Logo

Những tương tác thuốc nguy hiểm thường gặp

Lượt xem: 19 Ngày đăng: 17/09/2021

Thuốc

 

1. Tương tác thuốc là gì?

Tương tác thuốc là sự tác dụng qua lại lẫn nhau giữa thuốc này với thuốc khác, giữa thuốc với tình trạng sinh lý hoặc bệnh lý của cơ thể và cũng có thể là với một số loại thực phẩm mà họ dùng. Kết quả của tương tác thuốc làm cho thuốc tăng hoặc giảm tác dụng điều trị, hoặc làm phát sinh một số tác dụng không mong muốn gây bất lợi cho người bệnh.

2. Các tương tác thuốc thường gặp?

Tương tác có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình thuốc đi vào cơ thể, từ khi thuốc được hấp thu, được phân bố, chuyển hóa, tác dụng và thải trừ ra ngoài. Có 3 loại tương tác thuốc thường gặp:

2.1. Tương tác thuốc – thuốc

Có thể xảy ra khi người bệnh dùng hai hay nhiều loại thuốc và giữa chúng có sự tương tác với nhau. Tương tác thuốc dạng này có thể làm tăng hoạt tính, tác dụng của thuốc nhưng cũng có thể làm giảm tác dụng điều trị. Ví dụ như dùng kèm các thuốc có tác dụng gây ngủ (thuốc an thần, kháng histamin) sẽ gây tăng tác dụng buồn ngủ còn dùng chung các kháng sinh như Ciprofloxacin, Levofloxacin với thuốc bổ có chứa ion kim loại như sắt, canxi sẽ làm giảm hấp thu, giảm tác dụng của kháng sinh. Ngoài ra, các thuốc còn tương tác với nhau gây ra tác dụng không mong muốn, có hại cho cơ thể. Ví dụ như dùng kèm thuốc chống nôn domperidone với kháng sinh như clarithromycin làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim và nghiêm trọng hơn có thể gây ra đột tử tim mạch.

Tương tác thuốc
Tương tác thuốc do người bệnh sử dụng nhiều loại thuốc cùng nhau

2.2. Tương tác thuốc – thức ăn

Có thể xảy ra khi dùng thuốc chung với một số loại thức ăn, thức uống, trái cây hoặc các thực phẩm chức năng. Thường gặp là tương tác giữa thức uống chứa cồn như bia, rượu với một số kháng sinh như metronidazole, tinidazole gây ra đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và đỏ bừng mặt. Nước ép bưởi chùm (grapefruit) cũng có nhiều tương tác bất lợi với thuốc như làm tăng nồng độ Colchicine – một thuốc giảm đau, kháng viêm trong bệnh gout – dẫn đến ngộ độc thuốc.

2.3. Tương tác thuốc – tình trạng sức khỏe của người bệnh

Là sự tương tác giữa thuốc với tình trạng bệnh lý, sinh lý của người bệnh, đặc biệt là các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy gan, suy thận … gây tác dụng phụ có hại. Ví dụ như dùng các dạng thuốc viên sủi bổ sung vitamin C dài ngày cho người lớn tuổi mắc tăng huyết áp làm tăng hấp thu natri dẫn đến khó kiểm soát được huyết áp và giảm hiệu quả điều trị.

3. Các tương tác thuốc nguy hiểm

Một số tương tác thuốc không nghiêm trọng có thể được giải quyết bằng cách thay đổi cách dùng, thời điểm dùng thuốc như một số kháng sinh cách các men vi sinh 2 giờ, hoặc cách xa các thuốc bổ chứa ion kim loại (sắt, canxi, kẽm …). Một số lại rất nguy hiểm như các thuốc chống đông máu như Warfarin, Acenocoumarol tương tác với rất nhiều loại thuốc khác nhau hoặc gây chảy máu hoặc sinh cục máu đông gây nguy hiểm cho người bệnh.

Người lớn tuổi, dùng nhiều loại thuốc điều trị các bệnh lý khác nhau là đối tượng có nguy cơ cao gặp phải tương tác thuốc. Bảng 1 liệt kê một số tương tác thuốc gây nguy hiểm cần lưu ý theo dõi khi dùng cho người cao tuổi.

Ngưng uống thuốc trị viêm tai giữa cấp 2 tuần thì bây giờ uống còn hiệu quả?
Thời điểm dùng thuốc có thể giải quyết được tình trạng tương tác thuốc

4. Các triệu chứng của tương tác thuốc?

Không có một triệu chứng chung, khái quát nào cho tương tác thuốc. Có những tương tác gây ra tác dụng phụ có hại tức thời như nôn mửa, chóng mặt, đau bụng … nhưng cũng có những tương tác thầm lặng, kéo dài, làm thay đổi hiệu quả điều trị bệnh. Một số tương tác bị ẩn giấu và chỉ có thể được phát hiện qua khai thác tiền sử dụng các thuốc đông y, dược liệu hoặc các viên uống thực phẩm bổ sung của người bệnh.

Người hiểu rõ nhất về tương tác thuốc là bác sĩ hoặc dược sĩ, là người thăm khám, điều trị và xem xét đơn thuốc của người bệnh. Vì thế, người bệnh cần nói với bác sĩ hoặc dược sĩ về các thuốc cùng các loại thực phẩm chức năng, khoáng chất hoặc các loại thuốc đông y, dược liệu khác … mà người bệnh đang dùng. Khi có lo ngại hoặc không hiểu rõ về thuốc, người bệnh có thể hỏi bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả khi dùng thuốc.

5. Cách xử lý khi gặp tương tác thuốc?

Tương tác thuốc không dễ dàng nhận biết; thông thường, bác sĩ hoặc dược sĩ sau khi đánh giá đầy đủ các thông tin về triệu chứng, bệnh lý, đơn thuốc và các loại thực phẩm dùng kèm của người bệnh mới có thể đưa ra kết luận. Do vậy, người bệnh thường không biết được bản thân đang gặp phải loại tương tác gì, với thuốc nào hoặc với loại thực phẩm nào đang dùng.

Tuy nhiên, người bệnh có thể nhận thấy được các thay đổi hoặc triệu chứng bất thường khi dùng thuốc như mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, tim đập nhanh, nổi mẩn đỏ… Các biểu hiện này có thể là kết quả của tương tác thuốc nhưng cũng có thể do dị ứng thuốc hoặc tác dụng phụ của một loại thuốc gây ra. Do vậy, khi gặp các biểu hiện bất thường này, người bệnh cần liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ, hoặc có thể đến cơ sở khám chữa bệnh để kiểm tra, theo dõi.

Đau bụng
Tình trạng đau bụng có thể xảy ra khi gặp tương tác thuốc

Trường hợp xác định là có tương tác thuốc, bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của tương tác và tình trạng người bệnh để ngưng thuốc hoặc đổi sang thuốc khác, thay đổi liều, cách dùng, thời gian dùng thuốc cho phù hợp. Người bệnh cũng cần nắm bắt được tác dụng điều trị, các biểu hiện có hại, cách theo dõi các tác dụng phụ của thuốc thông qua tờ hướng dẫn sử dụng hoặc khi được bác sĩ, dược sĩ tư vấn về thuốc. Việc nắm được các thông tin này sẽ giúp người bệnh có sự chuẩn bị, cảnh giác và dễ dàng nhận thấy các biểu hiện khác thường của cơ thể trong quá trình dùng thuốc.

Nguồn: Trang thông tin điện tử Bệnh viện Vinmec