Cùng với làn sóng dịch COVID-19 mới đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới, các di chứng hậu giai đoạn mắc COVID-19 đang là mối đau đầu tại nhiều quốc gia.
Hội chứng “COVID kéo dài” là gì?
“COVID kéo dài” (Long COVID), còn được gọi là hội chứng sau mắc COVID-19 hoặc di chứng sau giai đoạn mắc COVID-19 cấp tính, chỉ tình trạng các triệu chứng của bệnh vẫn tồn tại trong hơn 4 tuần kể từ khi được phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2, thậm chí có thể kéo dài tới 12 tuần trở lên.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới khoảng 20% số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài, trong số đó 10% không thấy khỏe lại sau 12 tuần và thậm chí có một số bệnh nhân gặp phải tình trạng suy nhược.
Hiện có tới khoảng 200 triệu chứng của “COVID kéo dài” được ghi nhận. Các triệu chứng phổ biến nhất là đau, khó thở, cholesterol cao, cảm giác khó chịu và mệt mỏi cùng huyết áp cao. Các nghiên cứu cho thấy các triệu chứng này thường xảy ra ở nữ giới nhiều hơn ở nam giới. Một số triệu chứng khác của “COVID kéo dài” liên quan đến sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm, rối loạn thích ứng và rối loạn các cơ.
Tạp chí Science cũng trích dẫn nhiều nghiên cứu cho thấy COVID-19 có thể là khởi đầu dẫn đến những tác động sức khỏe lâu dài và nghiêm trọng hơn như suy giảm chức năng não bộ, gia tăng hình thành cục máu đông có thể dẫn tới đột quỵ, hình thành các ổ viêm cơ tim…
Hội chứng “COVID kéo dài” có thể tác động đến thần kinh như suy giảm chức năng não bộ, đột quỵ… (Ảnh: AFP)
Cho tới nay, nguyên nhân gây ra hội chứng “COVID kéo dài” vẫn chưa được xác định hoàn toàn rõ ràng. Theo một số nghiên cứu, virus SARS-CoV-2 có thể gây viêm trong mạch máu hoặc tế bào, từ đó sản sinh chất độc với não hoặc mạng lưới mạch máu. Một giả thuyết khác là tình trạng tự miễn, trong đó virus “đánh lạc hướng” hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể sản sinh kháng thể chống lại các mô của chính mình và tình trạng này có thể tồn tại suốt nhiều tháng.
Các chuyên gia đều khuyến cáo “COVID kéo dài” ảnh hưởng tới khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người mắc COVID-19, có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, gia đình và xã hội.
Ngăn ngừa hội chứng “COVID kéo dài” – Bài toán nhiều thử thách
Mắc COVID-19 trong đợt dịch đầu tại Anh hồi tháng 3 năm ngoái, chị Athena Akrami – giảng viên tại trường University College London – cũng là một trong những người đầu tiên được ghi nhận mắc hội chứng “COVID kéo dài” tại Anh. Chị Akrami cho biết: “Tôi thường đến phòng tập thể dục ba lần một tuần. Nhưng bây giờ, hoạt động thể chất của tôi là từ giường ngủ ra sofa, rồi từ sofa đi vào bếp”. Theo tạp chí Science, chị Akrami cũng gặp nhiều khó khăn để có thể suy nghĩ rõ ràng cũng như chống lại chứng đau khớp và cơ.
Theo một nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London (Anh) với sự tham gia của hơn 500 nghìn người trưởng thành mắc COVID-19, có tới 33% số người được hỏi cho biết gặp các triệu chứng kéo dài ít nhất 12 tuần bao gồm mệt mỏi, đau cơ, khó thở và tức ngực. Trong đó, 10% có các triệu chứng nặng.
Có thể có tới 2 triệu người tại vùng England (Vương quốc Anh) mắc hội chứng “COVID kéo dài” (Ảnh: CNN)
Nghiên cứu này ước tính có thể có tới 2 triệu người ở xứ England, vùng đông dân nhất và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch ở Vương quốc Anh, đã gặp hội chứng “COVID kéo dài”.
Còn tại Mỹ, Viện Y tế quốc gia cũng đưa ra con số 10 – 30% người mắc COVID-19 tại nước này có thể phải vật lộn với các triệu chứng lâu hơn so với bình thường, theo The Washington Post.
Trong đó, vấn đề phát hiện và điều trị sớm “COVID kéo dài” đang là bài toán khó nhất, đặc biệt là ở trẻ em. Một lý do là nhiều trẻ em mắc COVID-19 dạng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nên càng khó chẩn đoán hội chứng “COVID kéo dài”. Ngoài ra, hầu hết các em cũng không được xét nghiệm COVID-19, nên việc xác định hội chứng “COVID kéo dài” trong thực tế lại càng khó.
Chữa trị hội chứng “COVID kéo dài” cũng chưa có lời giải
Giáo sư Caroline Relton, Đại học Bristol (Anh), nhận định: “Tôi cho rằng điều trị các triệu chứng của “COVID kéo dài” giống như cách điều trị các triệu chứng ấy lúc thông thường, khi không liên quan tới COVID-19″.
Nhiều bệnh nhân mắc “COVID kéo dài” được cho là đã khá lên sau khi tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh: AFP)
Theo BBC, gần 50% bệnh nhân gặp hội chứng “COVID kéo dài” cho biết các triệu chứng của họ giảm đi sau khi tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên, tác dụng của vaccine với các triệu chứng kéo dài vẫn đang được nghiên cứu thêm.
Nhìn chung, cuộc chiến ứng phó với “COVID kéo dài” cũng khó khăn không kém việc ngăn ngừa các biến chủng mới của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, một thông tin tích cực là các chính phủ đang quan tâm nhiều hơn tới nguy cơ từ hội chứng này.
Theo Reuters, Chính phủ Anh đang lên kế hoạch chi 27,54 triệu USD để hỗ trợ 15 nghiên cứu mới về điều trị và chẩn đoán COVID-19 kéo dài. Giới chức Mỹ cũng đã công bố sáng kiến nghiên cứu COVID-19 kéo dài vào đầu năm nay, với nguồn tài trợ lên tới 1,15 tỉ USD.
Nguồn: VTV NEWS