếu tố gây ung thư.

+ Nhận thức người dân tốt hơn về việc chủ động khám tầm soát ung thư: Trong thời gian gần đây, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống bệnh ung thư ngày càng phổ biến nên người dân quan tâm hơn tới việc đi khám sức khỏe, trong đó có việc sàng lọc ung thư nên sẽ phát hiện nhiều trường hợp hơn.

+ Một nguyên nhân nữa đó chính là hệ thống ghi nhận ung thư tốt hơn. Như vậy, sẽ có nhiều bệnh nhân mắc và tử vong được ghi nhận lại, dẫn tới số người mắc và tử vong tăng lên.

Cùng với đó, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chẩn đoán ung thư ngày càng cao cũng giúp phát hiện ra bệnh nhiều hơn.

Cần nâng cao trình độ chuyên môn; ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào điều trị và đẩy mạnh nghiên cứu để kiểm soát tình hình ung thư tại Việt Nam 

Sàng lọc phát hiện sớm có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư, khi phát hiện ở giai đoạn sớm thì việc điều trị càng hiệu quả và tiết kiệm về chi phí, ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì điều trị gặp nhiều khó khăn và để lại gánh nặng lớn về kinh tế.

Điều trị ung thư là điều trị phối hợp bởi nhiều phương pháp: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng, dinh dưỡng, tâm lý xã hội….. Có thể nói, những năm gần đây các phương pháp điều trị tân tiến, kỹ thuật và thuốc mới trong điều trị ung thư được nghiên cứu và tiến bộ vượt bậc. Việt Nam cũng là quốc gia cập nhật rất nhanh các tiến bộ này. Nếu như trước đây, phải sau nhiều năm các thuốc mới mới được sử dụng trên bệnh nhân Việt Nam thì ngày nay khoảng cách này đã được rút ngắn lại. Đặc biệt, các kỹ thuật xạ trị hiện đại như VMAT, IMRT… phẫu thuật nội soi, Robot, xạ phẫu Gamma Knife.. cũng đã được triển khai tại Bệnh viện K cũng như một số trung tâm ung bướu khác trên cả nước.

Từ đó, rất nhiều người bệnh đã điều trị thành công; quay trở về cuộc sống thường ngày và truyền cảm hứng cho hàng ngàn người bệnh khác, điển hình như Nữ sinh Đặng Trần Thủy Tiên, không may mắc bệnh ung thư vú những đã mạnh mẽ vượt qua để trở thành Hoa Khôi truyền cảm hứng Trường Đại học Ngoại thương; hay như câu chuyện của người bệnh Nguyễn Thị Liên dù mắc ung thư vú di căn vẫn có thể sinh con và tiếp tục điều trị để trở về với cuộc sống bình thường, và còn rất nhiều những câu chuyện khác nữa chính là minh chứng cho việc áp dụng kỹ thuật hiện đại, phác đồ tiên tiến để viết nên những kỳ tích trong ngành ung thư Việt Nam.

Ngành ung thư cũng đã có nhiều nỗ lực giảm nhẹ gánh nặng ung thư trên phạm vi cộng đồng như tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về dự phòng ung thư, phát hiện sớm ung thư, triển khai tăng cường khám sàng lọc ung thư ở quy mô rộng hơn, đặc biệt ưu tiên sàng lọc các ung thư thường gặp, có khả năng điều trị hiệu quả và phát hiện bằng các phương tiện có thể tiến hành trên quy mô lớn.

Kỹ thuật hiện đại đã được triển khai tại nhiều trung tâm ung bướu lớn trên cả nước; Bệnh viện K là đơn vị đầu mối và thường xuyên cập nhật, chuyển giao các kỹ thuật, phác đồ điều trị ung thư mới trên thế giới cho các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng điều trị một cách đồng bộ và hiệu quả, ví dụ như: phẫu thuật rô bốt, xạ phẫu, xạ trị VMAT, IMRT,… Tuy nhiên vấn đề này vẫn cần được chú trọng hơn nữa trong tương lai, đặc biệt là triển khai đồng bộ nhiều biện pháp: đẩy mạnh việc nghiên cứu; ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào chẩn đoán, điều trị; tăng cường công tác truyền thông trong cộng đồng; chú trọng đào tạo, chỉ đạo tuyến; cần thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả 4 nội dung cơ bản của chiến lược phòng chống ung thư bao gồm phòng bệnh, sàng lọc chẩn đoán sớm, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ.

Tại Việt Nam, ung thư là một trong các bệnh lý không lây nhiễm, Việt Nam không tách riêng chương trình phòng chống ung thư như nhiều nước mà gộp chung thành chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm và đã được Chính phủ đưa vào Chương trình quốc gia y tế – dân số và Chương trình sức khỏe Việt Nam nhằm tiến tới mục tiêu kiểm soát tình trạng ung thư tại Việt Nam.

Lời khuyên phòng ngừa bệnh ung thư

Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm, tỉ lệ chữa khỏi càng cao, tiết kiệm về chi phí; ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì luôn để lại gánh nặng lớn về kinh phí và hiệu quả điều trị cũng giảm đáng kể. Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khoẻ định kỳ, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư. Ngoài ra nên thực hiện những khuyến cáo dưới đây để giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Không hút thuốc lá, thuốc lào; không sử dụng rượu bia, chất kích thích …..
  • Có chế độ ăn uống, dinh dưỡng phù hợp: ăn nhiều rau, quả. Hạn chế sử dụng chất béo, thịt đỏ, thức ăn chứa nhiều muối, tránh đồ uống có đường. Không ăn thực phẩm mốc, ôi thiu, thực phẩm nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng ….
  • Xây dựng chế độ tập luyện; nghỉ ngơi hợp lý; giữu tinh thần thoải mái; tích cực
  • Sinh hoạt tình dục lành mạnh, an toàn
  • Thực hiện tiêm chủng đầy đủ: viêm gan B; HPV…

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế