Đàm là sản vật bệnh lý của tân dịch.
Đàm gặp trong nhiều trạng thái bệnh lý khác nhau: thường gặp trong bệnh lý bộ máy hô hấp do chất xuất tiết của niêm mạc đường hô hấp như ho suyễn có đàm, ngực đầy tức khó thở, nôn, buồn nôn, đau đầu chóng mặt, bệnh tràng nhạc (loa lịch hạch đàm) và đàm cũng là bệnh lý của các chứng trúng phong, kinh giản, kinh quyết.
Nguyên nhân sinh đàm có thể do nội thương tạng phủ, tạng phủ chức năng rối loạn (chủ yếu là ba tạng tỳ, phế, thận) và cũng có thể do ngoại cảm lục dâm (phong, hàn, thấp, táo, hỏa) cho nên tính chất đàm có khác nhau: thấp đàm, táo đàm, nhiệt đàm, hàn đàm, phong đàm.
Cho nên để chữa chứng đàm, Đông dược có những loại thuốc khác nhau như:
Táo thấp hàn đàm
Nhuận táo hóa đàm
Thanh nhiệt hóa đàm
Ôn hóa hàn đàm
Trừ phong hóa đàm.
TÁO THẤP HÓA ĐÀM
Là bài thuốc trị chứng đàm thấp.
Thường dùng bài: Nhị trần thang.
NHỊ TRẦN THANG
(Hòa tễ cục phương)
Thành phần:
Bán hạ 8 – 12g
Trần bì 8 – 12g
Cam thảo 4g
Phục linh 1g
(Nguyên phương có Sinh khương, Ô mai. Trên lâm sàng hiện nay không dùng).
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Táo thấp hóa đàm, lý khí hòa trung.
Giải thích bài thuốc:
Bài thuốc dùng trong các trường hợp ăn phải chất sống lạnh, chức năng tỳ vị bị rối loạn, thấp sinh đàm.
Trong bài:
Bán hạ cay táo ôn có tác dụng táo thấp hóa đàm, giáng nghịch cầm nôn, tiêu tán tích kết là chủ dược.
Trần bì: lý khí, hóa đàm.
Bạch linh: kiện tỳ, lợi thấp.
Cam thảo hóa trung kiện tỳ.
Các vị thuốc cùng dùng có tác dụng táo thấp hóa đàm, lý khí hòa trung.
Trong bài các vị Trần bì, Bán hạ đều phải dùng loại lâu năm để bớt tính cay táo, nên gọi là Nhị trần thang.
Ứng dụng lâm sàng:
Trên lâm sàng bài này thường dùng để hóa đàm, hòa vị, nên dùng nhiều trong các chứng đàm. Nếu chứng thuộc phong đàm gia Chế nam tinh, Bạch phụ tử để trừ phong hóa đàm. Nếu thuộc hàn đàm, gia Can khương, Tế tân để ôn hóa đàm. Nếu thuộc nhiệt đàm gia Qua lâu, Bối mẫu, Hoàng cầm để thanh nhiệt hóa đàm.
Nếu thuộc thực đàm gia La bạc tử, Chỉ xác để tiêu thực hóa đàm.
1. Trường hợp viêm phế quản mạn tính, ngực tức khó thở, ho đàm nhiều, rêu lưỡi trắng nhớt dùng bài Nhị trần thang gia thêm Tử uyển, Khoản đông hoa, Bách bộ, Cát cánh, Sa nhân để giáng khí, hóa đàm, chỉ khái.
2. Trường hợp rối loạn tiêu hóa, bụng đầy chán ăn, buồn nôn, có thể dùng bài này để hòa vị chỉ ẩu, tiêu thực.
3. Trên lâm sàng có báo cáo dùng bài này chữa bướu cổ đơn thuần có gia thêm Côn bố, Hải tảo có kết quả.
ÔN ĐỞM THANG
(Thiên kim phương)
Thành phần:
Bài NHỊ TRẦN THANG gia:
Trúc nhự 8 – 12g
Chỉ thực 8 – 12g
Sinh khương 3 lát
Đại táo 2 quả
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Thanh đởm hòa vị, tiêu đàm, cầm nôn.
Chủ trị: Chứng đởm hư đàm nhiệt xông lên, gây bứt rứt khó ngủ, ngực đầy tức, mồm đắng, nôn đàm, có thể dùng chữa các chứng suy nhược thần kinh, ăn kém, khó ngủ, bụng đầy, váng đầu, tim hồi hộp, có thể dùng trong các trường hợp người béo phị, đau tức ngực do đàm thấp.
KIM THỦY LỤC QUÂN TIỂN
(Cảnh Nhạc toàn thư)
Thành phần:
Bài NHỊ TRẦN THANG gia:
Đương qui 8 – 12g
Thục địa 16 – 20g
Gừng tươi 3 lát.
Cách dùng: Sắc nước uống.
Tác dụng: Dưỡng âm huyết hóa đàm.
Chủ trị: Chứng phế thận âm hư, tỳ thấp sinh đàm ho suyễn đàm nhiều, nôn, họng khô mồm táo.
ĐẠO ĐÀM THANG
(Tế sinh phương)
Thành phần:
Bài NHỊ TRẦN THANG gia:
Đởm nam tinh 6 – 10g
Đảng sâm 4 – 8g
Xương bồ 4 – 8g
Trúc nhự 2 – 4g
Sinh khương 3lát
Đại táo 2 quả
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Ích khí, trừ đàm hóa trọc, khai khiếu.
Chủ trị: chứng trúng phong, đàm mê tâm khiếu, cứng lưỡi không nói được.
KHU HÀN HÓA ĐÀM
Dùng trị các chứng hàn đàm do tỳ thận dương hư phế hàn tích tụ nhiều đàm.
Thường dùng các loại thuốc ôn dương trừ hàn hóa đàm như Can khương, Bạch truật, Tế tân, Cam thảo.
LINH CAM NGŨ VỊ KHƯƠNG TÂN THANG
(Kim quỹ yếu lược)
Thành phần:
Phục linh 12 – 16g
Can khương 8 – 12g
Ngũ vị tử 4 – 8g
Tế tân 4 – 8g
Cam thảo 4 – 8g
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Ôn phế hóa đàm.
Giải thích bài thuốc:
Bài này chủ trị chứng hàn đàm, thủy ẩm tích tụ tại phế, gây nên ho, khó thở.
Trong bài:
Bạch phục linh: kiện tỳ thẩm thấp hóa đàm.
Can khương, Tế tân: ôn phế tán hàn đều là chủ dược.
Ngũ vị tử: ôn liễm phế khí.
Cam thảo: kiện tỳ, điều hòa các vị thuốc.
Các vị thuốc cùng dùng vừa có tác dụng tán và liễm vừa khai và hợp làm cho Phế được ấm, đàm ẩm sẽ tiêu tan.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc dùng điều trị chứng phế hàn đàm.
1. Trường hợp nôn đàm nhiều gia Chế Bán hạ để giáng nghịch cầm nôn, táo thấp hóa đàm; nếu ho nhiều gia Hạnh nhân, Tử uyển, Khoản đông hoa để giáng khí chỉ khái; nếu khí trệ, ngực đầu tức gia Trần bì, Sa nhân để hành khí tiêu trệ.
2. Trường hợp tỳ hư, mệt mỏi ăn ít gia Ðảng sâm, Bạch truật để ích khí kiện tỳ.
3. Bài thuốc này dùng để chữa các bệnh viêm phế quản mạn tính, dãn phế quản có hội chứng “phế hàn đàm” có kết quả nhất định.
Chú ý: Không được dùng trong trường hợp ho khó thở lâu ngày có triệu chứng “Phế táo âm hư”.
THANH NHIỆT HÓA ĐÀM
Là những bài thuốc dùng chữa các hội chứng bệnh lý nhiệt đàm.
Biểu hiện lâm sàng là: ho, đàm vàng, khó khạc kèm theo có sốt hoặc không rêu lưỡi vàng, mạch sác.
Thường gồm các vị thuốc đắng hàn, thanh nhiệt hợp với thuốc hóa đàm như Hoàng cầm, Hoàng liên, Huyền sâm, Qua lâu, Bối mẫu.
Bài thuốc thường dùng là: Bối mẫu qua lâu tán, Tiểu hãm hung thang.
BỐI MẪU QUA LÂU TÁN
(Y học tâm ngộ)
Thành phần:
Bối mẫu 6 – 10g
Thiên hoa phấn 8 – 12g
Quất hồng 8 – 12g
Qua lâu 8 – 10g
Bạch linh 8 – 12g
Cát cánh 8 – 12g
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Thanh nhiệt hóa đàm, nhuận phế, chỉ khái.
Giải thích bài thuốc:
Bối mẫu, Qua lâu: thanh nhiệt hóa đàm, nhuận phế chỉ khái là chủ dược.
Thiên hoa phấn: sinh tân nhuận táo.
Cát cánh: tuyên phế lợi yết.
Quất hồng, Bạch linh: thuận khí hóa đàm.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài này chủ trị chứng phế táo nhiệt có đàm.
1. Trường hợp ngứa ở cổ gây ho gia Tiền hồ, Ngưu bàng tử để tuyên phế lợi yết. Tiếng nói khàn, trong đàm có máu bỏ Quất hồng gia Sa sâm, Cỏ nhọ nồi để dưỡng âm chỉ huyết.
2. Trường hợp táo nhiệt nặng, họng khô hầu đau gia Huyền sâm, Sinh địa, Mạch môn, Lô căn để thanh nhiệt nhuận táo.
3. Trường hợp phế nhiệt đàm thịnh ho, đàm vàng đặc dính, người nóng bứt rứt, lưỡi đỏ rêu vàng, bỏ Thiên hoa phấn, Phục linh, Cát cánh gia Hoàng cầm, Hoàng liên, Chi tử, Đởm nam tinh, Cam thảo để tăng cường thanh nhiệt hóa đàm gọi là bài “Bối mẫu qua lâu tán” (Y học tâm ngộ).
THANH KHÍ HÓA ĐÀM HOÀN
(Y phương khảo)
Thành phần:
Qua lâu nhân 8 – 12g
Hoàng cầm 8 – 12g
Bạch linh 8 – 12g
Chỉ thực 8 – 12g
Hạnh nhân 8 – 12g
Trần bì 8 – 12g
Đởm nam tinh 12 – 16g
Chế Bán hạ 12 – 16g
Cách dùng: Tán bột, dùng nước Gừng làm hoàn, mỗi lần uống 8 – 12g với nước nóng.
Có thể dùng làm thuốc thang liều lượng tùy tình hình bệnh lý mà gia giảm.
Tác dụng: Thanh nhiệt, hóa đàm, giáng khí, chỉ khái.
MÔNG THẠCH CỔN ĐÀM HOÀN
(Đơn Khê tâm pháp)
Thành phần:
Đại hoàng (chưng rượu) 320g
Hoàng cầm 320g
Mông thạch 40g
Trầm hương 20g
Cách dùng: Tất cả tán thành bột dùng nước làm hoàn nhỏ, mỗi lần uống 2 – 12g, ngày uống 1 – 2 lần.
Tác dụng: Giáng hỏa, trục đàm.
Chủ trị: Các chứng thực nhiệt, ngoan đàm, bệnh lâu ngày sinh ra chứng động kinh hoặc ho suyễn đàm vàng dính, đại tiện táo bón hoặc váng đầu, tức ngực, rêu lưỡi vàng dày dính, mạch hoạt sác có lực.
Chú ý: Bài thuốc tác dụng mạnh chỉ dùng với những trường hợp ngoan đàm thực nhiệt, người già yếu hư nhiệt, phụ nữ có thai cần thận trọng.
TIỂU HÃM HUNG THANG
(Thương hàn luận)
Thành phần:
Hoàng liên 4 – 8g
Toàn qua lâu nhân 12 – 20g
Khương Bán hạ 8 – 12g
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Thanh nhiệt đạo đàm, khai kết.
Giải thích bài thuốc:
Hoàng liên: đắng hàn tả hỏa, trừ nhiệt kết là chủ dược.
Bán hạ: khai ôn trừ đàm, tiêu mãn.
Hai vị hợp dùng đắng cay khai có tác dụng tả nhiệt trừ đàm, tiêu mãn tán kết.
Qua lâu: thanh nhiệt, trừ đàm, tán kết, lợi đại tiện.
Ứng dụng lâm sàng:
1. Bài thuốc được dùng trong trường hợp đàm nhiệt ứ kết làm cho ngực bụng đầy tức, ấn đau, táo bón, thường gia thêm Chỉ thực để lý khí tán kết tiêu đờm. Nếu có buồn nôn gia thêm Gừng tươi để cầm nôn kiện tỳ.
2. Có thể dùng trị các bệnh viêm màng phổi nước, viêm phế quản thuộc thể nhiệt đàm, trường hợp khó thở cấp gia Đình lịch tử, Hạnh nhân để thanh tả phế nhiệt, khai thông phế khí.
TỬ UYỂN THANG
(Y phương tập giải)
Thành phần:
A giao (cho vào sau) 8 – 12g
Đảng sâm 12g
Phục linh 12g
Ngũ vị tử 4g
Tử uyển 8 – 12g
Bối mẫu 8 – 12g
Tri mẫu 8 – 12g
Cát cánh 8g
Cam thảo 4g
Cách dùng: sắc uống.
Tác dụng: Dưỡng âm bổ phế, giảm ho, cầm máu.
Thường dùng trong trờng hợp lao phổi, phế khí hư, ho sốt lâu ngày, ho đàm có máu.
TIÊU LOA HOÀN
(Y học tâm ngộ)
Thành phần:
Huyền sâm
Sinh Mẫu lệ
Bối mẫu
(Lượng bằng nhau).
Cách dùng: Tán bột mịn, làm hoàn với mật. Mỗi lần uống 8 – 12g, mỗi ngày 2 lần với nước ấm, có thể dùng thuốc thang sắc uống.
Tác dụng: Thanh hóa nhiệt đàm, nhuyễn kiên, tán kết.
Chủ trị: Chứng loa lịch (lao hạch).
1. Trường hợp âm hư hỏa vượng, mồm khô, họng táo, tăng lượng Huyền sâm gia thêm Mạch môn, Sinh địa, Đơn bì để tư âm giáng hỏa. Nếu đờm nhiều dính đặc, mồm đắng gia lượng Bối mẫu thêm Qua lâu, Phù hải thạch để thanh nhiệt hóa đàm.
2. Trường hợp khối u cứng tăng lượng Mẫu lệ thêm Côn bố, Hải tảo, Hạ khô thảo để tăng tác dụng nhuyễn kiên, tán kết; nếu can khí uất, sườn ngực đầy đau gia Sài hồ, Bạch thược, Thanh bì để sơ can giải, uất lý khí hành trệ.
PHONG ĐÀM
Nguyên nhân của phong đàm có thể do ngoại cảm phong tà, phế khí không thông, đàm ứ trệ tại phế, thường ho nhiều đàm. Nếu do nội thương, phong đàm là do chức năng tỳ vị rối loạn, tỳ thấp sinh đàm, đờm trọc nhiễu động, nội phong sinh đau đầu chóng mặt.
Bài thuốc Trị ngoại phong thường gồm các vị thuốc tuyên tán ngoại cảm kiêm hóa đờm như: Cát cánh, Kinh giới, Tô tử, Tử uyển …
Thường dùng là bài thuốc Chỉ thấu tán.
Bài thuốc Trị nội sinh phong đàm thường dùng các vị thuốc tức phong hóa đàm như Thiên ma, Bán hạ …
Thường dùng là bài Bán hạ Bạch truật thiên ma thang.
CHỈ THẤU TÁN
(Y học tâm ngộ)
Thành phần:
Kinh giới 8 – 12g
Tử uyển 8 – 12g
Bạch tiền 8 – 12g
Cát cánh 8 – 12g
Bách bộ 8 – 12g
Trần bì 6 – 8g
Cam thảo 4g
Cách dùng: Tất cả tán bột, mỗi lần uống 8 – 12g với nước sôi để nguội, sau bữa ăn và trước lúc ngủ. Trường hợp ngoại cảm phong hàn uống với nước Gừng tươi.
Có thể sắc nước uống.
Tác dụng: Chỉ khái hóa đàm, sơ phong giải biểu.
Giải thích bài thuốc:
Bài thuốc này tác dụng chỉ khái, hóa đàm, giải biểu, chủ yếu là chỉ khái.
Trong bài:
Bách bộ, Tử uyển: ôn nhuận chỉ khái.
Cát cánh, Trần bì: tuyên phế, lý khí, trừ đờm.
Bạch tiền: trục giáng phế khí để hóa đờm chỉ khái.
Kinh giới: sơ phong giải biểu.
Cam thảo điều hòa các vị thuốc, dùng với Cát cánh có tác dụng chỉ khái hóa đờm.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc chủ yếu trị chứng ho do ngoại cảm phong hàn, đàm nhiều, họng ngứa, khạc đờm khó, thường dùng đối với các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản cấp mạn tính, ho đờm nhiều khó khạc.
1. Nếu có đau đầu, tắc mũi, sợ lạnh gia thêm Phòng phong, Tô diệp, Sinh khương để tán hàn giải biểu.
2. Nếu ho đờm nhiều, sắc trắng, rêu lưỡi trắng nhớt gia thêm Khương Bán hạ, Phục linh để táo thấp hóa đờm.
BÁN HẠ BẠCH TRUẬT THIÊN MA THANG
(Y học tâm ngộ)
Thànhphần:
Bán hạ chế 6 – 8 chỉ
Bạch linh 8 -12g
Bạch truật 8 – 12g
Thiên ma 6 – 8g
Quất hồng 6 – 8g
Cam thảo 2 – 4g
Cách dùng: Cho thêm Gừng tươi 2 lát, Táo 2 quả sắc nước uống.
Tác dụng: Kiện tỳ, trừ thấp, hóa đờm, tức phong.
Giải thích bài thuốc:
Bài thuốc này do bài Nhị trần thang gia Bạch truật, Thiên ma, thường dùng để trị chứng phong đàm, đau đầu, chóng mặt.
Trong bài:
Bán hạ, Thiên ma: hóa đờm, tức phong, trị đau đầu, chóng mặt là chủ dược.
Bạch truật, Bạch linh: kiện tỳ, trừ thấp để tiêu đờm.
Quất hồng: lý khí, hóa đờm.
Cam thảo, Sinh khương, Đại táo: điều hòa tỳ vị.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc chủ trị chứng đau đầu, chóng mặt, đờm nhiều, ngực đầy, rêu lưỡi trắng nhợt, mạch huyền, hoạt do phong đàm gây nên.
1. Trường hợp chóng mặt nhiều gia thêm Cương tàm, Đởm nam tinh để tăng tác dụng tức phong.
2. Trường hợp khí hư gia thêm Đảng sâm, Hoàng kỳ để bổ khí.
Chú ý: Những trường hợp đau đầu, chóng mặt do Can dương thịnh, âm hư không được dùng.
TAM TỬ DƯỠNG THÂN THANG
(Hàn thị y thông)
Thành phần:
Tô tử 6 – 12g
La bạc tử 8 – 12g
Bạch giới tử 6 – 8g
Cách dùng: sắc nước uống, mỗi ngày 1 thang sắc uống nước chia 2 lần.
Tác dụng: Giáng khí, hóa đàm, bình suyễn.
Giải thích bài thuốc:
Bài thuốc dùng trị chứng ho, khó thở, đờm nhiều, ngực tức, ăn kém, rêu lưỡi dày, mạch hoạt.
Trong bài:
Tô tử: giáng khí, hóa đàm.
Bạch giới tử: ôn phế, hóa đàm.
La bạc tử: tiêu thực, hóa đàm.
Đều là những vị thuốc trị ho đờm nhiều.
Ứng dụng lâm sàng:
Trên lâm sàng thường dùng để trị các chứng viêm đường hô hấp hoặc viêm phế quản cấp mạn tính, ho đờm nhiều.
1. Trường hợp phong hàn nặng gia lượng Tô tử, ngực đau nhiều gia lượng Bạch giới tử.
2. Trường hợp bụng đầy đau, ăn không tiêu gia La bạc tử. Thường kết hợp với các vị thuốc thanh nhiệt nhuận phế.
TÔ TỬ GIÁNG KHÍ THANG
(Hòa tễ cục phương)
Thành phần:
Tô tử 8 – 12g
Trần bì 6 – 8g
Nhục quế 2 – 3g
Đương quy 12g
Tiền hồ 8 – 12g
Chế Bán hạ 8 – 12g
Hậu phác 6 – 8g
Chích thảo 4 – 6g
Sinh khương 3 lát
(Một số bài thuốc không có Nhục quế gia Trầm hương).
Cách dùng: Giáng khí bình suyễn, ôn hóa hàn thấp.
Giải thích bài thuốc:
Bài thuốc chủ trị bệnh ho suyễn.
Trong bài:
Tô tử trị ho bình suyễn. Chế Bán hạ giáng nghịch trừ đờm là chủ dược.
Hậu phác, Trần bì, Tiền hồ hợp lực tuyên phế giáng khí hóa đờm, chỉ khái.
Nhục quế để ôn thận nạp khí.
Đương quy: dưỡng huyết và làm giảm bớt tính táo của các vị thuốc
Cam thảo: kiện tỳ, điều hòa các vị thuốc.
Sinh khương: hòa vị, giáng nghịch.
Các vị hợp lại thành bài thuốc có tác dụng giáng khí trừ đờm, bình suyễn chỉ khái.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc chủ yếu chữa chứng ho suyễn, đờm nhiều, tức ngực, khó thở, rêu lưỡi trắng, mạch hoạt.
1. Trường hợp đờm nhiều, ho suyễn, khó thở nặng không nằm được gia Trầm hương để tăng cường giáng khí bình suyễn.
2. Nếu kiêm biểu chứng phong hàn bỏ Nhục quế, Đương quy gia Ma hoàng, Hạnh nhân hoặc Tô diệp để sơ tán phong hàn.
3. Trên lâm sàng bài thuốc được dùng để chữa các chứng bệnh hen phế quản, viêm phế quản mạn tính, tâm phế mạn, ho, khó thở, đờm thịnh, thận khí bất túc.
Chú ý: Không nên dùng đối với trờng hợp phế nhiệt đàm suyễn hoặc phế thận hư sinh ra ho suyễn.