Bài thuốc Nhuận táo là những bài thuốc chữa chứng do bên ngoài táo khí gây nên hoặc bên trong âm hư nội nhiệt, sinh chứng khô táo, do chứng táo có nội táo và ngoại táo nên những bài thuốc chia ra hai loại chữa chứng Nội táo và Ngoại táo.
Táo khí dễ hóa nhiệt, chứng nhiệt lại dễ làm tổn thương tân dịch nên trong những bài thuốc nhuận táo cần phối hợp các vị thuốc ngọt, hàn thanh nhiệt dưỡng âm, vì thế những bài thuốc nhuận táo dễ ảnh hưởng đến chức năng vận hóa của tỳ vị cho nên không nên dùng đối với chứng đàm thấp ngưng trệ ở trung tiêu hoặc tỳ vị hư hàn, tiêu hóa rối loạn.
CHỮA CHỨNG NGOẠI TÁO
Là những bài thuốc chữa chứng ngoại cảm do lương táo hoặc do ôn táo gây nên, bệnh do:
Lương táo gây nên thường vào mùa thu cảm lạnh, phế khí không tuyên thông thường thấy các triệu chứng ho, tắc mũi, đau đầu, sợ lạnh, ngực sườn đau tức, môi họng khô, rêu lưỡi trắng mỏng.
Thường dùng các vị thuốc: Hạnh nhân, Tô diệp, Cát cánh, Tiền hồ, Đạm đậu xị, Thông bạch.
Bài thuốc tiêu biểu là Hạnh tô tán.
Ôn táo thường gặp hơn do mùa thu khí hậu khô ráo ít mưa, con người dễ cảm ôn táo, làm tổn thương tân dịch của phế, thường gặp các chứng đau đầu, ho khan, ít đờm, suyễn tức khó thở, mồm khát, lưỡi khô.
Phép trị: thanh nhuận phế táo.
Thường dùng các vị thuốc: Tang diệp, Sa sâm để dưỡng âm thanh nhiệt.
Tiêu biểu là bài Tang hạnh thang, Thanh táo cứu phế thang.
HẠNH TÔ TÁN
(Ôn bệnh điều biện)
Thành phần:
Hạnh nhân 8 – 12g
Chế Bán hạ 6 – 12g
Bạch linh 12 – 16g
Chỉ xác 6 – 8g
Tô diệp 6 – 8g
Tiền hồ 8 – 12g
Cát cánh 8 – 12g
Quất bì 4 – 8g
Cam thảo 4g
Đại táo 2 quả
Gừng tươi 3 lát
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Ôn tán phong hàn, tuyên phế hóa đàm.
Giải thích bài thuốc:
Bài thuốc chủ yếu trị chứng phế khí không thông, đàm thấp ứ trệ do ngoại cảm lương táo, do đó phải dùng phép ngoại giải lương táo tuyên phế hóa đàm.
Trong bài:
Hạnh nhân tính vị đắng ôn nhuận có tác dụng tuyên phế, chỉ khái, trừ đờm.
Tô diệp: cay ôn có tác dụng phát hãn nhẹ để giải dược lương táo đều là chủ dược.
Cát cánh, Chỉ xác một thăng một giáng giúp Hạnh nhân tuyên phế, chỉ khái.
Tiền hồ: sơ phong giáng khí, trừ đờm.
Bán hạ, Quất bì, Phục linh: lý khí kiện tỳ hóa đờm.
Cam thảo hợp Cát cánh (là bài Cát cam thang) có tác dụng thông phế chỉ khái, cùng Khương, Táo điều hòa vinh vệ.
Ứng dụng lâm sàng:
1. Bài thuốc chủ yếu trị bệnh ngoại cảm lương táo gặp trong các bệnh cảm cúm viêm đường hô hấp trên và nhiều bệnh viêm nhiễm khác thời kỳ sơ khởi có các triệu chứng: đau dầu, sợ lạnh không có mồ hôi, ho đờm lỏng, nghẹt mũi, rêu lưỡi trắng.
2. Trường hợp sợ lạnh nhiều gia thêm Thông bạch, Đạm đậu xị để giải biểu, nếu đau đầu nặng gia thêm Phòng phong , Bạc chỉ. Nếu ho đờm nhiều gia Trần bì, Tử uyển để ôn nhuận hóa đờm.
TANG HẠNH THANG
(Ôn bệnh điều biện)
Thành phần:
Tang diệp 8 – 12g
Sa sâm 12 – 16g
Đạm đậu xị 8 – 12g
Vỏ lê 8 – 12g
Hạnh nhân 8 – 12g
Thổ Bối mẫu 8 – 12g
Sơn chi bì 8 – 12g
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Sơ phong nhuận táo, thanh phế chỉ khái.
Giải thích bài thuốc:
Bài thuốc chủ trị chứng phế âm bị tổn thương do ngoại cảm ôn táo. Triệu chứng thường có sốt đau đầu, khát nước, ho khan ít đờm, lưỡi đỏ, rêu trắng mỏng khô, mạch phù sác.
Trong bài:
Tang diệp, Hạnh nhân có tác dụng tuyên phế lý khí. Sa sâm nhuận phế sinh tân là chủ dược.
Đạm đậu xị giúp Tang diệp thông phế.
Vỏ Lê giúp Sa sâm nhuận táo.
Sơn chi bì: thanh phế nhiệt.
Bối mẫu: chỉ khái, hóa đờm.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc dùng chữa các chứng viêm đưòng hô hấp trên có triệu chứng táo nhiệt.
1. Trường hợp họng khô đau gia Ngưu bàng tử, Bàng đại hải (đười ươi) để thanh nhiệt yết hầu; chảy máu cam gia Mao căn, Nhọ nồi để chỉ huyết. Ho đờm đặc gia Qua lâu nhân, Thiên hoa phấn để thanh nhiệt trừ đờm.
2. Trường hợp sởi trẻ em, lúc sởi bay còn có triệu chứng da khô, mũi họng khô đau, hơi sốt, khát nước, ho khan, rêu lưỡi trắng mỏng khô, có thể dùng bài này để chữa và gia thêm Lô căn, Qua lâu nhân để thanh nhiệt sinh tân.
3. Trường hợp giãn phế quản, ho ra máu dùng bài thuốc này bỏ Đạm đậu xị gia Tử uyển, Thuyên thảo căn, Trắc bá diệp để tuyên phế nhuận táo chỉ huyết, có kết quả nhất định.
THANH TÁO CỨU PHẾ THANG
(Y môn pháp thuật)
Thành phần:
Tang diệp 8 – 12g
Nhân sâm (Đảng sâm) 8 – 12g
Hồ ma nhân 8 – 12g
Mạch môn 8 – 12g
Tỳ bà diệp 8 – 12g
Thạch cao 16 – 30g
A giao 8 – 12g
Hạnh nhân 8 – 10g
Cam thảo 4g
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Thanh phế, nhuận táo.
Giải thích bài thuốc:
Bài này chủ trị chứng phế khí âm hư do ôn táo thương phế, triệu chứng thường thấy là sốt đau đầu, ho khan, suyễn tức khó thở, mũi mồm họng khô, ngực đầy, sườn đau, lưỡi khô không rêu.
Trong bài thuốc:
Tang diệp: thanh nhuận phế táo.
Thạch cao: thanh phế vị, táo nhiệt đều là chủ dược.
Mạch môn, A giao, Hồ ma nhân: tư âm nhuận phế.
Hạnh nhân, Tỳ bà diệp: thông giáng phế khí.
Đảng sâm: ích khí sinh tân.
Cam thảo: điều hòa các vị thuốc.
Các vị thuốc hợp lại có tác dụng thanh phế nhuận táo.
Ứng dụng lâm sàng:
1. Trường hợp âm hư huyết nhược gia Sinh Địa hoàng để dưỡng âm thanh nhiệt, đờm nhiều gia Qua lâu, Bối mẫu để thanh nhuận hóa đàm, ho ra máu gia Trắc bá diệp, Cỏ nhọ nồi, Hoa hòe để cầm máu.
2. Trên lâm sàng thường dùng để chữa chứng viêm phế quản mãn tính, ho kéo dài hoặc trường hợp dãn phế quản tùy chứng gia giảm đều có kết quả nhất định.
SA SÂM MẠCH ĐÔNG THANG
(Ôn bệnh điều biện)
Thành phần:
Sa sâm 12 – 20g
Ngọc trúc 8 – 12g
Mạch môn 12 – 16g
Tang diệp 8 – 12g
Sinh Biển đậu 8 – 12g
Thiên hoa phấn 8 – 12g
Cam thảo 3 – 4g
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Thanh dưỡng phế âm, sinh tân nhuận táo.
Ứng dụng lâm sàng: Thường dùng chữa các chứng viêm phế quản mạn tính, dãn phế quản, lao phổi có hội chứng phế âm hư, tùy chứng gia giảm có kết quả tốt.
CHỮA CHỨNG NỘI TÁO
Nội táo có thể do tạng phủ tân dịch không đầy đủ hoặc do cảm phải ôn tà làm tổn thương tân dịch gây nên.
Nếu gây tổn thương ở phần trên (phế) xuất hiện các chứng ho khan, họng khô hoặc ho ra máu do phế âm bị tổn thương.
Phép trị là thanh táo nhuận phế.
Nếu táo ở phần giữa (trung tiêu) xuất hiện là chứng dễ đói, mồm khô khát, hoặc nấc cụt, ợ khan là do âm vị tổn thương.
Phép trị là sinh tân dưỡng vị.
Nếu táo ở hạ tiêu xuất hiện chứng tiêu khát, họng khô hoặc táo bón, các chứng thận âm hư.
Phép chính chữa nội táo là tư dưỡng âm dịch.
Các vị thuốc thường dùng là Huyền sâm, Sinh địa, Mạch môn, Bách hợp, Hồ ma nhân, Sa sâm, Ngọc trúc, Hoàng tinh.
Bài thuốc thường dùng có: Dưỡng âm thanh phế thang, Bách hợp cố kim thang, Mạch môn đông thang, Tăng dịch thang.
DƯỠNG ÂM THANH PHẾ THANG
(Trùng lâu Ngọc hồ)
Thành phần:
Sinh địa 12 – 20g
Huyền sâm 8 – 16g
Xích thược 8 – 12g
Mạch môn 8 – 16g
Đơn bì 8 – 16g
Bối mẫu 8 – 12g
Bạc hà 6 – 8g
Cam thảo 6 – 8g
(Có thang dùng thêm Sao Bạch thược)
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Dưỡng âm thanh phế, lương huyết giải độc.
Giải thích bài thuốc:
Đây là bài thuốc kinh nghiệm chữa Bạch hầu. Đông y cho rằng Bạch hầu thuộc tà táo nhiệt dễ tổn thương âm dịch, cho nên phép chữa chính là dưỡng âm thanh phế, lương huyết giải độc.
Trong bài:
Sinh địa, Huyền sâm, Mạch môn có tác dụng dưỡng âm lương huyết, thanh nhiệt giải độc là chủ dược.
Bạch thược: hỗ trợ Sinh địa dưỡng âm.
Đơn bì: hỗ trợ Huyền sâm.
Sinh địa: lương huyết giải độc.
Bối mẫu: chỉ khái, hóa đàm, thanh nhiệt.
Sinh Cam thảo: thanh nhiệt giải độc.
Bạc hà: tuyên phế, lợi yết.
Các vị thuốc cùng dùng có tác dụng dưỡng âm thanh phế, lương huyết giải độc.
Ứng dụng lâm sàng:
1. Bài thuốc thường dùng các chứng bệnh viêm amygdal cấp, viêm họng sưng đau, bạch hầu có triệu chứng sốt phế âm hư.
2. Trường hợp thận âm hư gia Thục địa để tư bổ thận âm, nhiệt độc nặng gia Kim ngân hoa, Liên kiều để thanh nhiệt giải độc.
3. Trường hợp có biểu chứng gia Tang diệp, Cát căn.
KHÁNG BẠCH HẦU HỢP TỄ
(Kinh nghiệm Bệnh viện Thiên Tân)
Thành phần:
Liên kiều 24g
Hoàng cầm 24g
Mạch môn 12g
Sinh địa 40g
Huyền sâm 12g
Cách dùng: Mỗi thang cho nước 500ml sắc còn 60ml, ngày uống 1 thang chia 4 lần.
Tác dụng: Thanh nhiệt, dưỡng âm, giải độc.
Chữa trị: Bạch hầu thời kỳ mới bắt đầu có kết quả tốt.
BÁCH HỢP CỐ KIM THANG
(Y phương tập giải)
Thành phần:
Sinh Địa hoàng 8 – 12g
Bối mẫu 8 – 12g
Đương qui 8 – 12g
Cam thảo 4 – 8g
Mạch môn 8 – 12g
Thục địa 12 – 16g
Bách hợp 8 – 12g
Huyền sâm 8 – 12g
Sao Bạch thược 8 – 12g
Cát cánh 8 – 10g
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận phế hóa đàm.
Giải thích bài thuốc:
Bài thuốc này trị chứng phế thận âm hư, hư hỏa bốc lên sinh ra hầu họng đỏ đau, ho khó thở, đàm vàng có máu, lòng bàn tay bàn chân nóng, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác cho nên phép chữa là dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận phế hóa đàm.
Trong bài:
Bách hợp, Sinh thục địa: dưỡng âm thanh nhiệt, tư nhuận phế thận là chủ dược.
Mạch môn hỗ trợ Bách hợp nhuận phế chỉ khái.
Huyền sâm trợ giúp Sinh Thục địa tư thận thanh nhiệt.
Đương qui, Bạch thược: dưỡng huyết hòa âm.
Bối mẫu, Cát cánh: thanh phế hóa đàm.
Cam thảo: điều hòa các vị thuốc, còn hợp với Cát cánh có tác dụng lợi yết hầu.
Ứng dụng lâm sàng:
1. Trường hợp đàm nhiều gia Qua lâu để thanh hiệt hóa đàm, ho ra máu nhiều gia Mao căn, Ngẫu tiết, Nhọ nồi, Tiên hạt thảo để cầm máu.
2. Bài này có thể dùng đối với các chứng bệnh lao phổi, viêm phế quản mạn tính, dãn phế quản có hội chứng phế thận âm hư, ho ra máu. Bài thuốc này có nhiều vị ngọt hàn nê trệ nên gặp những trường hợp tỳ hư tiêu lỏng không nên dùng.
3. Có báo cáo lâm sàng dùng bài thuốc trị bệnh bụi phổi có gia thêm Sa sâm, Thạch hộc, Tang bạch bì, Đại cốt bì, Tri mẫu, Uất kim, La bạc tử có kết quả khả quan.
BỔ PHẾ A GIAO THANG
(Tiểu nhi dược chứng trực quyết)
Thành phần:
A giao (mạch sao) 60g
Mã đầu linh 20g
Ngưu bàng tử 10g
Chích thảo 10g
Hạnh nhân 6 – 7g
Gạo nếp sao 40g
Cách dùng: Tất cả tán bột mịn, mỗi lần uống 8g, sắc nước uống.
Có thể dùng thuốc thang, lượng mỗi vị thuốc có thể gia giảm tùy tình hình bệnh lý.
-136-
Tác dụng: Dưỡng âm bổ phế, chỉ khái huyết.
Chủ trị: Chứng lao phổi ho ra máu, thuộc chứng phế âm hư.
MẠCH MÔN ĐÔNG THANG
(Kim quỹ yếu lược)
Thành phần:
Mạch môn 12 – 24g
Đảng sâm 12 – 16g
Chế Bán hạ 8 – 10g
Đại táo 4 quả
Cam thảo 4g
Gạo tẻ 20 – 40g
Cách dùng: sắc nước uống.
Tác dụng: Ích vị sinh tân, giáng nghịch, hạ khí.
Giải thích bài thuốc:
Bài thuốc chủ trị chứng Phế nuy do vị tân dịch bất túc, hư nhiệt gây nên, thường có các triệu chứng ho đờm dãi rất nhiều, khí suyễn khó thở, họng khô mồm táo, lưỡi đỏ khô ít rêu, mạch hư sác.
Do đó, phép chữa là ích vị sinh tân giáng khí nghịch.
Trong bài:
Mạch môn: thanh vị hư nhiệt mà sinh tân dịch là chủ dược.
Sâm, Cam, Táo, Gạo tẻ có tác dụng ích vị khí, sinh âm dịch làm cho tân dịch có thể dưỡng được phế âm.
Bán hạ: khai thông vị khí, giáng khí nghịch, hóa đờm dãi.
Cam thảo dùng sống có tác dụng thanh nhiệt lợi yết hầu.
Các vị thuốc cùng dùng có tác dụng dưỡng vị, nhuận phế giáng hư hỏa, lợi yết hầu làm cho ho khó thở tự khỏi.
Ứng dụng lâm sàng:
Đây là bài thuốc chủ yếu trị Phế nuy thuộc hội chứng âm hư.
1. Nếu tân dịch tổn thương nặng gia thêm Sa sâm, Ngọc trúc để dưỡng phế vị tư âm sinh tân.
2. Nếu có triệu chứng (sốt về chiều) gia Ngân sài hồ, Địa cốt bì.
3. Bài thuốc có thể dùng chữa lóet dạ dày hành tá tràng thuộc thể âm hư có các triệu chứng vùng thượng vị nóng đau, mồm khô, đại tiện táo bón, lưỡi đỏ ít rêu, gia thêm Thạch hộc, Bạch thược, Rễ lúa nếp, Mai mực để dưỡng âm chỉ thống.
4. Chú ý: Trường hợp phế nuy thuộc chứng hư hàn không nên dùng bài này.
ÍCH VỊ THANG
(Ôn bệnh điều biện)
Thành phần:
Sa sâm 12g
Mạch môn 12 – 20g
Sinh địa 12 – 20g
Ngọc trúc 6 – 8g
Cách dùng: sắc nước xong cho 4 – 6g đường phèn uống.
Tác dụng: Ích vị sinh tân.
Mạnh hơn bài Mạch môn thang.
TĂNG DỊCH THANG
(Ôn bệnh điều biện)
Thành phần:
Huyền sâm 40g
Mạch môn 32g
Sinh địa 32g
Cách dùng: sắc nước uống, nếu chưa đại tiện, uống thang nữa.
Tác dụng: Tăng dịch nhuận táo.
Giải thích bài thuốc:
Bài thuốc chủ trị bệnh nhiễm sốt, tân dịch hao tổn có triệu chứng táo bón, mồm khát, lưỡi đỏ khô, mạch tế sác.
Trong bài:
Huyền sâm dùng nhiều có tác dụng dưỡng âm sinh tân, thanh nhiệt nhuận táo là chủ dược.
Mạch môn, Sinh địa: dưỡng âm thanh nhiệt.
Ba vị hợp lại có tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận tràng thông tiện.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài thuốc được dùng có hiệu quả với tất cả các chứng âm hư táo bón.
1. Trường hợp táo bón nặng, nếu dùng bài này vẫn chưa thông tiện gia thêm Thừa khí thang.
2. Trường hợp vị âm bất túc, chất lưỡi đỏ trơn, môi táo mồm khô dùng thêm Sa sâm, Ngọc trúc, Thạch hộc để dưỡng âm sinh tân.