Để giúp người bệnh bị tổn thương tủy sống phục hồi chức năng đòi hỏi quá trình rất dài và kiên nhẫn, kết hợp giữa nhiều phương pháp điều trị và kỹ năng chăm sóc của người thân, đặc biệt là ý chí vượt qua khó khăn của người bệnh.
1. Tổn thương tủy sống là gì?
Tủy sống nằm trong ống sống là một phần của hệ thần kinh trung ương. Chức năng chủ yếu của tủy sống là dẫn truyền tín hiệu thần kinh từ não xuống và dẫn truyền cảm giác từ cơ thể về não. Đây cũng là trung tâm của các cung phản xạ tự động.
Tổn thương tủy sống là một thuật ngữ dùng để chỉ nhóm bệnh lý làm ảnh hưởng đến tủy sống, các nguyên nhân thường gặp là chấn thương cột sống, viêm tủy, xuất huyết hoặc nhồi máu mạch tủy… Khi tủy sống bị tổn thương sẽ gây ảnh hưởng đến việc gửi và nhận tín hiệu giữa não bộ và các hệ của cơ thể, dẫn đến các rối loạn vận động, cảm giác, các phản xạ tự động dưới mức tổn thương và ảnh hưởng đến chức năng đại tiểu tiện cũng như tình dục.
2. Triệu chứng thường gặp khi bị tổn thương tủy sống
Tùy thuộc vào vị trí và mức độ nặng hay nhẹ của tổn thương mà người bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng thường gặp là:
- Yếu, liệt vận động dưới mức tổn thương: liệt tứ chi (tay, chân, thân mình) với tổn thương tủy cổ, liệt 2 chân với tổn thương tủy ngực, thắt lưng, chóp tủy
- Rối loạn cảm giác dưới mức tổn thương: Giảm, hoặc mất cảm giác dưới tổn thương, đau thần kinh
- Đại tiểu tiện không tự chủ
- Cơn AD – Rối loạn thần kinh thực vật: Đau đầu, vã mồ hôi, đỏ mặt, tăng huyết áp kịch phát, nhịp tim chậm
- Viêm phổi, suy hô hấp do liệt cơ hô hấp
- Các vấn đề khác: Loét da, teo cơ, cứng khớp, dính khớp, cốt hóa lạc chỗ, tắc mạch chi, viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thân…
3. Nguyên nhân gây chấn thương tủy sống
Một số nguyên nhân có thể khiến người bệnh bị tổn thương tủy sống bao gồm:
- Chấn thương cột sống: là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương tủy sống
- Bệnh lý tủy sống: Viêm tủy, xơ cứng rải rác
- Bệnh lý mạch tủy: xuất huyết tủy, nhồi máu mạch tủy
- Bệnh lý đĩa đệm: Thoát vị đĩa đệm nặng .
- Ung thư.
4. Chẩn đoán và điều trị phục hồi sau tổn thương tủy sống
Để chẩn đoán chính xác người bệnh có bị tổn thương tủy sống hay không, nguyên nhân tổn thương tủy là gì và để đưa ra phác đồ điều trị, phục hồi chức năng sau tổn thương tủy sống cho người bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm sau:
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống là phương pháp rất tốt trong việc chẩn đoán tổn thương tủy và nguyên nhân tổn thương
- Xquang cột sống tìm các tổn thương xương, Xquang ngực để chẩn đoán liệt cơ hoành
- Chụp cắt lớp vi tính hệ cột sống giúp chẩn đoán tổn thương xương.
Một số Chú ý:
- Với bệnh nhân tổn thương tủy sống do chấn thương:
Khi đã xác định người bệnh bị chấn thương tủy sống thì sẽ tiến hành sơ cứu bằng cách đặt người bệnh nằm trên tấm ván cứng phẳng, và cố định cổ bằng nẹp, kiểm tra đường dẫn khí và khả năng hô hấp, tuần hoàn. Khi đã chắc chắn cột sống bất động và ổn định thì bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc được dùng trong điều trị các chấn thương tủy sống cấp tính (điều trị trong vòng 8 giờ sau khi bị chấn thương)
Trong một số trường hợp đặc biệt bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật để ổn định cột sống hoặc lấy mảnh xương, dị vật, đĩa đệm vỡ (thoát vị) hoặc đốt sống vỡ ở cơ thể người bệnh ra.
- Với bệnh nhân tổn thương tủy do thoát vị đĩa đệm: Bình thường, thoát vị đĩa đệm có thể chỉ làm rối loạn cảm giác, tê bì phần cơ thể được dây thần kinh bị chèn ép chi phối, có thể điều trị nội khoa. Tuy nhiên, khi bệnh nhân có biểu hiện teo cơ, liệt vận động, rối loạn đại tiểu tiện do thoát vị đĩa đệm làm tổn thương tủy sống thì cần phải mổ ngay để tránh các biến chứng nặng nề.
- Điều trị bằng phục hồi chức năng: cần tập càng sớm càng tốt để hồi phục sau tổn thương tủy sống được tốt hơn và tránh các biến chứng nặng nề của tổn thương tủy sống. Trong phục hồi chức năng, bệnh nhân sẽ được hồi phục toàn diện về cơ thể sau tổn thương tủy bằng các phương pháp sau:
- Vận động trị liệu: các bài tập vận động đa dạng, tùy vào mức độ tổn thương của bệnh nhân với mục đích duy trì tầm vận động khớp, tránh teo cơ, cứng khớp, ức chế co cứng tay, chân, tăng cường khả năng vận động tối đa phần cơ thể dưới mức tổn thương, chủ động trong việc di chuyển
- Tập phục hồi chức năng hô hấp: cải thiện khả năng hô hấp, tăng cường khả năng ho khạc, hạn chế và cải thiện tình trạng viêm phổi
- Hoạt động trị liệu: tăng cường vận động chức năng bàn tay, giúp bệnh nhân chủ động trong các vấn đề sinh hoạt hàng ngày. Tại đơn vị này, bệnh nhân có thể được đo, làm các nẹp trợ giúp chức năng bàn tay như các dụng cụ hỗ trợ khả năng cầm nắm, dụng cụ hỗ trợ đánh máy tính và các dụng cụ thích nghi
- Phục hồi chức năng đại tiểu tiện: Bài tập cơ đáy chậu, đại tràng, bài tập kích thích hậu môn. Điều trị bằng máy: kích thích điện hậu môn, kích thích thần kinh vùng cùng cụt, Bio-feedback, giao thoa vùng bụng.
Hướng dẫn đặt thông tiểu ngắt quãng với các bệnh nhân rối loạn tiểu tiện