Logo

Những bài thuốc hòa giải

Lượt xem: 403 Ngày đăng: 08/05/2020

Bài thuốc Hòa giải là những bài thuốc có tác dụng sơ tán, điều hòa chức năng các tạng phủ bị rối loạn như Hòa giải thiếu dương, Sơ can lý tỳ, Điều hòa tỳ vị …

A.    Hòa giải thiếu dương:

    Những bài thuốc hòa giải thiếu dương có tác dụng chữa hội chứng Thiếu dương, thường có những triệu chứng hàn nhiệt vãng lai, ngực sườn đầy tức, bứt rứt, muốn nôn, không thích ăn uống, mồm đắng họng khô, hoa mắt. Chứng thiếu dương thuộc “bán biểu bán lý” cho nên không dùng phép hạ, cũng không dùng phép thổ, mà dùng phép hòa giải tức là hòa lý giải biểu, để đạt mục đích như:

        Sách Thương hàn luận nói là: “Làm cho thượng tiêu thông, tân dịch đi xuống vị khí điều hòa thì sẽ ra mồ hôi”.

        Sách Y học tâm ngộ cũng nói: “Thương hàn ở biểu thì phát hãn, ở lý thì hạ, ở bán biểu bán lý thì hòa, đó là nguyên tắc điều trị của Đông y”.

-80-

 Những vị thuốc thường dùng để hòa giải có: Sài hồ, Thanh hao, Hoàng cầm, Bán hạ …

    Những bài thuốc thường dùng có: Tiểu Sài hồ thang, Hao cầm thanh đởm thang …

B.    Điều hòa Can tỳ:

    Phép điều hòa can tỳ dùng trong trường hợp hội chứng bệnh lý có triệu chứng chủ yếu là do Can khí uất kết, ảnh hưởng tỳ vị gây nên ngực sườn đau, đầy tức, ợ chua, ợ hơi, mạch huyền.

    Bài thuốc thường dùng có Tứ nghịch tán, Tiêu dao tán, Thông tả yếu phương.

C.    Điều hòa trường vị:

    Bài thuốc Điều hòa trường vị là những bài thuốc trị bệnh tại trường vị do rối loạn chức năng gây nên bụng đầy đau, hàn nhiệt lẫn lộn, nôn, buồn nôn, sôi bụng, tiết tả. Thường dùng các loại thuốc vừa hàn vừa nhiệt và cay đắng để điều chỉnh cơ năng trường vị.

    Thường dùng có Can khương, Hoàng cầm, Hoàng liên, Bán hạ, Đảng sâm, Cam thảo.

    Bài thuốc thường dùng là Bán hạ tả tâm thang.

D.    Trị sốt rét (Ngược tật):

    Sốt rét thuộc phạm vi chứng Thiếu dương vì có những triệu chứng lâm sàng giống chứng Thiếu dương trong Đông y nhưng phương pháp hòa giải chỉ là một trong các phương pháp trị sốt rét cho nên bài thuốc trị sốt rét có rất nhiều. Ở đây chỉ thuộc phạm vi hòa giải.

Những bài thuốc thường dùng có: Thất bảo tán, Đạt nguyên ẩm, Thanh tỳ ẩm, Hà nhân ẩm.

Những bài thuốc Hòa giải gồm có 9 bài chính chia ra thuốc Hòa giải thiếu dương, Điều hòa can tỳ, Điều hòa trường vị và 2 bài thuốc trị sốt rét.

Hòa giải thiếu dương: 2 bài thuốc Tiểu sài hồ thang, Hao cầm thanh đởm thang đều có tác dụng hòa giải thiếu dương trong đó bài Tiểu sài hồ thang chuyên trị chứng thiếu dương có kiêm trung khí hư. Bài Hao cầm thanh đởm thang có tác dụng thanh đởm lợi thấp là chính đồng thời có thể hòa vị hóa đờm, chuyên trị chứng thiếu dương nhiệt nặng kiêm có đờm thấp.

Điều hòa can tỳ: Các bài thuốc Tứ nghịch tán, Tiêu dao tán, Thông tả yếu phương đều có tác dụng điều hòa can tỳ. Trị những chứng bệnh do Can tỳ bất hòa gây nên trong đó bài Tứ nghịch tán có tác dụng giải uất tả nhiệt, chủ trị chứng chân tay quyết nghịch do dương khí uất ở trong bụng, đau do can tỳ bất hòa khí uất. Ở trong bài Tiêu dao tán có tác dụng điều hòa can tỳ dưỡng huyết kiện tỳ chuyên trị chứng can uất, huyết hư gây nên ngực

sườn đau tức, mệt mỏi, chán ăn. Còn bài Thông tả yếu phương chủ yếu bình can bổ tỳ, chủ trị chứng bụng đau tiết tả do can vượng tỳ hư.

Điều hòa trường vị: Bài Bán hạ tả tâm thang là bài thuốc chính điều hòa trường vị chủ trị các chứng hàn nhiệt thác tạp, thăng giáng mất điều hòa, sinh ra nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Trị sốt rét: Bài Thất bảo tán chuyên trị chứng sốt rét đàm thấp nặng, khí trệ bụng đầy. Bài Đạt nguyên ẩm trị chứng sốt rét, sốt cao sợ lạnh thấp nhiệt nặng, bứt rứt, đau đầu, ngực tức buồn nôn. Bài Hà nhân ẩm chủ yếu trị chứng sốt rét lâu ngày không dứt, khí huyết hư (hư ngược).

 

HÒA GIẢI THIẾU DƯƠNG

 

    Những bài thuốc hòa giải thiếu dương có tác dụng chữa hội chứng Thiếu dương, thường có những triệu chứng hàn nhiệt vãng lai, ngực sườn đầy tức, bứt rứt, muốn nôn, không thích ăn uống, mồm đắng họng khô, hoa mắt. Chứng thiếu dương thuộc “bán biểu bán lý” cho nên không dùng phép hạ, cũng không dùng phép thổ, mà dùng phép hòa giải tức là hòa lý giải biểu để đạt mục đích như:

        Sách Thương hàn luận nói là: “Làm cho thượng tiêu thông, tân dịch đi xuống vị khí điều hòa thì sẽ ra mồ hôi”.

        Sách Y học tâm ngộ cũng nói: “Thương hàn ở biểu thì phát hãn, ở lý thì hạ, ở bán biểu bán lý thì hòa, đó là nguyên tắc điều trị của Đông y”.

    Những vị thuốc thường dùng để hòa giải có: Sài hồ, Thanh hao, Hoàng cầm, Bán hạ …

    Những bài thuốc thường dùng có: Tiểu Sài hồ thang, Hao cầm thanh đởm thang …

 

TIỂU SÀI HỒ THANG
(Thương hàn luận)

Thành phần:

Sài hồ 12 – 16g

Hoàng cầm 8 – 12g

Bán hạ 8 – 12g

Đảng sâm 8 – 12g

Sinh khương 8 – 12g

Chích Cam thảo 4 – 8g

Đại táo 4 – quả

Cách dùng: sắc nước uống

Tác dụng: Hòa giải thiếu dương, sơ can lý tỳ, điều hòa tỳ vị.

Giải thích bài thuốc:

Sài hồ có tác dụng sơ thông khí cơ, thấu đạt tà khí ở thiếu dương là chủ dược.

Hoàng cầm: tả uất nhiệt ở thiếu dương hợp với Sài hồ chữa được chứng hàn nhiệt vãng lai, ngực sườn đầy tức, bứt rứt khó chịu, chứng bệnh thường là do cơ thể hư hoặc chữa nhầm làm tổn thương chính khí, tà khí nhập vào thiếu dương gây bệnh nên thêm các vị Đảng sâm, Cam thảo, Đại táo để ích khí điều trung, phò chính khu tà.

Bán hạ, Sinh khương, Đại táo cùng dùng có thể điều hòa vinh vệ, hàn nhiệt vãng lai.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc này chủ trị hội chứng bệnh thiếu dương.

1.     Trường hợp dùng trị chứng sốt rét do phong hàn gia thêm Thường sơn (sao rượu), Thảo quả.

2.     Trường hợp bệnh nhiệt ở thiếu dương nhập vào huyết gây sốt thương âm gia thêm Sinh địa, Đơn bì, Tần giao để lương huyết dưỡng âm.

3.     Nếu có triệu chứng ứ huyết, bụng dưới đầy tức đau (thường gặp ở sản phụ sau đẻ) bỏ Sâm, Thảo, Táo gia Diên hồ sách, Đương quy, Đào nhân để hóa ứ.

4.     Trường hợp có hàn gia Nhục quế tâm để trừ hàn, có khí trệ gia thêm Hương phụ chế, Trần bì, Chỉ xác để hành khí.

 HAO CẦM THANH ĐỞM THANG
(Trọng đính thông tục Thương hàn luận)

Thành phần:

Thanh hao 6 – 12g

Đạm trúc nhự 8 – 12g

Xích phục linh 8 – 12g

Chỉ xác 6 – 8g

Trần bì 6 – 8g

Chế Bán hạ 4 – 8g

Hoàng cầm 8 – 12g

Phách ngọc tán * 8 – 16g

(* gồm: Thạch cao, Cam thảo, Thanh đại).

Cách dùng: Phách ngọc tán bao, tất cả các vị sắc uống.

Tác dụng: Thanh đởm, lợi thấp, hòa vị, hóa đờm.

Giải thích bài thuốc:

Chủ trị của bài thuốc là chứng thiếu dương thiên về nhiệt kiêm có đàm thấp, cho nên bài thuốc có tác dụng chính là thanh đởm nhiệt, hóa đờm thấp vì thế trong bài thuốc:

Thanh hao tính đắng hàn có tác dụng thanh nhiệt ở thiếu dương.

Hoàng cầm: đắng hàn tả uất hỏa ở đởm kinh đều là chủ dược.

Trúc nhự: thanh nhiệt trừ phiền, hóa đờm chỉ ẩu.

Quất bì, chế Bán hạ, Chỉ xác cùng dùng với Hoàng cầm có tác dụng hòa vị giáng nghịch, hóa thấp trừ đàm.

Xích Phục linh, Phách ngọc tán: thanh nhiệt lợi thấp.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc chủ trị các chứng hàn nhiệt vãng lai, hàn nhẹ và nhiệt nặng, mồm đắng, ngực tức, nôn ra nước đắng chua hoặc nước vàng dính có khi nôn khan, ngực sườn đầy tức đau, lưỡi đỏ, rêu trắng nhớt, mạch hoạt sác hoặc huyền; thường được trị chứng thử thấp tựa sốt rét.

1.     Trường hợp nôn nhiều gia Tả kim hoàn (Ngô thù du, Hoàng liên) để thanh nhiệt trừ thấp, giáng nghịch, chỉ ẩu.

2.     Trường hợp thấp nặng gia Thảo quả, Bạch đậu khấu để hóa thấp, chân tay nhức mỏi gia Tang chi, Ích trí nhân, Ty qua lạc để thanh nhiệt, lợi thấp thông lạc, chỉ thống.

3.     Nếu thấp nhiệt sinh vàng da, nhiệt nặng thấp nhẹ bỏ Trần bì, Bán hạ gia Nhân trần cao để thanh nhiệt lợi thấp thoái hoàng.

ĐIỀU HÒA CAN TỲ

 

Phép điều hòa can tỳ dùng trong trường hợp hội chứng bệnh lý có triệu chứng chủ yếu là do Can khí uất kết, ảnh hưởng tỳ vị gây nên ngực sườn đau, đầy tức, ợ chua, ợ hơi, mạch huyền.

    Bài thuốc thường dùng có:

        Tứ nghịch tán

        Tiêu dao tán

        Thông tả yếu phương. 

TỨ NGHỊCH TÁN
(Thương hàn luận)

Thành phần:

Sài hồ

Chích thảo

Chỉ thực

Thược dược

(Lượng bằng nhau).

Cách dùng:

Tất cả các vị thuốc tán bột mịn làm thuốc tán mỗi lần uống 12 – 16g với nước sôi để nguội. Có thể làm thuốc thang uống liều lượng có gia giảm.

Tác dụng: Sơ can lý khí, hòa vinh tán uất.

Giải thích bài thuốc:

Bài thuốc chủ trị chứng dương khí nội uất do nhiệt nhập vào lý không thông đạt đến tứ chi gây nên chứng quyết nghịch nên có tên là Tứ nghịch tán.

Sài hồ sơ giải uất kết làm cho dương khí thấu đạt ra ngoài là chủ dược.

Chỉ thực phối hợp với Sài hồ để thăng thanh giáng trọc.

Thược dược ích âm hòa lý phối hợp với Chỉ thực có tác dụng sơ thông khí trệ.

Chích thảo điều hòa trung khí cùng dùng với Thược dược có tác dụng thư cân hòa can.

Do Sài hồ, Chỉ thực có tác dụng sơ thông can tỳ vị khí trệ, Thược dược, Cam thảo sơ can lý tỳ chỉ thống cho nên bài thuốc căn bản chữa chứng can tỳ bất hòa khí trệ.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc trên lâm sàng chữa chứng can uất chân tay quyết nghịch hoặc can tỳ bất hòa gây nên bụng sườn đau hoặc nôn hoặc bụng đầy ợ hơi, mạch huyền có lực.

1.     Nếu có thực tích gia Mạch nha, Kê nội kim để tiêu thực.

2.     Nếu có huyết ứ gia Đơn sâm, Bồ hoàng, Ngũ linh chi để tán ứ chỉ thống.

3.     Nếu có hoàng đản gia Nhân trần cao, Uất kim để thanh nhiệt lợi thấp thoái hoàng, khí trệ nặng gia Hương phụ, Uất kim để hành khí giải uất.

4.     Trường hợp đau bao tử thuộc chứng Can vị bất hòa dùng bài Tứ nghịch tán.

5.     Nếu vùng thượng vị đau đầy, mồm đắng, ợ chua gia Tả kim hoàn để hạ khí giáng nghịch, tả nhiệt khai uất.

Trên lâm sàng thường dùng trị các chứng đau thần kinh liên sườn, đau dạ dày cơ năng thuộc chứng can tỳ, bất hòa có thể gia thêm những vị thuốc Hương phụ, Diên hồ sách, Uất kim để giải uất chỉ thống, trường hợp tả lî mót rặn có thể gia thêm Phỉ bạch để thông tả khí trệ ở đại tràng.

Chú ý lúc sử dụng: Nguyên nhân của chứng chân tay quyết nghịch là khác nhau, bài thuốc này chỉ có thể dùng chữa chứng nhiệt quyết do dương khí nội uất, những trường hợp khác không dùng được.

Trên lâm sàng có tác giả báo cáo dùng bài:

TỨ NGHỊCH TÁN gia vị:

Sài hồ 8g

Chỉ thực 8g

Uất kim 8g

Bạch thược 16g

Qua lâu bì 16g

Phỉ bạch 12g

Cam thảo 4g

Chủ trị: đau thần kinh liên sườn kết quả tốt. 

SÀI HỔ SƠ CAN TÁN
(Cảnh nhạc toàn thư)

Thành phần:

Sài hồ 8g

Bạch thược 12g

Chỉ sác 8g

Chích thảo 4g                

Xuyên khung 8g

Hương phụ 8g

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Sơ can, hành khí, hoạt huyết chỉ thống.

Chủ trị: Các chứng can khí uất kết, ngực sườn đau tức, hàn nhiệt vãng lai. 

TIÊU DAO TÁN
(Hòa tễ cục phương)

Thành phần:

Sài hồ 40g

Đương qui 40g

Bạch thược 40g

Bạch truật 40g

Bạch linh 40g

Chích thảo 20g

Cách dùng: Tất cả tán bột, trộn đều mỗi lần uống với nước Gừng lùi 12g sắc với Bạc hà. Có thể dùng thuốc thang.

Tác dụng: Sơ can giải uất, kiện tỳ, dưỡng huyết.

Giải thích bài thuốc: Bài thuốc do bài Tứ nghịch thang gia giảm.

Chủ trị: chứng can uất huyết hư.

Sài hồ: sơ can giải uất là chủ dược.

Đương quy, Bạch thược: bổ huyết dưỡng can, hòa vinh.

Bạch linh, Bạch truật, Cam thảo kiện tỳ bổ trung.

Gừng lùi hòa chung dùng với Quy Thược để điều hòa khí huyết.

Bạc hà giúp Sài hồ sơ can giải uất.

Các vị thuốc hợp lại dùng thành một bài có tác dụng sơ can lý tỳ, hòa vinh dưỡng huyết.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc chủ trị chứng Can uất huyết hư sinh ra mạn sườn đầy tức, đau đầu hoa mắt, mồm táo họng khô, mệt mỏi, chán ăn hoặc hàn nhiệt vãng lai, kinh nguyệt không đều, hai vú căng tức, lưỡi hồng nhạt, mạch hư huyền.

Trường hợp Can uất huyết hư phát sốt, hoặc sốt về chiều, tự ra mồ hôi hoặc ra mồ hôi trộm, đầu đau mắt mờ, hồi hộp, bứt rứt, má đỏ, mồm khô, hoặc kinh nguyệt không đều, bụng đau, bụng dưới nặng, tiểu tiện khó và đau, dùng bài thuốc cần thêm Đơn bì,

Chi tử để sơ can thanh nhiệt gọi là bài Đơn chi tiêu dao tán (Nội khoa trích yếu).

2.     Trường hợp Can uất huyết hư, bụng đau trước kinh, mạch huyền hư, bài thuốc gia thêm Sinh địa hoặc Thục địa để tăng cường dưỡng huyết hòa vinh, gọi là bài Hắc tiêu dao tán (Y lược lục thư phụ khoa chỉ yếu).

3.     Trường hợp khí trệ sưòn đau nặng bỏ Bạch truật gia Hương phụ để hành khí, chỉ thống.

4.     Trường hợp viêm gan mạn, vùng đau gan đau nhiều, người mệt mỏi, ăn ít thuộc chứng Can uất tỳ hư dùng bài thuốc này bỏ Bạc hà, Gừng lùi gia Hải phiêu tiêu, Đảng sâm để hòa Can bổ Tỳ. 

THÔNG TẢ YẾU PHƯƠNG
(Cảnh Nhạc toàn thư)

Thành phần:

Bạch truật (thổ sao) 120g

Phòng phong (sao) 80g

Bạch thược (sao) 80g

Trần bì (sao) 60g

Cách dùng: Theo liều lượng trên bài thuốc chế thành thuốc tán hoặc thuốc hoàn. Mỗi lần dùng 6 – 12g, ngày uống 2 – 3 lần có thể làm thuốc thang sắc uống, các vị thuốc theo tỷ lệ trên gia giảm lượng.

Tác dụng: Tả can bổ tỳ.

Giải thích bài thuốc:

Bài thuốc trên còn có tên là Bạch truật Thược dược tán.

Chủ trị chứng đau bụng tiêu chảy do can vượng tỳ hư.

Bạch truật: kiện tỳ bổ trung là chủ dược.

Bạch thược: sơ can trấn thống.

Trần bì: lý khí hòa trung.

Phòng phong: sơ can lý tỳ.

Ứng dụng lâm sàng:

Trên lâm sàng bài thuốc dùng trị chứng Can vượng tỳ hư gây nên đau bụng, sôi bụng, tiết tả, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền hoãn.

Trong bài thuốc có Phòng phong tác dụng sơ phong giải biểu cho nên bài thuốc thường được dùng đối với chứng tiết tả do Can vượng tỳ hư có thêm ngoại cảm.

 

ĐIỀU HÒA TRƯỜNG VỊ

 

Bài thuốc Điều hòa trường vị là những bài thuốc trị bệnh tại trường vị do rối loạn chức năng gây nên bụng đầy đau, hàn nhiệt lẫn lộn, nôn, buồn nôn, sôi bụng, tiết tả. Thường dùng các loại thuốc vừa hàn vừa nhiệt và cay đắng để điều chỉnh cơ năng trường vị.

Thường dùng có Can khương, Hoàng cầm, Hoàng liên, Bán hạ, Đảng sâm, Cam thảo.

Bài thuốc thường dùng là Bán hạ tả tâm thang. 

BÁN HẠ TẢ TÂM THANG
(Thương hàn luận)

          Thành phần:

Bán hạ 8 – 16g

Can khương 8 – 12g

Hoàng cầm 8 – 12g

Đảng sâm 8 – 12g

Hoàng liên 4 – 8g

Chích thảo 4 – 8g

Đại táo 4 quả

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Hòa vị, giáng nghịch, khai kết, trừ bi.

Giải thích bài thuốc:

Bán hạ để điều hòa tiêu tích, giáng nghịch, chỉ ẩu là chủ dược.

Can khương hợp với Bán hạ tân khai tán kết.

Hoàng liên, Hoàng cầm: khổ giáng tiết tả.

Đảng sâm: bổ khí.

Đại táo, Cam thảo: kiện tỳ, điều hòa các vị thuốc.

Tóm lại trong bài thuốc có các vị thuốc hàn nhiệt cùng dùng để điều hòa âm dương, cay đắng cùng dùng để điều hòa thăng giáng, bổ tả điều chỉnh hư thực, làm cho vị khí điều hòa chức năng hồi phục, thì các chứng đầy, nôn, tả sẽ khỏi.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc chủ trị hội chứng vị khí bất hòa gây nên vùng thượng vị đầy tức, nôn khan, sôi bụng, tiêu chảy, rêu lưỡi vàng mỏng, nhớt, mạch huyền tế sác.

1.     Trường hợp Thấp nhiệt tích ở trung tiêu nôn và đầy tức bụng bỏ Đảng sâm, Can khương, Đại táo, Cam thảo gia Chỉ thực, Sinh khương để giáng nghịch, chỉ ẩu, tiêu mãn.

2.     Trên lâm sàng bài thuốc dùng để chữa chứng viêm ruột cấp, sốt, nôn, bụng sôi, tiêu chảy, người mệt mỏi, bụng đầy, rêu lưỡi vàng, mạch huyền tế, sác. Nếu cơ thể khỏe mạnh bỏ Đảng sâm, Can khương. Nếu bụng đau nôn nhiều hợp Tả kim hoàn để thanh nhiệt hòa vị cầm nôn, giảm đau. Nếu có tích thực bỏ Đảng sâm, Chích thảo gia Chỉ thực, Đại hoàng.

Phụ phương:

SINH KHƯƠNG TẢ TÂM THANG

(Thương hàn luận)

Từ bài Bán hạ tả tâm thang bỏ Can khương gia Sinh khương 12 – 16g có tác dụng hòa vị tiêu thực, cầm tiêu chảy.

CAM THẢO TẢ TÂM THANG

(Thương hàn luận)

Thành phần: Là bài Bán hạ tả tâm thang trọng dụng Cam thảo.

Chủ trị chứng Vị khí hư nhược, khí kết sinh đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, bụng sôi tiêu chảy, bứt rứt, nôn khan.

Ba bài thuốc tả tâm Bán hạ tả tâm thang, Sinh khương tả tâm thang, Cam thảo tả tâm thang đều trị chứng ăn không tiêu, đầy bụng có khác nhau là bài:

Bán hạ tả tâm thang trị hàn nhiệt, giao kết sinh đầy bụng.

Sinh khương tả tâm thang trị chứng thấp nhiệt uất kết sinh đầy bụng do đó trọng dụng Sinh khương để tán thực khí.

Cam thảo tả tâm thang trị chứng vị hư sinh đầy bụng cho trọng dụng Cam thảo để bổ trung khí. 

HOÀNG LIÊN THANG
(Thương hàn luận)

Thành phần:

Hoàng liên 4 – 6g

Bán hạ chế 6 – 12g

Chích Cam thảo 2 – 4g

Can khương 2 – 4g

Quế chi 2 – 4g

Đảng sâm 6 – 10g

Đại táo 4 quả

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Điều hòa hàn nhiệt, hòa vị giáng nghịch.

Cũng như bài Bán hạ tả tâm thang đều dùng các vị thuốc vừa hàn vừa nhiệt để điều hòa trường vị, nhưng bài này có Quế chi thiên về ôn tán dùng trị chứng thượng nhiệt, hạ hàn, bụng đau nôn mửa.

Bài Bán hạ tả tâm thang có vị Hoàng cầm thiên về thanh nhiệt.

Chủ trị chứng vị khí bất hòa gây nên bụng đầy, nôn mửa, tiêu chảy.

  

TRỊ SỐT RÉT

(NGƯỢC TẬT)

 

    Sốt rét thuộc phạm vi chứng Thiếu dương vì có những triệu chứng lâm sàng giống chứng Thiếu dương trong Đông y nhưng phương pháp hòa giải chỉ là một trong các phương pháp trị sốt rét, cho nên bài thuốc trị sốt rét có rất nhiều.

Ở đây chỉ giới thiệu một số bài thuộc phạm vi phép hòa giải.

Những bài thuốc thường dùng có:

Thất bảo tán.

Đạt nguyên ẩm.

Thanh tỳ ẩm.

Hà nhân ẩm. 

THẤT BẢO TÁN
(Dương thị gia tàn thương)

Thành phần:

Thường sơn 4 – 8g

Hậu phác 2 – 4g

Thanh bì 2 – 4g

Trần bì 2 – 4g

Chích thảo 2 – 4g

Binh lang 2 – 4g

Thảo quả nhân 2 – 4g

Cách dùng: sắc nước gia ít rượu, uống trước khi lên cơn 2 giờ.

Tác dụng: Táo thấp, trừ đờm.

Giải thích bài thuốc:

Theo Đông y học, bệnh sốt rét có liên quan đến đờm thấp, sách xưa

hay nói: “Vô đờm bất thành ngược” trong bài thuốc:

Thường sơn đặc hiệu trị sốt rét, tác dụng trừ đờm triệt ngược là chủ dược.

Thảo quả nhân, Binh lang: hành khí, táo thấp, trừ đờm.

Hậu phác, Thanh bì, Trần bì: hành khí, lý tỳ, táo thấp, trừ đàm.

Chích thảo: hòa trung, điều hòa các vị thuốc.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc chủ trị chứng sốt rét, cơ thể người bệnh khỏe, đàm thấp thịnh, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch huyền, hoạt, phù, đại.

Bài thuốc được dùng trị chứng sốt rét thiên về hàn thấp, nếu hàn nặng gia thêm Quế chi để tán hàn, nếu nôn gia Bán hạ chế Sinh khương để táo thấp, trừ đờm chỉ ẩu.

Bài thuốc gồm nhiều vị cay táo, hành khí nên trường hợp trung khí hư nhược hoặc bên trong cơ thể hóa uất, không nên dùng.

Bài thuốc còn có tên TRIỆT NGƯỢC THẤT BẢO ẨM.

ĐẠT NGUYÊN ẨM
(Ôn dịch luận)

Thành phần:

Binh lang 6 – 8g

Thảo quả 2 – 4g

Thược dược 4 – 8g

Hậu phác 4 – 6g

Tri mẫu 4 – 8g

Hoàng cầm 4 – 8g

Cam thảo 2 – 4g

Cách dùng: sắc nước uống.

Tác dụng: Khai đạo mô nguyên, thanh uế hóa trọc.

Giải thích bài thuốc:

Là một bài thuốc chủ yếu trị bệnh Ôn giai đoạn đầu, bệnh “Ngược tật” tà phục ở mô nguyên (tức là phần bán biểu bán lý của cơ thể).

Hậu phác: trừ thấp tán mãn, hóa đàm giáng khí.

Thảo quả: cay thơm, hóa trọc táo thấp, chỉ ẩu tuyên thấu phục tà.

Binh lang: hành khí phá kết

Ba loại thuốc khí vị rất cay đi vào mô nguyên để trục tà khí ra ngoài đều là chủ dược.

Tri mẫu, Hoàng cầm: thanh lý nhiệt.

Thược dược: dưỡng âm, hòa lý phối hợp với Tri mẫu có tác dụng tư âm.

Cam thảo: điều hòa các vị thuốc.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc chủ trị chứng ôn dịch, ngược tật phục tà ở mô nguyên.

Triệu chứng thường thấy là: sốt cao, rét run, lên cơn ngày 1 lần hoặc 3 lần, không cố định thời gian, ngực sườn đầy tức, đau đầu, bứt rứt, mạch huyền sác, bờ lưỡi đỏ thẫm, rêu trắng dày như bôi phấn.

Bài thuốc gia giảm; nếu:

1.     Nếu sườn đau, ù tai, vừa nóng vừa lạnh, nôn mồm đắng, tức nhiệt tà thịnh ở kinh Thiếu dương, gia thêm Sài hồ, nếu lưng gáy đau tà thịnh ở kinh Thái dương gia thêm Khương hoạt. Nếu hố mắt đau, mũi khô, khó ngủ, tức tà thịnh ở kinh Dương minh gia Cát căn.

2.     Trường hợp đàm thấp gây nên ngực bụng đầy tức, bần thần khó chịu, váng đầu, cơn sốt rét cách nhật, rêu lưỡi dày, bỏ Tri mẫu, Thược dược gia Sài hồ, Chỉ xác, Thanh bì, Cát cánh, Cành lá sen để hành khí hóa thấp, trừ đờm gọi là bài SÀI HỔ ĐẠT NGUYÊN ẨM (Thông tục thương hàn luận).

3.     Trường hợp cảm cúm, lạnh nhiều nóng ít, ngực bụng đầy tức, mình mẩy nặng nề, rêu lưỡi dày nhớt tức là chứng thấp nặng hơn nhiệt bỏ Bạch thược, Tri mẫu gia Bội lan, Nhân trần cao để hóa thấp, nếu lạnh ít nóng nhiều kéo dài, sốt nặng về chiều bỏ Binh lang gia Bạch vi hoặc Chi tử để thoái nhiệt. 

THANH TỲ ẨM
(Tế sinh phương)

Thành phần:

Thanh bì

Hậu phác

Gừng chế sao

Bạch truật

Thảo quả nhân

Sài hồ

Phục linh

Hoàng cầm

Bán hạ chế

Chích thảo

(Lượng bằng nhau).

Cách dùng: Tất cả tán bột, mỗi lần uống 8 – 16g với nước Gừng sắc.

Có thể dùng thuốc thang liều lượng có gia giảm, uống trước lúc lên cơn sốt rét 2 giờ.

Tác dụng: Hòa can, kiện tỳ, hóa đờm thấp.

Chủ trị: Sốt rét do đàm thấp ứ trệ, triệu chứng sốt nhiều hơn rét, ngực bụng đầy tức, mồm đắng, lưỡi khô, chán ăn, bứt rứt, khát nước, tiểu vàng đậm, mạch huyền sác. 

HÀ NHÂN ẨM
(Cảnh Nhạc toàn thư)

Thành phần:

Hà thủ ô 12 – 20g

Đương quy 8 – 12g

Nhân sâm 4 – 8g

Trần bì 4 – 8g

Cách dùng: sắc nước uống, thêm 3 lát Gừng hoặc thêm rượu.

Tác dụng: Bổ khí huyết, trị hư ngược.

Giải thích bài thuốc:

Hà thủ ô: bổ can thận, ích tinh dưỡng, dưỡng âm không gây nê trệ, hòa dương không gây khô táo.

Nhân sâm ích khí.

Hai vị thuốc có tác dụng song bổ khí huyết đều là chủ dược.

Đương quy: dưỡng huyết hòa vinh.

Trần bì, Sinh khương: lý khí hòa trung.

Bài thuốc có tác dụng trị chứng hư ngược, khí huyết hư.

Ứng dụng lâm sàng:

Lúc dùng bài thuốc trị bệnh sốt rét lâu ngày khí huyết hư nhược, nếu tỳ khí hư nhược, nếu tỳ khí gia Bạch truật, Chích thảo bổ tỳ khí, nếu lách to gia Miết giáp để nhuyễn kiên.

Ngoài ra tùy tình hình bệnh lý có thể gia thêm Hoàng kỳ bổ khí, Ô mai liễm âm.