Bên cạnh nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19, các địa phương cần chủ động hơn nữa đối với công tác phòng, chống các dịch bệnh mùa hè, nhất là các bệnh tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH)… Hiện thời tiết ở nước ta đang chuyển sang mùa hè, khí hậu nóng ẩm tại khu vực miền bắc và mùa mưa bắt đầu tại khu vực miền trung, miền nam là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 19.048 trường hợp mắc SXH, trong đó có năm người chết tại các tỉnh Phú Yên, Bình Dương, Sóc Trăng và TP Hồ Chí Minh. So với cùng kỳ năm 2020, số mắc giảm 12,7%, số người chết tăng hai trường hợp. Hiện diễn biến dịch tễ tương tự các năm trước, không ghi nhận địa phương có số mắc gia tăng đột biến và ổ dịch tập trung. Tuy nhiên, một số tỉnh miền nam tăng so với cùng kỳ năm 2020 là Bạc Liêu, Bình Dương, Cà Mau, Tây Ninh. Trong khi đó, tại các địa phương cũng đã ghi nhận 18.436 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó có bốn trường hợp chết tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Ðắk Lắk. So với cùng kỳ năm 2020, số người mắc trên cả nước tăng 4,3 lần và gia tăng chủ yếu tại khu vực miền nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: Ðồng Nai, Long An, Ðồng Tháp, An Giang, TP Hồ Chí Minh… Các chuyên gia dịch tễ cho biết: Hiện nay, thời tiết ở nước ta đang chuyển sang mùa hè, khí hậu nóng ẩm tại khu vực miền bắc và bắt đầu mùa mưa tại khu vực miền trung và miền nam; sự đi lại của người dân tăng cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của một số người chưa cao là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như: sởi, cúm, TCM, tiêu chảy do vi-rút Rota…; các bệnh do muỗi truyền như SXH, viêm não do vi-rút, viêm não Nhật Bản… Ðây là những bệnh thường có nguy cơ gia tăng số ca mắc và có thể bùng phát thành dịch tại cộng đồng.
Ðiển hình như bệnh TCM tại Việt Nam, là bệnh lưu hành quanh năm, lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 10. Trẻ em bị nhiễm bệnh do liên quan thực hành vệ sinh cá nhân, như chưa thực hiện rửa tay bằng xà-phòng thường xuyên, vệ sinh môi trường không bảo đảm. Thí dụ tại Hà Nội, bệnh TCM ghi nhận từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc hằng năm. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, ghi nhận 82 trường hợp mắc TCM rải rác tại 28 trong số 30 quận, huyện, thị xã; số mắc tăng 62 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020. Các chuyên gia cho rằng, bệnh TCM có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới và chủ yếu gặp ở lứa tuổi nhỏ (dưới năm tuổi). Ngoài ra, trên địa bàn thành phố tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh SXH, sốt phát ban nghi sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, ho gà, uốn ván, liên cầu lợn… với số ca mắc đều có xu hướng giảm hoặc tương đương so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Y tế Ðỗ Xuân Tuyên cho rằng, các địa phương cần triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch ngay từ những ngày đầu mùa hè, không để “dịch chồng dịch”. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị – xã hội phối hợp ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh mùa hè trên địa bàn. Ngành y tế các địa phương cần quyết liệt trong công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, cách ly, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỷ lệ hơn 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Mặt khác, củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị, bố trí khu điều trị riêng cho người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm người bệnh, lưu ý đối với các người bệnh nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, nhất là phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh TCM với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác. Chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế…
Ngoài ra, ngành y tế phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh TCM trong trường học. Trong đó, cần tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh cho giáo viên, học sinh; đồng thời khuyến cáo cha mẹ học sinh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh phải thông báo cho nhà trường và cơ sở y tế để có biện pháp cách ly, điều trị kịp thời. Ðối với người dân, cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè và nội dung khuyến cáo mà ngành y tế đưa ra như chủ động và tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống dịch bệnh bằng việc đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm; thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà-phòng và nước sạch; ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm. Thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; khi có dấu hiệu nghi ngờ bản thân, người thân trong gia đình mình mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà…
St- nhandan.com.vn