Châu Á tăng tốc đảm bảo nguồn cung thuốc đặc trị COVID-19
Lượt xem: 166 Ngày đăng: 30/10/2021
Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir và Ronapreve là các thuốc đặc trị COVID-19 đang được nhiều quốc gia châu Á chú trọng đặt mua.
Cuộc chạy đua mua thuốc đặc trị COVID-19 Molnupiravir tại châu Á
Một số quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương từng chậm hơn trong việc mua vaccine COVID-19. Song hiện nay, vấn đề thuốc điều trị đã khác. Các quốc gia trong khu vực đã sớm tăng tốc đặt mua thuốc viên điều trị COVID-19 Molnupiravir của công ty dược phẩm Mỹ Merck.
Ít nhất 8 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã ký kết các thỏa thuận hoặc đang đàm phán để mua thuốc Molnupiravir. Thái Lan đã thông qua kế hoạch mua 50 nghìn liệu trình. Malaysia cũng đã ký thỏa thuận mua 150 nghìn liệu trình loại thuốc này, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Hàn Quốc cho biết đã đạt thỏa thuận mua 20 nghìn liệu trình Molnupiravir. Australia và New Zealand lần lượt ký được các thỏa thuận mua 300 nghìn liệu trình và 60 nghìn liệu trình. Còn Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) cũng tham gia vào cuộc chay đua mua Molnupiravir, tuy nhiên, số liệu cụ thể về các thỏa thuận không được công bố. Hiện chưa rõ mỗi nước sẽ trả bao nhiêu tiền để mua thuốc Molnupiravir.
Thuốc đặc trị COVID-19 Molnupiravir của hãng dược phẩm Merck (Ảnh: Reuters)
Bà Rachel Cohen, Đại diện Tổ chức Drugs for Neglected Diseases Initiative, nhận định: “Molnupiravir có tiềm năng để thay đổi “cuộc chơi” một chút. Chúng ta cần đảm bảo lịch sử sẽ không lặp lại, với những mô hình hoặc sai lầm tương tự mà chúng ta đã chứng kiến trong cuộc đua mua vaccine COVID-19, khi các nước giàu dự trữ quá nhiều vaccine còn các nước nghèo lại quá thiếu”.
Nguyên nhân Molnupiravir được chính phủ các nước châu Á quan tâm
Thuốc Molnupiravir có ý nghĩa bổ trợ đặc biệt cho vaccine bởi tại châu Á – Thái Bình Dương, hàng triệu người vẫn chưa được tiêm chủng vì không đủ tiêu chuẩn hoặc không thể tiếp cận được vaccine. Các chuyên gia nhận định, điều trị bằng Molnupiravir là phương pháp có khả năng cứu sống những người ở những khu vực độ phủ vaccine thấp và dễ bùng phát dịch.
Một khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19, họ có thể bắt đầu một đợt điều trị bằng Molnupiravir, với khoảng 40 viên trong năm ngày. Dựa trên tính toán chi phí nguyên liệu thô, một liệu trình Molnupiravir có chi phí sản xuất khoảng 18 USD, tương đương 400 nghìn đồng.
Thuốc đặc trị COVID-19 Molnupiravir của hãng dược phẩm Merck (Ảnh: Reuters)
Ngoài ra đánh giá về hiệu quả thì Molnupiravir là một loại thuốc kháng virus được sử dụng qua đường uống có kết quả thử nghiệm tốt. Hồi đầu tháng 10, hãng Merk công bố, thuốc có tác dụng giảm gần 50% nguy cơ bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và tử vong. Ngoài ra, thuốc cũng có hiệu quả với các biến thể của virus SARS-CoV-2 như Delta và Mu. Hiện Merck đã nộp hồ sơ lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc này, và nhiều khả năng đây sẽ là loại thuốc viên kháng virus đầu tiên được cấp phép dùng để điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ.
Những loại thuốc đặc trị nào khác đang được săn đón?
Ngoài Molnupiravir, các quốc gia cũng đang “đặt cược” vào các loại thuốc đặc trị COVID-19 khác như Remdesivir. Remdesivir là loại thuốc đầu tiên cho kết quả cải thiện tình hình bệnh nhân COVID-19 trong các thử nghiệm lâm sàng chính thức, đã được FDA phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ tháng 10/2020. Tuy phần lớn loại thuốc này đã được Mỹ đặt mua, các quốc gia châu Á cũng cố gắng tìm kiếm nguồn cung từ cả công ty sản xuất tại Ấn Độ.
Thuốc Remdesivir của công ty dược phẩm Gilead (Ảnh: DW)
Theo tờ Nikkei Asia, công ty dược phẩm lớn nhất Indonesia Kalbe Farma đã hợp tác với nhà sản xuất thuốc Ấn Độ Hetero để nhập Remdesivir cho bệnh nhân COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này. Thuốc đang được sản xuất tại Ấn Độ và sẽ được bán cho các bệnh viện địa phương ở Indonesia với thương hiệu Covifor thông qua mạng lưới phân phối và bán hàng rộng khắp của Kalbe. Dự kiến Indonesia sẽ có hàng chục nghìn lọ Remdesivir trong vòng vài tháng tới, với giá 3 triệu rupiah (tương đương hơn 4,8 triệu đồng) mỗi lọ.
Tại Philippines, Ronapreve là thuốc đặc trị COVID-19 được cấp phép sử dụng. Bộ Y tế nước này cho biết đang thực hiện kế hoạch mua Ronapreve, sau khi thử nghiệm lâm sàng cho thấy, thuốc có hiệu quả giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong lên tới 70%.
Thuốc Regen – CoV Ronapreve của hãng dược Roche (Ảnh: The Guardian)
Thái Lan cũng đã mua, sử dụng và sản xuất Favipiravir trong điều trị COVID-19 từ tháng 8 đến nay. Theo thống kê, mỗi ngày, 1 triệu liều Favipiravir đã được các bệnh viện tại nước này dùng. Tổ chức Dược phẩm của Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ sản xuất thuốc kháng virus Favipiravir để điều trị COVID-19 với hơn 40 triệu viên mỗi tháng kể từ tháng 10 trở đi. Hiện Thái Lan đã nhập khẩu hơn 50 triệu liều Favipiravir. Trong khi đó, nước này dự tính sẽ cần tới 420 triệu liều.
Thuốc Favipiravir của công ty Toyama Chemical (Ảnh: NHK)
Tại Việt Nam, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế vào đầu tháng 8 đã thống nhất bổ sung Remdesivir vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam. Kết quả bước đầu cho thấy thuốc Redemsivir giúp bệnh nhân giảm lượng virus nhanh. Cùng với Remdesivir, Molnupiravir cũng là loại thuốc được đưa vào phác đồ điều trị COVID-19 tại Việt Nam. Trong đó, Molnupiravir đang trong giai đoạn điều trị có kiểm soát theo quyết định của Bộ Y tế cho các bệnh nhân nhẹ và vừa, được điều trị tại nhà. Người dùng Molnuparivir theo tiêu chuẩn và hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc đặc trị vẫn là chưa đủ
Theo tạp chí The Economist, hầu hết các chính phủ đều đồng ý với quan điểm rằng tiêu diệt hoàn toàn virus SARS-CoV-2 là bất khả thi. Trong khi đó, điều đáng để lo ngại là virus có thể tiến hóa để làm mất hiệu quả của các liệu pháp kháng virus đơn dòng.
Ông Daniel Altmann, nhà miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết: “Chúng ta chưa được trang bị đủ kiến thức để dự đoán dòng thời gian tiến hóa của virus, vì bản chất đột biến của loại virus này là khó có thể đoán định”.
Và ngay cả khi COVID-19 đã chuyển hóa thành bệnh đặc hữu, nó vẫn đặt ra nhiều thách thức trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó. Do đó, hiện các nhà khoa học vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện tiêm vaccine ngừa COVID-19 để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng. Ngoài ra, các quốc gia vẫn còn phải duy trì các biện pháp như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội phù hợp. The Economist nhận định, chặng đường để thế giới tiến tới trạng thái bình thường mới vẫn còn rất gập ghềnh.
Nguồn: VTV NEWS