Logo

Một số vitamin và dưỡng chất tốt cho mắt

Lượt xem: 106 Ngày đăng: 28/06/2021

Sự thiếu hụt một số vitamin và dưỡng chất có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD)…

4 vitamin cần thiết cho mắt

Vitamin A và beta carotene: Vitamin A có vai trò quan trọng tham gia nhiều chức năng trong cơ thể. Đối với mắt, vitamin A tham gia chức năng thị giác của mắt, đó là khả năng nhìn thấy trong điều kiện ánh sáng yếu. Sở dĩ như vậy là do cấu tạo võng mạc mắt gồm 2 loại tế bào: Tế bào hình nón và tế bào hình que. Tế bào hình nón với sắc tố cảm thụ ánh sáng và Iodopsin giúp mắt nhìn và phân biệt màu sắc trong điều kiện ánh sáng rõ, còn tế bào hình que với sắc tố Rhodopsin giúp cho mắt nhìn thấy ánh sáng yếu. Rhodopsin được tạo nên từ hợp chất protein và carotenoit (dẫn chất của vitamin A).

Vì vậy, khi thiếu vitamin A, khả năng nhìn của mắt lúc ánh sáng yếu sẽ bị giảm, hiện tượng này thường xuất hiện vào lúc trời nhá nhem tối nên được gọi là “quáng gà” và tình trạng quáng gà là biểu hiện lâm sàng sớm của thiếu vitamin A.

Vitamin A còn cần thiết cho sự bảo vệ toàn vẹn của biểu mô giác mạc, hỗ trợ chức năng của giác mạc (lớp ngoài bảo vệ của mắt).Nếu bị thiếu vitamin A, mắt sẽ giảm độ ẩm (bôi trơn mắt) dẫn đến khô mắt.

Beta carotene là nguồn vitamin A chính trong chế độ ăn uống của con người. Beta carotene là một loại sắc tố thực vật được gọi là caroten tồn tại trong nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc. Khi tiêu thụ chúng, cơ thể sẽ chuyển đổi các sắc tố thành vitamin A.

Vitamin E (alpha tocopherol)

Vitamin E (alpha tocopherol) là một chất chống oxy hóa, giúp chống lại các gốc tự do gây tổn thương các mô trong cơ thể. Các gốc tự do này có thể làm hỏng các protein trong mắt gây ra một số bệnh như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng…

Là một chất chống oxy hóa, vitamin E giúp bảo vệ mắt khỏi tác nhân gây hại bên ngoài, thúc đẩy tuần hoàn máu và hỗ trợ cải thiện tình trạng giảm thị lực.

Vitamin C

Vitamin C có nhiệm vụ bảo vệ mắt khỏi tác hại của các tia cực tím, giúp các tế bào chống lại quá trình oxy hóa, có thể kiểm soát tình trạng viêm trong mắt. Vitamin C được chứng minh có thể ngăn ngừa và trì hoãn sự phát triển của bệnh đục thủy tinh thể, hạn chế xuất huyết kết mạc và chảy máu trong nhãn cầu. Vitamin C cũng rất cần thiết trong quá trình sản xuất collagen – một hợp chất cần thiết để điều trị tổn thương trong các mô của mắt.

Cũng như vitamin E, vitamin C là một chất chống ôxy hóa, giúp chống lại các gốc tự do – nguyên nhân gây ra các tình trạng về mắt như đục thủy tinh thể liên quan đến tuổi phổ biến nhất, đó là đục thủy tinh thể hạt nhân (đục thủy tinh thể có ảnh hưởng đến trung tâm của ống kính) và đục vỏ (đục thủy tinh thể có ảnh hưởng đến các cạnh của ống kính)…

Vitamin B

Vitamin B hỗ trợ gia tăng sự trao đổi chất của tế bào mắt, giảm sung huyết thần kinh thị giác, duy trì thị lực khỏe mạnh. Thiếu vitamin B gây ra triệu chứng mờ mắt, mỏi mắt, chảy nước mắt và co giật cơ mắt.

Một số chất dinh dưỡng có lợi cho mắt

Lutein và zeaxanthin: Là các carotenoit tồn tại với số lượng lớn trong các loại rau lá xanh. Chúng cũng có mặt trong võng mạc của mắt. Là chất chống ôxy hóa, lutein và zeaxanthin có thể giúp giảm tổn thương ôxy hóa ở võng mạc. Lutein kết hợp với zeaxanthin sẽ phát huy khả năng lọc ánh sáng xanh, giúp bảo vệ các điểm vàng của mắt, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng và quá trình ôxy hóa.

Kẽm: Là một khoáng chất giúp duy trì sức khỏe của võng mạc, màng tế bào và cấu trúc protein của mắt. Kẽm cho phép vitamin A đi từ gan đến võng mạc để sản xuất melanin. Melanin là một sắc tố bảo vệ mắt khỏi tia cực tím (UV).

Theo Hiệp hội Optometric Hoa Kỳ, bổ sung kẽm có thể giúp những người bị AMD hoặc có nguy cơ mắc bệnh này. Bổ sung kẽm cùng với các chất chống ôxy hóa có thể làm chậm tiến trình AMD tiến triển và làm giảm mất thị lực…

Axit béo omega-3: Võng mạc mắt có chứa một hàm lượng đặc biệt cao của axit béo omega-3. Những axit béo này giúp bảo vệ võng mạc khỏi bị hư hại và thoái hóa. Chúng làm giảm sự tích tụ chất béo trong các mạch máu. Sự tích tụ các chất có hại này làm tăng nguy cơ mắc AMD. Ngoài ra, omega-3 có thể làm giảm nguy cơ mắc hội chứng khô mắt (tình trạng mắt không tiết ra đủ nước mắt để giữ cho mắt được bôi trơn).

Những lưu ý cần thiết

Các vitamin và dưỡng chất trên rất cần thiết cho mắt, khi thiếu chúng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị lực, giảm khả năng bảo vệ mắt và làm giảm chức năng của mắt. Đặc biệt ở người cao tuổi, việc thiếu hụt vitamin có thể khiến họ mắc một số vấn đề về mắt như viễn thị, mờ mắt, đục thủy tinh thể… Bổ sung đầy đủ các loại dưỡng chất này là cần thiết giúp cho mắt tránh được các tổn thương, tăng cường thị lực, tăng cường sự thích nghi của mắt với sự thay đổi cường độ ánh sáng nhưng cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ vì nếu bổ sung thừa sẽ gây hại. Ví dụ, liều lượng cao của kẽm có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ đồng; liều lượng rất cao beta carotene có thể làm tăng nguy cơ của ung thư phổi ở những người hút thuốc; bổ sung quá nhiều vitamin C sẽ gây sỏi thận…

Một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh sẽ cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Chế độ ăn uống nên bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và nhiều trái cây cùng rau quả nhiều màu sắc…

Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống