Hiện nay, đột quỵ được xem là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 chỉ sau các bệnh tim mạch và ung thư nhưng lại gây tàn phế nhiều nhất. Đột quỵ có thể đến với bất kỳ ai kể cả những người trẻ tuổi. Tuy nhiên căn bệnh tưởng chừng như thường đến bất ngờ và lấy đi sinh mạng của con người này lại có thể tầm soát được sớm và giúp cho người bệnh có thể điều trị loại bỏ các nguy cơ.
- Đột quỵ – Cái chết bất ngờ
Đột quỵ là tình trạng thường xảy đến với người gia như chúng ta vẫn nghĩ, nhưng trên thực tế thì ngay cả người trẻ tuổi cũng có nguy cơ mắc đột quỵ. Không ít trường hợp một người bình thường, khỏe mạnh bỗng nhiên qua đời vì đột quỵ.
Theo các bác sĩ, đột quỵ thường có 2 dạng, nhóm xuất huyết não và nhóm vỡ mạch máu não. Xuất huyết não hay vỡ phình mạch máu não hay vỡ dị dạng, nhóm này chiếm 20%. Nhóm nghẽn mạch máu não chiếm đến 80%. Đột quỵ ở người trẻ đa số nguyên nhân đến từ nhóm thứ nhất, với yếu tố thúc đẩy là sự tăng huyết áp. Đột quỵ thường không có triệu chứng gì, một số ít thì có hiện tượng đau đầu kéo dài, sụp mí mắt, động kinh.
Đột quỵ có thể do nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn là do huyết áp cao và khi xuất hiện dù chỉ một cơn tăng huyết áp sẽ khiến cho người bệnh bị vỡ phình mạch máu não dẫn đến tử vong. Ngoài ra những nguyên nhân như bệnh đái tháo đường, béo phì, bệnh tim cũng là nguyên nhân gây ra đột quỵ. Những thói quen xấu như hút thuốc lá hoặc những trường hợp uống thuốc làm loãng máu, thuốc tránh thai hay các liệu pháp hooc môn cũng có khả năng gây đột quỵ.
- Dấu hiệu của đột quỵ
Theo thống kê trên cả nước mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ và có khoảng 30% trong số đó bị tử vong. Thời gian vàng để chữa trị và cứu sống người đột quỵ là trong vòng 4 – 6 tiếng kể từ sau khi đột quỵ, chính vì thế đột quỵ cần được phát hiện sớm để có thể điều trị kịp thời, cứu sống và giúp người bệnh hồi phục hoàn toàn. Bạn có thể tham khảo một số dấu hiệu của đột quỵ sau đây để kịp thời chạy chữa.
Khó khăn khi nói và hiểu ngôn ngữ
Nếu bất ngờ bạn gặp vấn đề về việc đọc hiểu lời nói của người khác hay cảm thấy khó khăn khi nói thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức. Nếu thấy người khác gặp vấn đề này, bạn có thể lặp đi lặp lại một cụm từ để kiểm tra xem họ có thể nói hay không mà chỉ ú ớ không thành chữ.
Tê mặt và cánh tay
Việc tê liệt cơ mặt và cánh tay (thường chỉ xảy ra ở một bên cơ thể) cũng là dấu hiệu của đột quỵ. Để kiểm tra, bạn có thể yêu cầu họ giơ tay lên để xem cánh tay có bị rơi xuống không hay không thể giơ tay lên thì người đó có nguy cơ bị đột quỵ. Hoặc bạn có thể yêu cầu người bệnh cười, nếu một bên miệng bị xệ xuống thì đó cũng chính là nguy cơ gây đột quỵ.
Rắc rối về thị giác
Khi có nguy cơ xuất hiện cơn đột quỵ, có thể người bệnh sẽ đột ngột bị mờ mắt ở một hoặc cả 2 bên mắt hoặc có thể bị nhìn đôi. Đôi khi sụp mí mắt bất thường cũng là dấu hiệu của đột quỵ.
Đau đầu
Việc đau đầu dữ dội một cách đột ngột và kèm theo những triệu chứng như nôn mửa, chóng mặt, ý thức thay đổi cũng là dấu hiệu của cơn đột quỵ.
Đi lại khó khăn
Người có dấu hiệu đột quỵ có thể bị vấp ngã, chóng mặt đột ngột và mất thăng bằng khi đi lại, mất sự cân bằng và phối hợp cơ thể.
Nếu như cảm thấy có một trong các dấu hiệu sau hoặc thấy người thân, bạn bè có bất cứ biểu hiện nào, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Đặc biệt với trường hợp nghi ngờ đột quỵ, khi gặp những hiện tượng này cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Thời gian chính là yếu tố quyết định người đột quỵ có cứu được hay không.
- Vai trò của tầm soát đột quỵ
Tầm soát đột quỵ để kịp thời chữa trị cũng như tránh khỏi các nguy cơ gây đột quỵ
Bên cạnh những dấu hiệu của đột quỵ, bạn cần chú ý hơn đến cơ thể và thực sự lắng nghe cơ thể mình. Nếu lo lắng về việc mình có thể bị đột quỵ, hãy thực hiện tầm soát đột quỵ để kịp thời chữa trị cũng như tránh khỏi các nguy cơ gây đột quỵ.
Trường hợp đột quỵ ở người trẻ thường là do huyết áp tăng đột ngột gây vỡ phình mạch máu não dẫn đến tử vong. Trong những trường hợp như vậy thường không hề có bất cứ dấu hiệu nào báo trước cơn đột quỵ khi mạch máu chưa vỡ. Tuy nhiên chỉ cần một cơn tăng huyết áp hoặc mạch máu không thể chịu được nữa nên vỡ ra và dẫn đến xuất huyết não, gây hôn mê sâu, nặng nhất là tử vong.
Những trường hợp này hoàn toàn không có một dấu hiệu báo trước nào nhưng điều tiếc nuối nhất đó là hoàn toàn có thể điều trị đột quỵ từ trước khi nó xảy ra và người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn nếu được tầm soát trước khi vỡ mạch máu.
Trong số những bệnh nhân bị đột quỵ thì có đến 80% không có bất cứ triệu chứng hay dấu hiệu báo trước nào, đặc biệt là những trường hợp vỡ mạch máu não, xuất huyết não… Mà những trường hợp này thường sẽ dẫn đến xuất huyết tràn trong não và gây tử vong rất nhanh.
Nguồn: Trang thông tin điện tử Bệnh viện Vinmec