Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này như ăn quá no, ăn nhiều chất béo, ăn thức ăn gây ợ nóng (tỏi, hạt tiêu, rượu…) và do thuốc… Vậy khi bị ợ nóng dùng thuốc như thế nào?
Khi bị ợ nóng, trước hết cần khắc phục triệu chứng này bằng thay đổi lối sống hàng ngày: Duy trì cân nặng ở mức hợp lý; tránh đồ ăn, thức uống kích thích ợ nóng; nên chia thành các bữa nhỏ và không nằm ngay sau khi ăn. Lo lắng, căng thăng cũng có thể khiến chứng ợ nóng trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, cố gắng giảm bớt stress bằng các hoạt động thể dục thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe… Nếu tình trạng ợ nóng không thuyên giảm có thể cần sử dụng thuốc. Thuốc được dùng trong trường hợp này có tác dụng trung hòa acid hoặc chống tiết acid dạ dày.
Có nhiều nguyên nhân gây ợ nóng như: ăn quá no hay do thuốc…
Thuốc kháng, trung hòa acid
Các thuốc kháng, trung hòa acid thường dùng là loại chứa magie, loại chứa nhôm và loại kết hợp cả magie và nhôm. Các thuốc này có tác dụng trung hòa acid trong dịch vị dạ dày, làm giảm các triệu chứng của ợ nóng.Thời điểm dùng thuốc kháng acid tốt nhất là sau các bữa ăn 1 – 3 giờ và khi đi ngủ, 4 lần (hoặc nhiều hơn) trong một ngày. Không nên uống thuốc ngay trước hay ngay sau bữa ăn.
Về dạng thuốc, thuốc kháng acid có dạng hỗn hợp, gel, bột, thuốc cốm. Nếu là viên nén nên nhai trước khi chiêu nước. Các chế phẩm dạng lỏng có hiệu quả hơn dạng rắn nhưng thời gian tác dụng ngắn hơn.
Do làm tăng pH dạ dày, các thuốc kháng acid làm ảnh hưởng đến sự hấp thu của nhiều thuốc khác nên phải dùng các thuốc này cách xa thuốc kháng acid ít nhất 2 giờ. Một số chế phẩm phối hợp thuốc kháng acid với simeticon (chất chống sủi bọt) để làm giảm sự đầy hơi hoặc làm nhẹ triệu chứng nấc khi sử dụng.
Khi dùng thuốc cần lưu ý, đối với loại chứa nhôm, một số bất lợi có thể gây đau đầu, buồn nôn, táo bón; đối với loại chứa magie thường gây tiêu chảy. Vì vậy, dùng sản phẩm phối hợp nhôm và magie sẽ khắc phục các nhược điểm này của thuốc.
Thuốc ức chế – chống tiết acid
Thuốc ức chế – chống tiết acid bao gồm các thuốc kháng histamin H2 và thuốc ức chế bơm proton.
Các thuốc kháng histamin H2 như cimetidin, ranitidin, famotidin, nizatidin. Khi uống, thuốc sẽ tác động vào các thụ thể đặc hiệu trên bề mặt của các tế bào dạ dày giải phóng acid; ức chế phản ứng hóa học trong các tế bào này khiến chúng giảm tiết acid dịch vị, nên hạn chế triệu chứng ợ nóng, ợ hơi, giảm trào ngược dạ dày – thực quản. Tuy nhiên, cần thận trọng dùng cho người cao tuổi và cần loại trừ khả năng bị ung thư trước khi dùng các thuốc này.
Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc như: đau đầu, mệt mỏi, tiêu chảy, nổi ban đỏ, chóng mặt, tụt huyết áp, giảm tiểu cầu…; buồn ngủ, loạn nhịp tim (do thuốc qua được hàng rào não, ức chế thần kinh gây trạng thái buồn ngủ); vàng da, rối loạn chức năng gan và có thể gây tương tác bất lợi với nhiều thuốc trị bệnh khác.
Cách dùng thuốc này còn tùy thuộc vào loại bào chế và mỗi thuốc trong nhóm lại có một cách dùng khác nhau. Vì vậy, khi được bác sĩ kê đơn dùng thuốc nào người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc để dùng cho đúng cách.
Các thuốc ức chế bơm proton (PPI): Các thuốc như omeprazol, lansoprazol và pantoprazol… là những thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị triệu chứng ợ nóng do trào ngược acid và loét dạ dày. Thuốc có tác dụng ức chế đặc hiệu và không hồi phục bơm proton (bơm acid), do tác dụng chọn lọc trên tế bào thành dạ dày, nên thuốc có tác dụng nhanh, hiệu quả cao trong việc làm giảm các triệu chứng gây ra do tăng tiết acid dịch vị, trong đó có ợ nóng… so với các thuốc khác.
Để có kết quả tốt nhất, hãy uống PPI 30 phút trước khi ăn bữa chính, hoặc vào thời điểm trong ngày (lúc dạ dày trống rỗng) khi người bệnh cảm thấy khó chịu nhất. Điều này cho phép thuốc đủ thời gian để tắt các máy bơm acidhoạt động gây ợ nóng.
Khi dùng thuốc, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng bất lợi như: nhức đầu, buồn nôn, đau bụng, táo bón, phát ban hoặc giảm nồng độ vitamin B12(khi dùng thuốc lâu dài). Cần thận trọng khi dùng thuốc này cho phụ nữ mãn kinh (vì thuốc ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ gãy xương). Đối với người cao tuổi, người có vấn đề về hệ thống miễn dịch cần dùng thận trọng (vì thuốc ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ bị viêm phổi ở những đối tượng này).
DS. Hoàng Thị Thuỷ