Những nguy cơ có thể gặp ở bệnh nhân COVID-19 giai đoạn phục hồi
Lượt xem: 26 Ngày đăng: 11/09/2021
Sau thời gian mắc COVID-19, bệnh nhân đã phục hồi và âm tính với SARS-CoV-2. Vậy giai đoạn phục hồi sau mắc COVID-19 có thể gặp những nguy cơ gì?
Bài viết của TS. BS Đào Thị Yến Phi – Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM sẽ làm rõ vấn đề này.
Tình trạng thực tế của cơ thể và những nguy cơ có thể có trong giai đoạn sau khi hết bệnh.
Tình trạng gia tăng đáp ứng miễn dịch muộn
Là tình trạng hệ miễn dịch gia tăng hoạt động theo hướng gây các bệnh lý dị ứng – tự miễn trên những người có cơ địa bệnh tự miễn. Điều này cũng tương tự như các bệnh lý thấp tim, thấp khớp, Kawasaki, xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm cầu thận cấp… xảy ra sau một đợt viêm họng do vi trùng hay nhiễm siêu vi.
Vì vậy, ngay cả khi test COVID-19 đã âm tính, một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân vẫn xuất hiện tình thế nguy cơ và vẫn phải tiếp tục được can thiệp y khoa. Cần theo dõi các triệu chứng như: Khó thở, đau ngực, phát ban, tiểu ít… và gọi cho y tế hay bác sĩ nếu cảm thấy triệu chứng đó bất thường.
Hình thành sẹo xơ vi thể ở nhu mô phổi
Ở các bệnh nhân có viêm phổi lan tỏa trước đó, màng phế nang – mao mạch sau giai đoạn viêm sẽ lành dần, dịch viêm rút đi, các xác hồng cầu hay xác tế bào được dọn dẹp và các sẹo xơ li ti được hình thành.
Có thể hình dung quá trình này giống như một vết xước da nặng khi bị chà xát trên mặt đường, vết thương sẽ lành dần, lên da non và để lại một vết sẹo, khác biệt chỉ là các vết sẹo trong phổi thường rất li ti, chỉ nhìn thấy qua kính hiển vi, nên được gọi là tình trạng xơ hóa vi thể.
Các vết sẹo xơ li ti trong phổi nếu ít thì không sao, vùng phổi lành có thể bù được chức năng hô hấp, nhưng nếu sẹo xơ dày đặc hoặc các phế nang bị bít tắc nhiều, thì sẽ có thể làm phổi giảm co giãn khi hô hấp sau này.
Ai sẽ có sẹo xơ, nhiều hay ít, sẹo kiểu nào… thì còn tùy cơ địa, tùy vào tổn thương phổi nặng hay nhẹ, lứa tuổi, bệnh nền, tình trạng dinh dưỡng… Vì rất khó để biết ai sẽ xơ nặng ai sẽ xơ nhẹ. Vậy nên, tập thở trong giai đoạn phục hồi là một phần quan trọng ở tất cả bệnh nhân COVID-19.
Suy kiệt khối cơ và trống rỗng các kho dự trữ dưỡng chất trong cơ thể
Bao gồm suy giảm khối cơ và giảm các chất dinh dưỡng đã sử dụng triệt để trong quá trình chống lại bệnh.
Khối cơ, bao gồm cơ bắp và các tế bào của các cơ quan, bị teo nhỏ, bị mất các sợi cơ, bị tổn thương hay hư hỏng các tế bào… xảy ra ở hầu hết các hệ cơ quan của bệnh nhân sau đợt bệnh, từ hệ tiêu hóa đến gan mật, từ hệ hô hấp đến tuần hoàn… Có bệnh nhân sụt cả chục kilogam cân nặng sau đợt bệnh.
Số cân nặng này chủ yếu do giảm khối cơ, vì sinh lý trong giai đoạn bệnh là cơ thể sẽ ưu tiên dùng chất đạm nhiều hơn chất béo cho các hoạt động chuyển hóa của mình.
Kho dự trữ các chất dinh dưỡng dự trữ ít như vitamin nhóm B, C thường cạn kiệt; các chất dinh dưỡng dự trữ nhiều hơn như vitamin A, D (dự trữ trong gan), chất khoáng (dự trữ trong xương) cũng bị hao hụt rất nhiều.
Dinh dưỡng trong giai đoạn phục hồi chính là phần quan trọng để phục hồi khối cơ, sửa chữa các hư hỏng của tế bào ở các cơ quan, và khôi phục các kho dự trữ dưỡng chất trong cơ thể.
Các vấn đề về tâm lý và tinh thần
Tưởng chừng là chuyện nhỏ, nhưng thật ra, sự tổn thương tâm lý và tinh thần của người bệnh, nhất là những bệnh nhân nặng thường rất nghiêm trọng. Ám ảnh về những cơn khó thở hay nỗi sợ hãi về cái chết, thường không thể mất đi trong thời gian đầu tiên, cộng thêm với nỗi lo lắng về khả năng tái phát, tái nhiễm, di chứng… làm bệnh nhân mất ngủ và căng thẳng.
Tình trạng này thường góp phần làm cho cuộc sống của bệnh nhân tệ hơn ngay cả khi các tổn thương thực thể không nghiêm trọng quá mức.
Sẽ chẳng có ai giống ai trong cuộc hành trình quay trở lại với cuộc sống bình thường này, vì mỗi người có một sức khỏe nền khác nhau, trải qua tình trạng bệnh khác nhau, thiệt hại cơ thể trong lúc chống lại bệnh cũng khác nhau…
Dù vậy, việc chăm sóc trong giai đoạn phục hồi càng chuẩn xác thì hậu quả của căn bệnh (nếu có) càng nhẹ, hoặc có khi hoàn toàn không để lại chút di chứng nào.
Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống