Logo

Điều trị I131 – dược chất phóng xạ cho người bệnh ung thư tuyến giáp

Lượt xem: 213 Ngày đăng: 18/06/2021

Ung thư tuyến giáp xảy ra khi những tế bào bình thường ở tuyến giáp biến đổi thành những tế bào bất thường và phát triển không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể. Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở giữa cổ, gồm 2 thùy nối với nhau qua eo giáp trạng, có chức năng tiết ra hormone giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển. Ung thư tuyến giáp có nhiều loại khác nhau: hay gặp là ung thư tuyến giáp nhú, thể tủy, thể không biệt hóa, trong đó thể tủy và thể không biệt hóa có tiên lượng xấu hơn. Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp đặc biệt là thể biệt hoá là bệnh ung thư tiên lượng rất tốt.

1. Các nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến giáp

Hệ miễn dịch bị rối loạn

Đây được xem là nguyên nhân đầu tiên gây nên căn bệnh nguy hiểm này. Đối với những người khỏe mạnh, hệ miễn dịch có tác dụng sản xuất ra các kháng thể có tác dụng giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn gây hại từ môi trường sống xung quanh. Khi hệ miễn dịch bị rối loạn, chức năng đó sẽ bị suy giảm, tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn, virus có hại tấn công vào cơ thể, bao gồm cả tuyến giáp. Do đó, hệ miễn dịch bị rối loạn không chỉ là nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp mà còn là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của các bệnh lý nguy hiểm khác

Nhiễm phóng xạ

Cơ thể có thể bị nhiễm phóng xạ từ bên ngoài khi dùng tia phóng xạ để điều trị bệnh hoặc bị nhiễm vào bên trong cơ thể qua đường tiêu hóa và đường hô hấp do i-ốt phóng xạ.

Trẻ em rất nhạy cảm với các tia phóng xạ, do đó các bậc phụ huynh nên hạn chế việc cho trẻ tiếp xúc với các nguồn tia phóng xạ để bảo đảm sức khỏe cho trẻ và hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Yếu tố di truyền

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: có khoảng 70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có người thân trong gia đình (bố, mẹ, anh chị em,…) đã từng mắc bệnh. Tuy nhiên, hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra được gen nào dẫn tới sự di truyền này.

Yếu tố tuổi tác, thay đổi hormone

Bệnh nhân mắc căn bệnh này chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 30-50 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 – 4 lần so với nam giới. Sự chênh lệch này là do yếu tố hormone đặc thù ở phụ nữ và quá trình mang thai đã kích thích quá trình hình thành bướu giáp và hạch tuyến giáp. Hoặc trong giai đoạn sau sinh, nhiều phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh, điều này cũng là do sự thay đổi nội tiết trong cơ thể gây suy giáp tạm thời ở phụ nữ sau thời kỳ thai nghén.

Mắc bệnh tuyến giáp

Những bệnh nhân bị bướu giáp, bệnh basedow hoặc hormone tuyến giáp mãn tính có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn những người khác. Hoặc những người đã từng mắc bệnh viêm tuyến giáp, dù đã điều trị khỏi nhưng nguy cơ tái phát bệnh rất cao.

Ngoài những nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến giáp được kể trên, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, yếu tố khác cũng có nguy cơ gây nên ung thư tuyến giáp như: bị thiếu i-ốt, uống rượu thường xuyên trong thời gian dài, thói quen hút thuốc lá, thừa cân béo phì,..tính chất gia đình và di truyền

2. Những triệu chứng của ung thư tuyến giáp

Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không gây ra triệu trứng. Bạn có thể phát hiện ra bệnh khi đi khám định kỳ.

Khi ung thư tuyến giáp có triệu chứng, thường bạn sẽ sờ thấy một khối ở tuyến giáp (vùng cổ như hình 1). Ngoài ra, các dấu hiệu và triệu chứng khác của ung thư tuyến giáp bao gồm:

  • Khàn tiếng
  • Nuốt vướng khi u chèn ép vào thực quản
  • Khó thở khi u xâm lấn vào khí quản
  • Ở giai đoạn muộn hơn, bạn có thể sờ thấy hạch cổ hoặc các triệu chứng của di căn xa như đau xương trong di căn xương…

Những triệu chứng trên có thể là biểu hiện của nhiều bệnh khác mà không phải là ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên khi có những triệu chứng này, bạn nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa.

3. Điều trị I131 cho người bệnh ung thư tuyến giáp

Từ năm 2019, khu điều trị I131 và máy BQSV chiết tách chất phóng xạ hiện đại nhất Việt Nam được Bệnh viện K đưa vào hoạt động. Việc Bệnh viện K đưa vào sử dụng khu điều trị I 131 sẽ là tiền đề để thời gian tới tập trung phát triển vượt bậc hơn nữa song song giữa đầu tư cơ hở hạ tầng, trang thiết bị và nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyên môn, khoa học kỹ thuật tiên tiến.

I131 là dược chất phóng xạ, dùng trong điều trị bệnh nhân ung thư giáp thể biệt hóa đã được phẫu thuật cắt giáp toàn bộ. Khu điều trị dược chất phóng xạ giúp bệnh nhân được điều trị theo quy trình khép kín mà không cần phải chờ đợi hoặc chuyển viện.

“Bệnh nhân sau khi phẫu thuật sẽ được điều trị ngay bằng dược chất phóng xạ I131”, PGS.TS Ngô Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm xạ trị quốc gia, cho biết.

PGS Tùng cho biết ung thư tuyến giáp được xem là bệnh ung thư nhẹ nhất, có tới 80-90% thuộc thể biệt hóa. Sau khi người bệnh phẫu thuật khoảng một tuần sẽ được chuyển sang khoa Y học hạt nhân để bác sĩ thăm khám, tư vấn và thực hiện một số chỉ định khác như xét nghiệm máu… đánh giá tình trạng suy giáp, bilan trước điều trị dược chất phóng xạ.

“Đây là bệnh ung thư có thể chữa khỏi. Thậm chí, có bệnh nhân đã di căn phổi vẫn điều trị khỏi”, ông Tùng chia sẻ.

Hệ thống máy BQSV trong điều trị dược chất phóng xạ I131

TS.BS Nguyễn Tiến Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện K, cho biết máy BQSV hoạt động chia liều tự động và bán tự động bằng hệ thống máy tính, độ chính xác cao. Ngoài chiết tách I131 có thể dùng chiết tách các dược chất phóng xạ dạng dung dịch khác (FDG, Tc99MDP…) với độ an toàn cao, tránh các sự cố bức xạ, an toàn cho nhân viên y tế trong quá trình thao tác.

“Bệnh nhân điều trị I131 được bảo hiểm y tế chi trả, giảm thiểu chi phí mà vẫn đảm bảo quyền lợi cũng như hiệu quả điều trị”, Tiến sĩ Quang nói.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết ung thư không phải căn bệnh khủng khiếp như nhiều người lo sợ. Nếu phát hiện bệnh sớm, đa phần có thể chữa khỏi. “Hiện có rất nhiều kỹ thuật để điều trị ung thư, bao gồm nội khoa, hóa, xạ trị, iốt, liệu pháp miễn dịch… Bộ Y tế đang giao các bệnh viện đầu ngành chuyển giao những kỹ thuật tiên tiến về ung thư”.

Theo PGS.TS Ngô Thanh Tùng, Giám đốc trung tâm xạ trị quốc gia, sau khi người bệnh phẫu thuật khoảng một tuần sẽ được chuyển sang khoa Y học hạt nhân để bác sĩ thăm khám, tư vấn và thực hiện một số chỉ định khác (xét nghiệm máu…) để đánh giá tình trạng suy giáp, bilan trước điều trị. Có 2 yếu tố người bệnh cần lưu ý đó là trước khi điều trị phải ngừng uống thuốc hormon giáp trạng 4 tuần và ăn chế độ kiêng Iod 2 tuần.

Nếu đạt tình trạng suy giáp, bệnh nhân được uống liều chẩn đoán (2mCi hoặc 5mCi).Sau khi uống liều chẩn đoán 48h, bệnh nhân được cho uống liều điều trị (30mCi đến 200mCi) tùy tình trạng bệnh.Với người bệnh uống liều > 30mCi sẽ cần điều trị nội trú, cách li trong 02 ngày và theo dõi tại bệnh viện.

“Với người bệnh uống liều < 30mCi sẽ được điều trị ngoại trú và cách li tại nhà. Sau điều trị bệnh nhân sẽ được theo dõi định kỳ khám lại từ 3 – 6 tháng tại”- PGS.TS Ngô Thanh Tùng cho biết.

Mỗi năm, Việt Nam có gần 165.000 ca ung thư mới mắc, gần 115.000 trường hợp tử vong và hơn 300.000 người đang phải chiến đấu với bệnh. Khu điều trị I131 giúp nâng cao khả năng và chất lượng trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý liên quan đến ung thư, giúp người bệnh tiếp cận các phương pháp điều trị hiện đại, tiên tiến trên thế giới. Bệnh viện K cũng sẽ chuyển giao công nghệ điều trị này cho các bệnh viện vệ tinh.

Nguồn: Trang thông tin điện tử Bệnh viện K