Giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi, phòng thừa cân béo phì
Lượt xem: 144 Ngày đăng: 28/07/2021
Ăn nhiều thịt, ít rau cũng khiến số người mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm đang gia tăng… Việc xây dựng một chiến lược dinh dưỡng sẽ vừa giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, vừa phòng ngừa, ngăn chặn sự gia tăng của các bệnh do thừa cân, béo phì.
Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đáng kể
Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm trong 10 năm qua. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi giảm từ 29,3% trong năm 2010 xuống còn 19,6% trong năm 2020 và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng gầy còm giảm từ 7,1% trong năm 2010 xuống còn 5,2% trong năm 2019. Mặt khác, tại một số tỉnh miền núi, tình trạng suy dinh dưỡng vẫn là một gánh nặng lớn. Ví dụ tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn khá cao, cụ thể, tại Hà Giang là 31,7%, tại Cao Bằng là 30,4%, tại Kon Tum là 33,4%, tại Gia Lai là 32,0% (theo số liệu Báo cáo Giám sát Dinh dưỡng năm 2019).
Cùng với việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi, chiều cao người Việt đã được cải thiện đáng kể. Kết quả điều tra năm 2020 cho thấy, chiều cao trung bình của nam giới đạt 168,1cm (tăng 3,7cm so với năm 2010: 164,4cm), chiều cao của nữ giới đạt 155,6cm (tăng 0,8cm so với năm 2010: 154,8cm). Với chiều cao này, hiện Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.
“Chúng ta đang tiêu thụ quá nhiều thịt”
Đây là đánh giá của GS. Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Theo khuyến nghị, mỗi người chỉ nên tiêu thụ 50-80g thịt/ngày tùy từng người, từng vùng. Nhưng theo điều tra, mức tiêu thụ thịt trung bình là 134g/ngày, ở nhiều thành phố con số này là 154g/ngày. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ rau củ quả lại tăng không đáng kể. Theo thống kê năm 2010, trung bình một người Việt tiêu thụ 190g rau/ngày và 60,9g quả/ngày thì tới nay đã tăng 230g rau/ngày và 127g quả/ngày. Tuy nhiên, mới chỉ có 65% người Việt đạt mức khuyến nghị về tiêu thụ rau quả.
Thay đổi khẩu phần ăn, tăng cường rau quả hợp lý, để trẻ phát triển tốt nhất.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng tỷ lệ trẻ béo phì. Ước tính có khoảng gần 20% trẻ em nhóm từ 5-19 tuổi thừa cân, béo phì tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Nhóm trẻ dưới 5 tuổi tỷ lệ béo phì năm 2010 là 5,6 % thì hiện tại con số này là 7,4%. Ngoài thừa cân, béo phì, hệ lụy của ăn nhiều thịt, ít rau cũng khiến cho số người mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm đang gia tăng.
Xây dựng Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng
Để xây dựng một Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Mạng lưới các Tổ chức xã hội vì Dinh dưỡng Việt Nam (SUN CSA Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Tham vấn kỹ thuật xây dựng Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và giới thiệu các mô hình can thiệp”. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia với 63 điểm cầu đặt tại các Sở Y tế/Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận về các khó khăn, thách thức và đưa ra các khuyến nghị cho tiến trình xây dựng Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu các mô hình can thiệp dinh dưỡng đã được thực hiện thành công… Với các nội dung thảo luận như trên, các cơ quan, tổ chức tham dự Hội thảo hy vọng đưa ra những khuyến nghị cho việc thực hiện Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030; Đề xuất và áp dụng những mô hình can thiệp dinh dưỡng hiệu quả cho trẻ em và được khuyến nghị nhân rộng.
Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống