Hiện nay, chụp X-quang đóng vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Phương pháp này hỗ trợ bác sĩ quan sát bên trong cơ thể người bệnh mà không cần phải mổ. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta có thêm những hiểu biết đầy đủ nhất về chụp X-quang.
1. X-quang là gì? Chụp X-quang là gì?
X-quang là một loại bức xạ năng lượng cao. Máy chụp X-quang phát ra các chùm tia X có bức xạ cao, các tia X này xuyên qua các mô mềm và thành phần dịch trong cơ thể dễ dàng, từ đó tạo hình ảnh, các bác sĩ sẽ dựa vào hình ảnh này để chẩn đoán bệnh.
Các mô đặc như xương sẽ cản trở tia X nhiều. Mô có độ đậm đặc cao thì càng ít tia X xuyên qua.
Không khí và nước cho độ đậm thấp hơn vì các phân tử cấu thành liên kết không chặt chẽ, tia X dễ dàng xuyên qua.
Việc thực hiện chụp X-quang là chỉ định cần thiết trong chẩn đoán nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh liên quan đến xương khớp, hô hấp, tim mạch.
2. Chụp X-quang được thực hiện như thế nào?
Người cần chụp sẽ được kỹ thuật viên yêu cầu nằm, ngồi, hoặc đứng theo một vài tư thế để chụp X-quang, có thể phải nín thở khi thực hiện kỹ thuật chụp X-quang phổi để hình ảnh ghi lại được rõ nét nhất có thể.
Phim X-quang hoặc bộ phận ghi nhận hình ảnh sẽ được đặt phía sau bộ phận cơ thể cần chụp, tia X sau khi đi qua các bộ phận đó một phần sẽ được giữ lại, phần đi qua sẽ được ghi lại để tạo hình ảnh.
Hình ghi lại được càng đen nếu có càng nhiều tia X được chiếu đến phim. Vì vậy những bộ phận cơ thể cản nhiều tia X thì sẽ cho hình trắng, trong khi những bộ phận cơ thể rỗng hoặc đầy khí như phổi thì sẽ cho hình đen. Hình ảnh ghi lại được tại các mô mềm như cơ hoặc các tạng đặc trong cơ thể sẽ có màu xám, độ xám phụ thuộc vào đậm độ của chúng.
Kỹ thuật chụp X-quang cần được thực hiện trong điều kiện an toàn, đảm bảo và đủ tiêu chuẩn. Các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ phân tích hình ảnh và gửi kết quả đến bác sĩ đã chỉ định chụp X-quang.
3. Chỉ định và chống chỉ định chụp X-quang
Chụp X-quang biết bệnh gì là yếu tố quan trọng bác sĩ sẽ cân nhắc để lựa chọn kỹ thuật này trong chẩn đoán bệnh. Chụp X-quang được chỉ định trong các trường hợp
- Kiểm tra khu vực bị đau
- Theo dõi sự tiến triển của bệnh
- Theo dõi kết quả của phương pháp điều trị
- Khi bạn có thể mắc một số bệnh lý như: viêm khớp, khối u ở vú, bệnh phổi, tắc mạch, ung thư xương, các vấn đề liên quan đến tim mạch, xương gãy, nhiễm trùng và các vấn đề liên quan đến răng miệng…
Phụ nữ có thai là đối tượng không nênchụp X-quang do tia X có thể ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của thai nhi.
4. Cần chuẩn bị gì trước khi chụp X-quang?
Thường thì hầu như không cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện kỹ thuật chụp X-quang. Chỉ có một số lưu ý nhỏ giúp cho quá trìnhchụp X-quang diễn ra thuận lợi như sau:
- Bạn nên cởi quần áo (ở vị trí chụp X-quang) để dễ dàng bộc lộ tổn thương.
- Trước khi chụp X-quang, bạn sẽ phải bỏ hết đồ trang sức, các vật dụng bằng kim loại ra khỏi cơ thể bởi kim loại có thể ngăn cản tia X xuyên qua cơ thể, gây cản trở cho quá trình thực hiện kỹ thuật.
- Các bác sĩ có thể tiêm hoặc cho bạn uống thuốc cản quang trước khi chụp nếu xét nghiệm yêu cầu phải sử dụng thuốc cản quang.
- Để chụp X-quang ruột, các bác sĩ sẽ tiến hành thụt tháo và làm sạch ruột trước khi chụp.
- Một số kỹ thuật chụp X quang đặc biệt cần có sự chuẩn bị theo yêu cầu của bác sĩ.
Chụp X-quang là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh được dùng phổ biến hiện nay với thời gian thực hiện nhanh chóng và chi phí tương đối thấp. Đây là phương pháp cần thiết để chẩn đoán, tuy nhiên X-quang vẫn còn tồn tại một số hạn chế và nguy cơ khác. Chính vì vậy, cần tham khảo kỹ trước khi quyết định thực hiện chụp X-quang.