Logo

Quế – dược liệu cho người lưng, gối đau lạnh

Lượt xem: 245 Ngày đăng: 22/10/2020

yduoctuetinh.net – Khi thời tiết chuyển lạnh, cơ thể có thể gặp phải tình trạng đau mỏi, lạnh buốt, đau nhức. Tình trạng này thường xảy ra ở người cao tuổi và người có thói quen ít vận động. Với công năng bổ hòa trợ đương tán hàn, chỉ thống, hoạt huyết thông kinh nên quế là dược liệu tuyệt vời cho người lưng, gối đau lạnh.

Vì sao trời lạnh thường cảm thấy đau khớp gối?

Vào mùa lạnh, nhiệt độ môi trường thường ở mức trung bình 25 – 26 0C và có thể thấp hơn. Trong khi đó, nhiệt độ cơ thể chúng ta dao động trong khoảng 36 – 37 0C. Như vậy, sự chênh lệch giữa nhiệt độ môi trường và nhiệt độ cơ thể khiến cơ thể không kịp thích ứng. Không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể thông qua các lỗ chân lông trên da, mạch máu tại các vùng da đó bị co lại, khiến máu đến các khớp bị hạn chế. Khi đó, sụn khớp và các màng hoạt dịch không có máu nuôi dưỡng nên bị kích thích, gây nên đau nhức. Ở người cao tuổi, các mạch máu dễ bị lão hóa, chúng không co bóp và chuyển động nhịp nhàng như lúc còn trẻ, lưu lượng máu đến khớp cũng vì vậy mà ít dần đi. Bởi thế vào mùa lạnh và rét, nếu người cao tuổi không đủ ấm, nhà ở không kín gió, chứng đau nhức lưng, gối rất dễ xảy ra. Ngoài ra, nhiều người thường có thói quen ít vận động vào trời lạnh, đặc biệt là người cao tuổi. Điều này càng làm giảm lưu thông khí huyết tại khớp gối, từ đó dẫn đến tình trạng đau mỏi, thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp.

Quế – dược liệu cho người lưng, gối đau lạnh

QUẾ (Vỏ thân, vỏ cành) Cortex Cinnantomi là vỏ thân hoặc vỏ cành đã chế biến và phơi khô của cây  quế (Cinnamomum cassia Presl.) hoặc một số loài quế khác  (Cinnamomun zeylanicum Blume, Cinnamomum loureirii  Nees.) họ Long não (Lauraceae).

Mô tả

C. cassia: Mảnh vỏ thường được cuộn tròn thành ống, dài 5 đến 50 cm, ngang 1,5 đến 10 cm, dày 1 đến  8 mm. Mặt ngoài màu nâu đen nâu xám, có các lỗ vỏ và vết cuống lá (không nhìn thấy ở vỏ đã hóa bần dày). Mặt trong màu nâu đỏ đến nâu sẫm, nhẵn hoặc hơi gồ ghề. Chất  cứng và giòn, dễ bẻ gẫy; mặt bẻ không nhẵn, có xơ. Mặt cắt ngang có hai lớp: lớp ngoài màu vàng nâu, hơi thô ráp, lớp trong màu nâu đỏ, có xơ ngăn; Có một vòng màu nâu  hơi vàng giữa hai lớp. Mùi thơm, vị cay ngọt, sau tê nhẹ. Ở loài quế C. zeylanicum, vỏ thường mỏng hơn vỏ của loài  C. cassia, lớp trong màu nâu vàng, mùi thơm nhẹ. Ở loài quế C. loureirii, lớp bần màu nâu ngoài cùng có thể  bị cạo bỏ nên chỉ còn một lớp màu nâu hơi đỏ hay nâu sẫm, mùi rất thơm, thể chất giòn, dễ bẻ, vết bẻ có xơ.

Chế biến

Vào tháng 4 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 10, chọn  những cây quế sống 5 năm trở lên để bóc vỏ (cây sống  càng lâu càng tốt). Trước khi bóc, lấy lạt buộc quanh thân và cành to, cách khoảng 40 đến 50 cm buộc một vòng để cắt cho đều. Dùng dao nhọn cắt đứt phân nửa thân hoặc cành, rồi cắt dọc từng đoạn. Mỗi lần lấy vỏ, chỉ lấy một  nửa bên, để lại nửa bên cho cây tái sinh. Sau đó lây que nứa đã vót nhọn và mỏng lách vào khe, tách vỏ quế ra, để  riêng từng loại. Chú ý khi bóc vỏ quế không được làm sót  lại gỗ vì như vậy quế sẽ giảm giá trị. Vỏ quế to dầy phải ủ, ngâm nước một ngày, rửa sạch, để ráo nước. Lấy lá chuối tươi, hơ mềm lót quanh sọt dày độ 5 cm, xếp vỏ quế vào đầy sọt, đậy bằng lá chuối (cũng dày 5 cm). Buộc chặt để 3 ngày (mùa nóng) hoặc 7 ngày (mùa lạnh), hàng ngàỵ đảo trên xuống dưới, dưới lên trên cho nóng đều. Dỡ quế ở sọt ra, đem ngâm nước 1 giờ nữa. Vớt ra đặt lên phên nứa, lấy một phên nứa khác đè lên, ép  cho phẳng, để chỗ khô mát đến khi quế se. Lấy từng thanh quế, buộc ép vào ống nửa tròn thẳng (để cho dáng thẳng và đẹp), trong thời gian buộc ép như vậy, hàng ngày mở ra  hai lần, lau chùi mặt trong cho bóng, rồi lại buộc vào. Cứ  làm như vậy hàng ngày cho đến khi khô là được. Thời gian ủ quế đến khi hoàn tất phải mất 15 đến 16 ngày (mùa  nóng) hoặc 1 tháng (mùa mưa) và có khi hơn.

Bào chế

Loại bỏ tạp chất, gọt bỏ lớp bần, nếu làm thuốc hoàn tán  thì giã nát, tán thành bột; với thuốc thang thì mài với nước thuốc để uống.

Bảo quản

Để nơi khô, mát trong bình kín. Để tránh làm mất hương vị của quế, lấy sáp ong miết vào hai đầu của thanh quế, bọc giấy polyethylen, cho vào thùng kín để nơi khô mát

Tính vi, quy kinh

Tân, cam, đại nhiệt. Vào các kinh thận, tỳ, tâm, can.

Công năng, chủ trị

Bổ hòa trợ đương tán hàn, chỉ thống, hoạt huyết thông  kinh. Chủ trị: Lưng gối đau lạnh, bụng đau lạnh, nôn mửa, tiêu chảy, bế kinh, đau bụng kinh, phù thũng, tiểu tiện rối loạn (đái không thông lợi, đái nhiều lần).

Cách dùng, liều dùng

Ngày dùng từ 1 đến 4 g, dạng thuốc hãm, hoặc thuốc hoàn tán.

Kiêng kỵ

Âm hư hỏa vượng, phụ nữ có thai không dùng.

BTV-KD

(Theo ACC và Dược điển Việt Nam V)