Logo

Sau khi tiêm vắc xin, cơ thể có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2?  

Lượt xem: 72 Ngày đăng: 21/06/2021

Theo BS Ngô Đức Hùng – Bệnh viện Bạch Mai, xung quanh chúng ta có nhiều người vì nhiều lý do khác nhau mà trì hoãn tiêm chủng, do đó việc mỗi cá nhân tiêm chủng vắc xin không chỉ bảo vệ cho chính mình mà còn bảo vệ những người xung quanh.

Sau khi tiêm vắc xin COVID-19, liệu có thể bị nhiễm virus hay không? câu hỏi được không it người đặt ra sau khi có một số trường hợp, dù đã tiêm vắc xin vẫn dương tính.

Tiêm vắc xin hiện vẫn được xem là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản thân và những thành viên khác trong mỗi gia đình, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ – nhìn rộng hơn là cả cộng đồng. Thế nhưng đó đây, vẫn xuất hiện tâm lý e ngại khi cho rằng có người đã tiêm vắ xin rồi mà vẫn có thể nhiễm virus. Trên thực tế, câu hỏi này cần được hồi đáp như thế nào cho đầy đủ và khách quan?

Tại chương trình phát sóng số 2 của “Vắc xin- Hành trình miễn dịch”, BS Ngô Đức Hùng, chuyên gia hồi sức tích cực của Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, người vừa từ các tâm dịch Hà Nam, Bắc Giang trở về, sẽ lý giải cụ thể về vấn đề này.

Theo BS Ngô Đức Hùng, bản chất của vắc xin là những thành phần virus đã được xử lý để không còn khả năng gây bệnh vào trong cơ thể con người, đồng thời giúp cho cơ thể chúng ta sản sinh ra kháng thể để chống lại tác nhân gây bệnh đó. Tuy nhiên, tuỳ theo cơ thể mỗi người lượng kháng thể sinh ra khác nhau.

Nếu lượng kháng thể sinh ra đủ nhiều thì cơ thể chúng ta sẽ hoàn toàn chống lại được các tác nhân gây bệnh tấn công từ bên ngoài vào. Nếu như lượng kháng thể sinh ra chưa đủ, chúng ta vẫn có thể nhiễm bệnh, nhưng mức độ sẽ giảm nhẹ hơn rất nhiều.

“Trong 6 tuần đi chống dịch tại Hà Nam và Bắc Giang, tôi thấy có những bệnh nhân “siêu lây nhiễm”- là những bệnh nhân có tải lượng virus rất lớn, một mình họ có thể lây ra nhiều người khác. Còn ở những bệnh nhân đã tiêm vắc xin thì do cơ thể đã có sẵn kháng thể nên có khả năng kìm hãm sự phát triển của virus. Do đó, tải lượng virus của những người này thấp nên khả năng phát tán ra những người xung quanh sẽ thấp hơn nhiều”- BS Ngô Đức Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo BS Hùng, xung quanh chúng ta có nhiều người vì nhiều lý do khác nhau mà trì hoãn tiêm chủng, do đó việc mỗi cá nhân tiêm chủng vắc xin không chỉ bảo vệ cho chính mình mà còn bảo vệ những người xung quanh.

Trước đó, tiếp nối các hoạt động trách nhiệm xã hội và chung tay đẩy lùi dịch bệnh, ngày 15/6, Bộ Y tế phối hợp với VTV Digital và đối tác liên quan phát động chương trình “Vắc xin – Hành trình miễn dịch” cùng thông điệp “Chia sẻ hiểu biết đúng về vắc xin để cùng nhau đi trên hành trình đến ngày mai không dịch bệnh”.

Chương trình với mục đích kêu gọi công đồng lan tỏa hiểu biết đúng về vắc xin để có thể tự bảo vệ chính mình, gia đình và người thân khỏi dịch bệnh, từ đó giảm áp lực cho ngành y tế và các y bác sĩ tuyến đầu, cũng như góp phần tạo nên một Việt Nam khỏe mạnh.

Thông qua chương trình, với mỗi bài chia sẻ (share)/ đăng tải clip thuộc chuỗi chương trình Vắc xin – Hành trình miễn dịch sẽ được đơn vị tài trợ thay người chia sẻ đóng góp 10,000 đồng tới Bộ Y tế dùng để mua vật tư y tế phục vụ công tác tiêm vắc xin COVID-19, với hạn mức tối đa 10 tỷ đồng.

Cộng đồng hãy cùng thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chia sẻ/đăng tải clip bất kỳ trong chuỗi chương trình VẮC XIN- HÀNH TRÌNH MIỄN DỊCH từ Fanpage VTV24; Fanpage Sức khỏe Việt Nam của Bộ Y tế hoặc fanpage VitaDairy Vì Con Mẹ Chọn trên trang cá nhân ở chế độ công khai và tag những người bạn muốn bảo vệ (bước tag không bắt buộc)

Bước 2: Gắn hashtag #VitaDairymiendich24h

Thời gian: Chương trình được thực hiện từ ngày 15/06 đến ngày 15/07/2021. Kết quả sẽ được công bố vào ngày 25/7.

 Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống