Logo

COVID-19 và dịch bệnh mùa đông xuân có thể diễn biến phức tạp

Lượt xem: 391 Ngày đăng: 30/10/2020

yduoctuetinh.net – Tại chỉ thị số 23/CT-BYT, ngày 22/10/2020 của Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân 2020 đã chỉ rõ: Trong những tháng mùa đông xuân cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế: Tính đến sáng ngày 23/10/2020, Việt Nam đã ghi nhận 1.148 bệnh nhân nhiễm COVID-19, trong đó 1.049 trường hợp đã được điều trị khỏi, 64 trường hợp đang được điều trị tại các cơ sở y tế và 35 trường hợp đã tử vong. Bên cạnh đó, cả nước cũng đã ghi nhận hơn 90.000 ca mắc sốt xuất huyết, nhiều ca bệnh bạch hầu và một số bệnh khác như: sởi, ho gà…

Tại chỉ thị số 23/CT-BYT, ngày 22/10/2020 của Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân 2020 đã chỉ rõ: Trong những tháng mùa đông xuân cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, bệnh COVID-19 chưa có vaccin dự phòng, cùng với nhiều yếu tố bất lợi (hiện vẫn đang trong mùa mưa khu vực miền Nam, thời tiết lạnh ẩm khu vực miền Bắc, ngập lụt khu vực miền Trung, thay đổi bất thường về khí hậu, quá trình đô thị hoá, sự gia tăng giao lưu đi lại…) tạo điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát, đặc biệt là các bệnh như COVID-19, sởi, rubella, bạch hầu, ho gà, sốt xuất huyết, tay chân miệng….

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông-xuân, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như sau:

  1. Thực hiện thông điệp 5K phòng, chống COVID-19 (gồm Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế).
  2. Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vaccin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).
  3. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
  4. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.
  5. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
  6. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày.
  7. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.
  8. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.

BTV-KD

(Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế)