Tăng cường nhiều chính sách mới cho các nhóm đối tượng thanh niên
Lượt xem: 472 Ngày đăng: 23/12/2019
Chiều 17/11, Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam do đồng chí Lê Quốc Phong – Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm UBQG về Thanh niên Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên tại Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Đào Ngọc Dung – Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn tạo môi trường cho thanh niên phát triển, trong đó có môi trường học tập, môi trường vui chơi lành mạnh, môi trường để thanh niên được tiếp cận các vấn đề mới
Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, trong những năm qua, đội ngũ công chức, viên chức thanh niên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, trong đó lực lượng công chức, viên chức thanh niên đóng vai trò quan trọng, xung kích trong các hoạt động của Bộ. Tính đến 31/12/2018 số lượng đoàn viên là 685 người.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011, Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các đơn vị trong Bộ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách nhằm chăm lo giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển thanh niên, bảo đảm phát huy vai trò tích cực của thanh niên trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển thanh niên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hộị; Huy động mọi nguồn lực hợp pháp để bảo đảm thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển thanh niên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giai đoạn 2013 – 2020 . Đồng thời, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế với thanh niên trong khu vực và thế giới.
Chương trình phát triển thanh niên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giai đoạn 2013 – 2020 với mục tiêu xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức thanh niên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần trách nhiệm với xã hội; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, xây dựng quy hoạch, bố trí và trọng dụng tài năng trẻ. 100% công chức, viên chức thanh niên thường xuyên được tham gia các đợt học tập các Nghị quyết của Đảng ủy cấp trên theo quy định. Hàng năm, Bộ tổ chức các Hội nghị công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong đó có tổ chức tuyên truyền, quán triệt các nội dung về công tác thanh niên như: chính sách, quy định mới của Nhà nước về thanh niên, chủ trương đào tạo, bồi dưỡng đối với thanh niên….
Triển khai Chương trình phát triển thanh niên, Bộ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị có liên quan, trong đó: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là đơn vị đầu mối giúp Bộ tham mưu, triển khai thực hiện công tác thanh niên và giúp việc cho thành viên Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình phát triển thanh niên của Bộ. Các Vụ, đơn vị khác có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thực hiện các nhiệm vụ. Ngoài ra, Bộ đã giao nhiệm vụ cho 16 đơn vị thuộc Bộ để xây dựng 09 hoạt động triển khai thực hiện chương trình phát triển thanh niên của Bộ giai đoạn 2013-2020.
Ở chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp – việc làm và an toàn lao động, từ năm 2011 – 2015, ngân sách Trung ương đã bố trí 6.568 tỷ đồng, dự án Hỗ trợ phát triển thị trường lao động (Hỗ trợ tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm, hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), chiến lược phát triển dạy nghề, chiến lược bình đẳng giới.
Doanh số cho vay hằng năm của Quỹ quốc gia về việc làm từ 2.200 – 2.500 tỷ đồng góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100 nghìn lao động chủ yếu ở khu vực nông thôn, trong đó khoảng 50% lao động trong độ tuổi thanh niên.
Hằng năm, Việt Nam đưa được từ 80 – 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong đó, 70% là lao động trẻ trong độ tuổi từ 18-30 tuổi, đồng thời, Bộ đã tham mưu trình ban hành các chính sách hỗ trợ một số đối tượng chính sách đi làm việc tại nước ngoài góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm Việt Nam đưa được khoảng từ 80 – 90 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông…trong đó 70% là thanh niên, 35 – 40% là nữ giới. 100% thanh niên trước khi đi lao động có thời hạn ở nước ngoài đều được học tập, phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và các văn bản pháp lý có liên quan về quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động.
Đồng chí Đào Ngọc Dung – Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng quà lưu niệm cho Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm UBQG về Thanh niên Việt Nam Lê Quốc Phong
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đào Ngọc Dung – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định, hiện nay, chúng ta đang bước vào thời kỳ già hóa dân số, chiều hướng số lượng thanh niên giảm đi, năm 2011 đầu vào của lao động là 1,2 triệu, đến bây giờ chỉ còn 400 nghìn, điều đó cho thấy báo động về xu hướng lao động giảm đi nhiều; khu vực nông thôn đang gặp vấn đề về già hóa và phụ nữ hóa, bên cạnh đó, sự phát triển về thể chất tầm vóc thanh niên chậm so với khu vực, nhất là chiều cao, thể trạng của thanh niên.
“Quy mô phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ cũng cho thấy có vấn đề, tỷ lệ số được qua đào tạo có chứng chỉ thấp so với tỷ lệ lao động. Hiện nay, có khoảng 23,5%, chúng tôi đang phấn đấu hết năm nay đạt 24%. Như vậy còn 76% chưa có chứng chỉ, đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Trong khi đó, cơ cấu nhân lực Việt Nam bất hợp lý, chúng ta đang thiếu cả thầy, thiếu cả thợ chứ không phải thừa lao động, chúng ta thiếu lực lượng kỹ sư, công nhân có trình độ cao; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao”. Đồng chí Đào Ngọc Dung cho biết.
Điều lo ngại nhất hiện nay là tình trạng thanh niên nghiện ma túy, vi phạm pháp luật, trong số 39 nghìn thanh niên đang cai tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc thì có 43% có tiền án tiền sự, trên 80% là nghiện ma túy tổng hợp… Đây là những vấn đề rất nhức nhối trong thanh niên; bên cạnh đó, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn còn rất nhiều; tình trạng trẻ em, thanh niên tự kỷ gia tăng… những vấn đề này về mặt quản lý nhà nước phải rất chú ý.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn tạo môi trường cho thanh niên phát triển, trong đó có môi trường học tập, môi trường vui chơi lành mạnh, môi trường để cho thanh niên tiếp cận các vấn đề mới. Đồng thời, xây dựng phát triển thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh.
Đồng chí Lê Quốc Phong mong muốn, đồng chí Bộ trưởng cũng như các đơn vị của Bộ quan tâm thực hiện tốt các nội dung liên quan đến Chiến lược phát triển thanh niên trong thời gian tới, cũng như các chính sách pháp luật liên quan đến công tác thanh niên như tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ phận của mình làm sao để đạt được các nhóm chỉ tiêu chiến lược 2011- 2020
Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Quốc Phong – Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm UBQG về Thanh niên Việt Nam đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung làm việc của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để đoàn công tác có cái nhìn tổng thể hơn về kết quả công việc của Bộ tham gia thực hiện pháp luật, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên.
Ngoài Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên thì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là Bộ có nhiều lĩnh vực liên quan đến thanh niên nhất, có 12 chỉ tiêu trong 29 chỉ tiêu được Chính phủ giao.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm UBQG về Thanh niên Việt Nam Lê Quốc Phong cho rằng, trong các đề án, chương trình lớn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội luôn dành sự quan tâm tới đối tượng thanh niên, với nhận thức đây là lực lượng quan trọng, nguồn lực lao động lớn cho đất nước. Đặc biệt, Bộ đã có những giải pháp cụ thể để chăm lo cho các đối tượng thanh niên yếu thế và tạo điều kiện cho các đối tượng thanh niên ở các địa bàn khó khăn.
Đồng chí Lê Quốc Phong mong muốn, Bộ LĐ, TB và XH tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các nội dung liên quan đến Chiến lược phát triển thanh niên trong thời gian tới, cũng như các chính sách pháp luật liên quan đến công tác thanh niên để đạt được các nhóm chỉ tiêu chiến lược 2011 – 2020.
“Trong các nhóm công việc, chúng tôi quan tâm tới vấn đề việc làm cho thanh niên, trong đó có thị trường lao động, làm sao để có thông tin kịp thời, hiệu quả tới thanh niên, tới xã hội về nhu cầu thị trường lao động; làm tốt điều này, hệ hống trường nghề sẽ hoàn thiện, phát triển tốt. Chúng tôi kỳ vọng làm mạnh mẽ vấn đề này hơn nữa”, đồng chí Lê Quốc Phong nhấn mạnh.
Với nội dung hướng nghiệp, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho rằng, đây là vấn đề tiếp tục cần tiếp tục đổi mới, có nhiều cách làm mới để không chỉ thanh niên đánh giá được năng lực bản thân, bám sát vào thị trường lao động mà còn trang bị những điều kiện cần thiết để thanh niên có sự lựa chọn hợp lý. Bên cạnh đó, kỹ năng nghề nghiệp trong việc làm của thanh niên sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh lực lượng lao động trẻ của Việt Nam.
Đồng chí Lê Quốc Phong cũng mong muốn Bộ LĐ, TB và XH có thêm đóng góp, đề xuất cụ thể để Luật thanh niên có thêm nhiều chính sách mới, có sự đột phá cho các nhóm đối tượng thanh niên, thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên phát triển. Trên cơ sở đó, giúp cho Bộ Nội vụ, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật thanh niên sửa đổi có thêm nhiều chất liệu thực tiễn đạt được kỳ vọng mong muốn của thanh niên và xã hội./.
Trịnh Lý