Hành hoa là gia vị không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Củ hành muối là món ăn đặc sản trong những ngày Tết. Tuy nhiên ít người biết, hành hoa còn cung cấp nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe và là vị thuốc dân gian trị nhiều bệnh.
Bộ phận dùng làm thuốc là thân hành – Herba Allii fisculosii hay Bulbus Allii fisculosii. Thân hành có tinh dầu, chủ yếu là alilicin và các hợp chất diallyldisulfit khác; chất nhầy; saponin, acid béo, đường và vitamin B1, B2, C…
Theo Đông y, thông bạch có vị cay, tính ôn; vào kinh phế và vị. Tác dụng phát tán giải biểu, khu phong tán hàn, ôn trung hồi dương cứu nghịch, điều vị giải độc. Trị cảm mạo phong hàn, sợ gió sợ rét không có mồ hôi; các chứng lý hàn ngoại nhiệt, tay chân lạnh cứng, trụy mạch, tiêu chảy; đau quặn bụng do giun sán, bí tiểu cấp; giải độc do ăn cua cá. Ngày dùng 5-40g cho vào thực phẩm; dùng tươi.
Bài thuốc có hành
Tán hàn, giải biểu: thông bạch 12g, đậu xị 12g. Sắc uống. Trị cảm mạo phong hàn mới mắc và nhẹ.
Hoạt huyết, thông dương: thông bạch 40g, can khương 12g, phụ tử 12g. Sắc uống. Trị đi tả cấp tính, chân tay lạnh, mạch nhỏ.
Trị giun, giảm đau: thông bạch 40g, dầu lạc hay dầu gai hoặc ôliu 40g. Thông bạch nghiền và ép lấy nước, trộn đều với dầu để uống. Hoặc uống thông bạch trước uống dầu sau, hoặc ngược lại đều được. Trị giun đũa làm tắc đường mật hoặc ruột bị tắc cứng do giun.
Món ăn thuốc có hành hoa
Món ăn cho bệnh nhân ngoại cảm phong hàn, đau bụng nôn ói…: Cháo hành giải cảm: hành sống 1-3 củ; gừng tươi 3 lát. Giã nát cho vào bát tô, đổ cháo trắng đang sôi vào, khuấy đều, thêm đường, muối tùy ý. Ăn nóng.
Món ăn cho người đau bụng do lạnh, buồn nôn, nôn ra nước trong: Thông tiêu ẩm: hành 20g, gừng tươi 10g, bột tiêu 3g. Giã nát, hãm nước sôi, uống.
Món ăn cho người bị cảm mạo phong hàn, đau đầu, đau tức vùng ngực không có mồ hôi, sợ gió sợ lạnh kèm theo đau bụng buồn nôn, tiêu chảy: Thông xị thang: hành tươi cả rễ 30g, gừng tươi 8g, đạm đậu xị 12g, rượu nhạt (hoàng tửu) 30ml. Hành đem rửa sạch thái lát, gừng đập giập. Cả 3 vị thuốc cho vào nồi, thêm 500ml nước, đun sôi, cho tiếp rượu vào, khuấy đều, gạn lấy nước thuốc. Uống nóng làm vã mồ hôi.
Món ăn cho người suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể sau chữa bệnh lâu ngày, mất ngủ, đau nhức gân xương: Thông táo thang: đại táo 20 quả, củ hành có rễ và lá 7 củ. Đại táo rửa sạch ngâm mềm, cho thêm 1 bát nước đun nhỏ lửa 20 phút, cho tiếp hành đã rửa sạch thái lát, tiếp tục đun 10 phút, để nguội. Ăn táo và uống nước.
Món ăn cho người bị kinh động do sấm chớp, đụng tàu xe, đổ đất đá, tuy không gây chấn thương nhưng gây đau tức vùng ngực lưng: Canh mướp hành củ cải: cải củ 150g, mướp 100g, hành 10g. Cải củ và mướp gọt vỏ thái miếng, nấu với nước lượng thích hợp, trước khi bắc ra cho hành thái lát và gia vị mắm muối.
Hành muối: có mùi thơm, vị cay, tính ấm, không độc. Tác dụng phát tán giải cảm, ôn trung, thông dương, hoạt huyết, giải được chứng uất do bên ngoài gây nên. Khi lên men làm mất vị cay, loại bỏ tính phát tán mà giữ lại tính tiêu thực, ôn trung, giải uất, rất hợp khi ăn với thịt mỡ hay thịt quay trong mùa lạnh.
Kiêng kỵ: Người biểu hư đa hãn (ra mồ hôi nhiều), âm hư nội nhiệt, viêm kết mạc kiêng dùng.
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống