Logo

Hướng dẫn mới điều trị bệnh đường ruột do vi khuẩn C. difficile ở người lớn

Lượt xem: 61 Ngày đăng: 13/07/2021

Theo bản cập nhật hướng dẫn thực hành lâm sàng do Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ và Hiệp hội Dịch tễ Chăm sóc Sức khỏe Hoa Kỳ (SHEA), xuất bản trực tuyến mới đây trên Tạp chí Bệnh Truyền nhiễm Lâm sàng cho thấy, nên sử dụng fidaxomicin và bezlotoxumab trong các trường hợp cụ thể để kiểm soát nhiễm trùng Clostridioides difficile (C-Difficile hay CDI).

 Vi khuẩn Clostridioides difficile gây bệnh đường ruột

Nhiễm CDI là tình trạng nhiễm khuẩn gây ra các bệnh liên quan đến đường ruột, với mức độ nghiêm trọng từ tiêu chảy nhẹ đến viêm ruột. Một trong các bệnh đường ruột phổ biến nhất xảy ra sau khi sử dụng kháng sinh chính là nhiễm trùng đường ruột.

BS Stuart Johnson, Trung tâm Y tế Đại học Loyola ở Maywood, Illinois và các đồng nghiệp đã trình bày các khuyến nghị cập nhật về quản lý CDI ở người lớn, đặc biệt việc sử dụng fidaxomicin và bezlotoxumab để điều trị CDI.

Theo đó, các tác giả đề xuất sử dụng fidaxomicin cho đợt CDI ban đầu, thay vì một liệu trình tiêu chuẩn dùng vancomycin, trong khi vancomycin vẫn là một lựa chọn thay thế có thể chấp nhận được.

Fidaxomicin (phác đồ tiêu chuẩn hoặc bổ sung) được đề nghị thay điều trị tiêu chuẩn của vancomycin ở những bệnh nhân bị CDI tái phát; trong khi vancomycin vẫn là một lựa chọn thay thế có thể chấp nhận được trong trường hợp tái phát lần đầu.

Bezlotoxumab được đề xuất như một biện pháp đồng can thiệp với kháng sinh tiêu chuẩn hơn là dùng kháng sinh chăm sóc tiêu chuẩn đơn thuần cho những bệnh nhân có đợt CDI tái phát trong vòng sáu tháng qua.

Các tác giả viết: Chúng ta cần các thử nghiệm so sánh đối đầu về các chiến lược chống tái phát CDI khác nhau sử dụng kháng sinh phổ hẹp nhắm vào C. difficile, phục hồi hệ vi sinh vật bằng cách sử dụng liệu pháp sinh học hoặc cấy ghép hệ vi sinh vật trong phân, hoặc tăng cường phản ứng miễn dịch của người bệnh sử dụng các chất như bezlotoxumab đơn lẻ hoặc kết hợp với các chất khác (ví dụ, kết hợp với fidaxomicin).

Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống (Theo Drugs 7/2021)