Kháng sinh không phải là loại thuốc có thể sử dụng tùy tiện được, cần phải dùng đúng bệnh, đúng liều lượng, đúng thời gian và có sự hướng dẫn của bác sĩ/dược sĩ. Kháng sinh chỉ điều trị nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn mà không phải là virus.
- Vậy kháng sinh là gì?
Kháng sinh là thuốc tiêu diệt hoặc kiềm hãm sự phát triển của vi khuẩn, từ đó giảm đáp ứng viêm gây ra bởi vi khuẩn. Kháng sinh có tác dụng khác nhau trên từng loại vi khuẩn, một số kháng sinh có tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn được gọi là kháng sinh phổ rộng, một số loại khác tác dụng trên một số chủng vi khuẩn nhất định được gọi là phổ hẹp.
- Kháng sinh có tác dụng gì và không có tác dụng gì?
Đa số các vi khuẩn sống tự nhiên trong cơ thể người đều không gây hại, Một số có thể có lợi do chúng tham gia vào các quá trình chuyển hóa và bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn gây bệnh.
Kháng sinh dùng để điều trị các bệnh lý gây ra bởi vi khuẩn, ví dụ như: viêm xoang, nhiễm khuẩn răng, nhiễm khuẩn da mô mềm, viêm màng não, nhiễm khuẩn đường niệu, nhiễm khuẩn hô hấp trên, nhiễm khuẩn hô hấp dưới v.v
Các bệnh lý cảm, cảm cúm, ho, đau họng, viêm phế quản thường gây ra bởi virus, và trong trường hợp này, việc dùng thuốc kháng sinh sẽ không có hiệu quả. Bác sĩ sẽ đánh giá và kê đơn cho bạn thuốc giảm triệu chứng viêm hoặc thuốc kháng virus nếu cần.
Một số trường hợp chưa xác định được nguyên nhân nhiễm là do vi khuẩn hay virus, bác sĩ sẽ cho thêm các xét nghiệm vi sinh trước khi kê đơn thuốc điều trị.
- Tác dụng phụ của kháng sinh:
Kháng sinh thường có tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa vì thuốc diệt cả vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Tác dụng phụ hay gặp là nôn ói, tiêu chảy, khó tiêu, đau bụng, v.v. Ngoài ra, một số kháng sinh có tác dụng phụ trên các hệ cơ quan khác như thần kinh, tim mạch, hệ tạo máu, hệ tiết niệu, đặc biệt trong trường hợp dùng thuốc quá liều cho phép.
- Đề kháng kháng sinh:
Kháng sinh là một công cụ điều trị vi khuẩn hữu hiệu khi được dùng một cách thận trọng và an toàn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy 50% việc dùng kháng sinh là không cần thiết. Việc sử dụng không phù hợp dẫn đến đề kháng kháng sinh, do vi khuẩn được “huấn luyện” và tự phát sinh các khả năng chống lại thuốc. Khi đó, kháng sinh sẽ không còn hiệu quả diệt khuẩn, người bệnh cần được chữa trị bằng loại kháng sinh phổ rông hơn, mạnh hơn. Ngoài ra, khi vi khuẩn trở nên “đa kháng” hoặc “siêu kháng thuốc”, sẽ không có kháng sinh nào có tác dụng và người bệnh có nguy cơ tử vong vì không còn loại thuốc điều trị phù hợp.
- Làm thế nào để điều trị kháng sinh một cách hiệu quả nhất?
2.1 Cần chắc chắn rằng kháng sinh có hiệu quả khi bạn thật sự cần đến loại thuốc này:
- Luôn hỏi ý kiến bác sĩ rằng lựa chọn kháng sinh trường trường hợp này đã tối ưu hay chưa?
- Không phải các kháng sinh đều có tác dụng như nhau, thế nên không dùng kháng sinh được kê cho người khác với chỉ định khác.
- Cần bảo vệ bản thân khỏi vi sinh vật gây hại bằng cách rửa tay thường xuyên với xà phòng bằng nước sạch.
- Cần tiêm phòng vaccine cúm và các vaccine khác theo hướng dẫn của bác sĩ cho từng độ tuổi và bệnh lý mắc kèm.
2.2 Các câu hỏi bạn có thể hỏi bác sĩ/dược sĩ để có thêm thông tin:
- Vì sao tôi cần dùng loại kháng sinh này?
- Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc kháng sinh này? Tôi có thể phòng tránh các tác dụng phụ này như thế nào?
- Cách dùng kháng sinh như thế nào? Tôi có thể dùng bao nhiêu lần trong ngày?
- Tổng thời gian dùng kháng sinh là bao lâu? Tôi cần làm gì trong trường hợp quên dùng thuốc?
- Tôi có thể dùng kèm kháng sinh với thức ăn, các loại thuốc khác hay thức uống có cồn được không?
- Kháng sinh này cần bảo quản trong điều kiện như thế nào?
2.3 Khi bạn được kê đơn kháng sinh:
- Luôn luôn trao đổi với bác sĩ, dược sĩ về những thuốc bạn đang dùng, tiền sử dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn của mình.
- Cung cấp thông tin đầy đủ liên quan các bệnh lý đi kèm, tình trạng có thai hoặc đang có nhu cầu có thai để được kê đơn loại kháng sinh phù hợp.
- Cần dùng chính xác liều lượng và tần suất dùng thuốc theo đơn của bác sĩ
- Cần dùng đủ thời gian kháng sinh mà bạn được kê đơn, ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe hơn sau vài ngày điều trị
- Không bao giờ dùng kháng sinh được kê đơn cho người khác. Không dùng lại kháng sinh bạn đã dùng cho điều trị nhiễm khuẩn đợt trước.
Nguồn: Trang thông tin điện tử Bệnh viện Vinmec (theo FDA, Web MD và sfhp)