Logo

Tăng huyết áp: “Sát thủ” âm thầm

Lượt xem: 402 Ngày đăng: 27/05/2020

Tăng huyết áp là vấn đề thường gặp ở cộng đồng, thế nhưng lại là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh mạn tính. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, khó nhận biết, nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim…

Ngày 17-5 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng chống Tăng huyết áp, là một dịp để mọi người trên toàn thế giới cùng tham gia vào các chiến dịch nhằm kiểm soát và theo dõi huyết áp, chủ động bảo vệ sức khoẻ, đặc biệt là người cao tuổi.

Nhận biết tăng huyết áp

Tăng huyết áp (hay còn gọi là huyết áp cao) là trình trạng máu lưu thông với áp lực tăng liên tục. Nếu áp lực máu đẩy vào thành động mạch khi tim bơm máu tăng cao kéo dài, có thể gây tổn thương tim, đột quỵ và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không chữa trị, ổn định huyết áp kịp thời.

Các loại cao huyết áp: Cao huyết áp tự phát (không có nguyên nhân gây bệnh); cao huyết áp thứ phát (do các bệnh tim mạch, thận… gây ra); cao huyết áp tâm thu; cao huyết áp thai kỳ (tiền sản giật).

Các triệu chứng điển hình nghi ngờ cao huyết áp gồm: đau đầu đi kèm với hoa mắt, ù tai, mất thăng bằng; thở nông; chảy máu mũi; đau ngực đi kèm khó thở, tim đập nhanh; người bệnh chóng mặt; mắt nhìn mờ; mặt đỏ, buồn nôn, nôn ói; mất ngủ… Đối với với một số trường hợp tuỳ vào thể trạng khác nhau huyết áp có thể tăng lên mà không có bất kỳ triệu chứng nào, một số trường hợp khác có thể xuất hiện một số biểu hiện nhưng thường không rõ ràng.

Tăng huyết áp

Kiểm tra huyết áp để theo dõi chăm sóc sức khỏe tốt hơn

Nguyên nhân gây bệnh

Phần lớn, cao huyết áp ở người trưởng thành thường không xác định được căn nguyên. Chỉ có 10% các trường hợp mắc bệnh do các nguyên nhân như: Tuổi tác càng lớn, nguy cơ bị tăng huyết áp càng cao; cân nặng; ăn mặn gây tăng huyết áp bởi muối làm tăng hấp thu nước vào máu; chế độ ăn giàu chất béo, nhất là chất béo bão hòa; tiền sử gia đình (nếu trong gia đình có người mắc bệnh cao huyết áp thì những người thân còn lại có nguy cơ mắc bệnh này rất cao); chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ bị tăng huyết áp cao; giới tính: Đàn ông sau 45 tuổi có nhiều khả năng bị cao huyết áp hơn phụ nữ. Phụ nữ có nguy cơ bị huyết áp cao sau mãn kinh; lười vận động, không tập luyện thể dục; uống nhiều bia, rượu; mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch… bệnh thận cấp tính hoặc mạn tính, hẹp động mạch thân, uy tủy thượng thận; hội chứng Cushing; hội chứng Conn – cường Aldosteron tiên phát; căng thẳng tâm lý. Ngoài ra, huyết áp cao cũng có thể do do tác dụng phụ của thuốc tránh thai, thuốc cảm, kháng viêm Non-steroid, corticoid hoặc nhiễm độc thai nghén.

Nhiều biến chứng, nguy cơ tử vong hàng đầu

Huyết áp cao có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát tốt. Những biến chứng này ảnh hưởng nặng đến người bệnh, thậm chí có thể gây tàn phế hoặc tử vong. Cụ thể, huyết áp cao có thể gây suy tim, suy thận, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, phình động mạch, biến chứng não, hội chứng chuyển hóa (rối loạn chuyển hóa của cơ thể như tăng nồng độ insulin, tăng vòng eo, giảm HDL-C…), xuất huyết võng mạc (các mạch máu trong mắt bị vỡ, gây ra nhiều vấn đề về thị lực, nguy hiểm hơn là mù lòa).

Thời tiết nắng nóng có thể làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ

Theo BS.CKII Trương Quang Anh Vũ – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, thời tiết nắng nóng gây tác hại đến tất cả mọi người. Riêng bệnh nhân cao huyết áp,nắng nóng có thể làm huyết áp tăng, giảm khó kiểm soát hơn, và có thể dẫn đến các tình huống như đột quỵ, truỵ tim.

Tăng huyết áp

Ngày 17/5 hàng năm được chọn là ngày Thế giới phòng chống tăng huyết áp để nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh này

Cụ thể, nhiệt độ cao khiến thân nhiệt tăng, kích thích làm tim đập nhanh, gây tăng huyết áp. Nhưng nóng cũng khiến cơ thể phản ứng bằng cách giãn mạch, tăng xuất tiết mồ hôi để làm giảm thân nhiệt. Điều này lại làm cơ thể mất nước, giảm thể tích tuần hoàn, nếu người bệnh không kịp thời uống bù đủ nước thì có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm hơn như trụy mạch, tuột huyết áp.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng chống nguy cơ tăng huyết áp, người dân nên: Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kiểm soát cân nặng của mình; tăng cường ăn rau và trái cây; giảm ăn muối xuống dưới 5g/ngày; tích cực vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày; không hút thuốc, hạn chế bia rượu; đo huyết áp 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp (đặc biệt đối với người trên 40 tuổi), mỗi người nên nhớ số đo huyết áp của mình; người mắc bệnh tăng huyết áp nên tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của bác sĩ.

Mặt khác, khi thể tích tuần hoàn giảm, huyết áp giảm theo, lượng máu nuôi mô tế bào giảm, có thể dễ dẫn đến đột quỵ thể nhồi máu não.

Với tuổi tác và bệnh cao huyết áp, điều cần lưu ý hàng đầu là tránh gây ra thay đổi thân nhiệt đột ngột. Ví dụ như liên tục ra vào giữa phòng máy lạnh có nhiệt độ quá thấp và không gian ngoài trời có nhiệt độ cao; không nên vừa đi ngoài trời nóng về đã vội vàng vào phòng thật lạnh hoặc dội ngay nước lạnh lên người để tắm.

Để chủ động bảo vệ sức khỏe, đối với người cao huyết áp, đặc biệt là người cao tuổi khi phải ra ngoài, nhất là vào thời điểm nắng nóng, nhiệt độ cao trong ngày nên mặc áo chống nắng, đội mũ, kính mát và mang theo nước để uống bù nước thường xuyên, bù đắp cho lượng nước liên tục mất do đổ mồ hôi.

Nếu gặp các triệu chứng như mệt lả, choáng váng, yếu nửa người, nói khó, ngất…, phải lập tức vào bệnh viện để được can thiệp sớm. Cho dù chỉ cảm thấy hơi mệt, khát nước, tim đập hơi nhanh… khi đi lâu dưới trời nắng nóng, người dân cũng nên tìm nơi bóng râm để nghỉ ngơi, uống bù nước ngay.

Huyết áp cao có thể gây suy tim, suy thận, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, phình động mạch, biến chứng não, hội chứng chuyển hóa (rối loạn chuyển hóa của cơ thể như tăng nồng độ insulin, tăng vòng eo, giảm HDL-C…), xuất huyết võng mạc (các mạch máu trong mắt bị vỡ, gây ra nhiều vấn đề về thị lực, nguy hiểm hơn là mù lòa).

NAM THƯƠNG

(Suckhoedoisong)