Chế độ dinh dưỡng cho người trưởng thành dự phòng COVID-19
Lượt xem: 443 Ngày đăng: 26/10/2020
yduoctuetinh.net – Người trưởng thành là những đối tượng ở độ tuổi lao động (18 – 60 tuổi), không mắc các bệnh kèm theo. Đây là lực lượng lao động chính của xã hội, đặc biệt là những người ở tuyến đầu chống dịch COVID-19 (nhân viên y tế, bộ đội, công an…), hàng ngày phải làm việc rất vất vả và có nguy cơ lây nhiễm cao. Vì vậy, người trưởng thành cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe và tăng cường miễn dịch để đảm bảo sức khỏe thực hiện các công việc và các nhiệm vụ trong mùa dịch.
Chế độ dinh dưỡng của người trưởng thành cần đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, chất đạm, vitamin và chất khoáng để duy trì và đảm bảo cho các hoạt động bình thường của cơ thể và hệ thống miễn dịch. Ngoài ra cần uống đủ nước và tăng cường hoạt động thể lực để giúp cho các hoạt động trao đổi chất của cơ thể hoạt động tốt và tăng cường sức khỏe. Số lượng lương thực, thực phẩm sử dụng cho một ngày được khuyến nghị theo Tháp dinh dưỡng hợp lý cho người trưởng thành, mỗi bữa ăn cần có trên 10 loại thực phẩm để cung cấp đa dạng các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý
1.1. Cung cấp đủ năng lượng
Chế độ ăn đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết giúp cho con người tồn tại, phát triển và duy trì các hoạt động thể chất hàng ngày. Thiếu năng lượng thì cơ thể sẽ gầy sút, suy giảm miễn dịch, dẫn đến giảm sức đề kháng chống đỡ với COVID-19 và các bệnh tật khác. Nếu điều kiện làm việc khẩn cấp, đột xuất, quá bữa, không ăn đủ, có thể sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng giàu năng lượng, không nên bỏ bữa ăn. Nên duy trì BMI (chỉ số khối cơ thể) ở mức bình thường (BMI: 18,5 – 24,9 kg/m2 ).
1.2. Hàng ngày, bữa ăn phải đa dạng, cân đối và phối hợp nhiều loại thực phẩm
* Nhóm cung cấp chất bột đường: gạo, bún, phở, bánh mì, ngô, khoai và các sản phẩm chế biến. Đây là nhóm thực phẩm cung cấp nguồn năng lượng chủ yếu cho cơ thể. Trung bình một ngày người trưởng thành sử dụng 12-15 đơn vị ngũ cốc tùy theo cân nặng và mức độ hoạt động thể lực. Đơn vị ăn thực phẩm tham khảo trong bài Hướng dẫn sử dụng các đơn vị ăn của tháp dinh dưỡng để ước lượng thực phẩm. Người trưởng thành có MBI bình thường và mức lao động nhẹ có thể sử dụng 12 đơn vị ngũ cốc, với mức lao động nặng có thể sử dụng 15 đơn vị ngũ cốc, khoai củ và các sản phẩm chế biến một ngày.
* Nhóm cung cấp chất đạm: Thịt, cá, các loại thủy hải sản, trứng, sữa, các loại đậu hạt và các sản phẩm chế biến. Hàng ngày, nên ăn ít nhất 2 loại thực phẩm trong nhóm này. Trong 1 tuần nên ăn thay đổi các loại thực phẩm nói trên, 1 tuần nên ăn ít nhất 3 bữa cá. Trung bình người trưởng thành nên ăn 5-6 đơn vị ăn của nhóm thực phẩm cung cấp chất đạm. Theo khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho người Việt Nam, người trưởng thành nên sử dụng 3-4 đơn vị sữa và chế phẩm sữa một ngày tương đương với 1 miếng phô mai 15g, 1 hộp sữa chua và 100-200ml sữa dạng lỏng. Nên sử dụng sữa và sữa chua ít đường và ít béo.
* Nhóm cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ: rau lá, rau củ quả, trái cây/quả chín là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ quan trọng cho cơ thể. Nên chọn rau, củ, quả tươi, mùa, không ăn rau quả khô, hoặc bảo quản lâu vì sẽ mất các vitamin chứa trong rau quả. Nên ăn đa dạng, phối hợp các loại rau quả và thay đổi trong tuần.
Rau lá, rau củ quả: người trưởng thành nên sử dụng 3-4 đơn vị ăn rau lá, rau củ quả một ngày.
Trái cây/quả chín: người trưởng thành nên sử dụng 3 đơn vị trái cây/quả chín một ngày.
* Nhóm cung cấp chất béo: dầu, mỡ, các loại hạt có dầu (lạc, vừng…). Nên ăn dầu thực vật, dầu cá, hạn chế mỡ động vật. Người trưởng thành nên sử dụng 5-6 đơn vị ăn dầu, mỡ một ngày.
1.3. Uống đủ nước hàng ngày: không uống quá nhiều nước một lần, mà nên uống từng ngụm nhỏ, nhiều lần trong ngày để giữ cổ họng luôn ẩm, hạn chế sự bám dính của virus sẽ xâm nhập vào cơ thể.
Mỗi ngày, người trưởng thành cần khoảng 40ml nước/kg cân nặng (bao gồm: canh, súp, sữa, nước uống…). Ví dụ: người 50kg cần khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Người lao động nặng, ra mồ hôi nhiều cần tăng lượng nước đưa vào cơ thể. Trung bình người trưởng thành sử dụng 8-12 đơn vị nước một ngày (1 đơn vị nước tương đương 1 ly 200ml nước).
1.4. Muối: Không nên ăn mặn. Một ngày chỉ nên ăn dưới 5g muối (1g muối tương đương 1 gạt thìa ăn sữa chua muối, hoặc 1 thìa nước mắm 5ml, 7ml xì dầu, 1,5g bột canh và 2,2g bột nêm). Các món ăn khi chế biến đều đã nêm gia vị mặn (muối, hạt nêm, nước mắm, nước tương…) nên cần hạn chế chấm thêm nước mắm hay gia vị trên bàn ăn.
1.5. Số bữa ăn: Cần ăn đầy đủ 3 bữa: sáng, trưa, chiều tối và 1-2 bữa phụ.
- Bổ sung thực phẩm tăng cường miễn dịch
Các chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch của cơ thể là: chất đạm, vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, selen, sắt, kẽm, thực phẩm chứa flavonoid và omega 3.
* Chất đạm: Cần phối hợp cả thức ăn cung cấp đạm động vật và thực vật (các loại đậu, đỗ hạt).
* Vitamin A và beta-caroten: Có nhiều trong thịt, cá, trứng, gan, sữa, súp lơ xanh, rau chân vịt, khoai lang nghệ, bí ngô, cà rốt, cam, xoài chín, gấc…
* Vitamin C: Có trong các loại rau và trái cây tươi: súp lơ, ớt ngọt, cà chua, bưởi, cam, quýt, kiwi, táo, nho…
* Vitamin E: Có trong giá đỗ, rau mầm, hạt hướng dương, sản phẩm từ đậu nành, lúa mì…
* Vitamin D: Có trong gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản…
* Selen: Có trong gạo nâu, gạo lật nảy mầm, gạo mầm, rong biển, cá, tôm, hải sản…
* Sắt: Có trong thịt, cá, gan, trứng, rau xanh, đậu đỗ… Sắt từ nguồn động vật sẽ dễ hấp thu hơn sắt nguồn thực vật.
* Kẽm: Có nhiều trong hàu, cá, hải sản, thịt gia cầm…
* Các flavonoid: Cần tăng cường ăn các loại rau gia vị, súp lơ xanh, cải xanh, nho, táo, cherry, black beri; quả mâm xôi, dâu tây, trà xanh, rượu vang đỏ…
* Omega 3: Có trong cá biển sâu, dầu gan cá, quả óc chó…
* Bổ sung thêm các viên đa vi chất, dầu cá (omega 3) nếu cần.
* Probiotic: Có trong các loại sữa chua, một số loại phô mai, đậu tương lên men (natto, miso)…
- Hạn chế
– Rượu, bia: nên hạn chế, có thể dùng rượu vang đỏ 100-150 ml/ngày (nữ) và 200-300ml/ngày (nam). Không dùng rượu mạnh.
– Không hút thuốc lá, thuốc lào.
- Ngủ đủ giấc, thường xuyên vận động
Giấc ngủ giúp cơ thể hồi phục sau thời gian làm việc căng thẳng. Ngủ không đủ giấc cơ thể sẽ bị giảm sức đề kháng và dễ mắc bệnh như cảm cúm. Nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày. Tránh căng thẳng quá mức.
Hoạt động thể lực cường độ vừa (đi bộ nhanh, chạy bộ chậm, yoga, đạp xe tại chỗ…) ít nhất 30 phút/ngày, trong 5-7 ngày mỗi tuần.
BTV-KD
(Theo “Hướng dẫn dự phòng dinh dưỡng” của Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam)