Logo

Sốt xuất huyết: Những điều cần biết

Lượt xem: 353 Ngày đăng: 30/10/2020

yduoctuetinh.net – Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh thường xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa mưa là thời điểm muỗi phát triển và lây lan bệnh. Thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng với biểu hiện bệnh qua 3 giai đoạn.

  1. Sốt xuất huyết là gì

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có 4 type là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi vằn (Aedes aegypti) là trung gian truyền bệnh chủ yếu.

Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Nếu không được phát hiện và chuẩn đoán và điều trị  kịp thời bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm: xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng… có thể  dẫn đến tử vong.

  1. Các giai đoạn bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có những biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, biểu hiện từ nhẹ đến nặng, nếu không được phát hiện và xử lý sớm có thể dẫn đến tử vong do xuất huyết. Bệnh diễn biến qua 3 giai đoạn bao gồm: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.

Giai đoạn sốt: Thường trong 3 ngày đầu của bệnh với những biểu hiện:

Bệnh nhân xuất hiện sốt cao đột ngột 39-400C.

Mệt mỏi, đau đầu, đau nhức hốc mắt, đau các khớp, đau mỏi người, có thể có viêm long đường hô hấp trên.

Chán ăn, cảm giác buồn nôn và nôn.

Da xung huyết, có thể có biểu hiện những chấm xuất huyết dưới da.

Giai đoạn nguy hiểm (hay gọi là giai đoạn xuất huyết): Thường vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh. Biểu hiện sốt có thể giảm hoặc vẫn còn sốt, xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến nặng, có những biểu hiện xuất huyết rất đa dạng (do giảm tiểu cầu trong máu), là giai đoạn nhiều biến chứng xảy ra.

Nhẹ nhất là hiện tượng xuất huyết dưới da: Bệnh nhân thấy các điểm xuất huyết dưới da, thường kèm theo cảm giác ngứa da.

Chảy máu cam, chảy máu chân răng, phụ nữ có thể chảy máu không liên quan tới chu kỳ kinh hay rong kinh.

Xuất huyết đường tiêu hóa với biểu hiện: Đi ngoài phân đen, đi ngoài phân lẫn máu hay nôn ra máu tươi hoặc máu đông.

Xuất huyết nặng hơn có thể là dấu hiệu xuất huyết não, xuất huyết trong ổ bụng nguy hiểm đến tính mạng.

Do hiện tượng cô đặc máu nếu không bù đủ dịch bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp, nặng hơn sốc do giảm khối lượng tuần hoàn.

Khi người bệnh có những biểu hiện như: Vật vã, kích thích hay li bì, nôn nhiều, đau bụng không rõ nguyên nhân, đau đầu dữ dội, tiểu ít, dấu hiệu xuất huyết cần đưa người bệnh đến viện để được điều trị kịp thời.

Giai đoạn hồi phục: Bệnh nhân hết sốt trên 48 giờ, đỡ mệt, tổng thể khỏe lên, thèm ăn và tiểu tiện nhiều hơn, Xét nghiệm tiểu cầu bắt đầu tăng.

  1. Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?

Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết rất đa dạng, có thể từ nhẹ đến nặng và hiện nay chưa có biện pháp phòng bệnh và điều trị đặc hiệu nên bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh do xuất huyết dưới nhiều hình thức.

Khi người bệnh có dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết không nên chủ quan cần khám và theo dõi tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

  1. Cách chăm sóc và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng bệnh hết hợp với chế độ chăm sóc.

3.1. Điều trị triệu chứng

Hạ sốt: Khi sốt < 38,5 độ C sử dụng các phương pháp vật lý như chườm bằng nước ấm vào các vùng trán, nách, bẹn, mặc quần áo rộng rãi thoáng mát. Khi sốt từ 38,50C chườm ấm kết hợp với thuốc paracetamol (không được dùng ibuprofen hay aspirin để hạ sốt vì gây xuất huyết nặng hơn) liều 10-15mg/kg, 4-6 giờ/ lần. Chú ý nếu trẻ em có tiền co giật nên sử dụng thuốc khi trẻ sốt từ 380C.

Bù nước và điện giải: Uống nhiều nước, dùng oresol hay hydrite để bù nước và điện giải. Nếu mất nước vừa và nặng người bệnh nôn nhiều không uống được truyền dung dịch Nacl 0,9%… để bù nước và điện giải cho người bệnh.

oresol. Bù nước và điện giải khi bệnh nhân bị sốt là điều vô cùng quan trọng.

3.2. Chế độ chăm sóc

Người bệnh hạn chế đi lại, nghỉ ngơi tại giường.

Ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, uống nhiều nước lọc, nước pha oresol hay nước trái cây…

Hạn chế dùng những đồ ăn có màu đỏ, nâu hay đen để tránh nhầm lẫn với xuất huyết đường tiêu hóa.

Nếu điều trị ngoại trú cần thường xuyên theo dõi người bệnh khi có các dấu hiệu nặng lên hay tình trạng không cải thiện cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay.

  1. Phòng bệnh sốt xuất huyết

Hiện nay chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, phòng bệnh chủ yếu là đề phòng muỗi đốt bằng cách:

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước, vệ sinh dụng cụ chứa nước thường xuyên, dọn vệ sinh khu vực sống.

Đề phòng muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, bôi kem xua muỗi, màn tẩm hóa chất…

Bệnh sốt xuất huyết biểu hiện qua 3 giai đoạn bệnh, giai đoạn từ ngày thứ 3 – 7 của bệnh là giai đoạn nguy hiểm nhất, có thể nhiều biến chứng xảy ra nguy hiểm đến tính mạng. Nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh đến các cơ sở y tế uy tín để được khám, chẩn đoán, điều trị và theo dõi những diễn biến nguy hiểm của bệnh.

BTV-KD

(Theo trang thông tin điện tử Bệnh viện Vinmec)