Logo

Cây đại bi chữa cảm hiệu quả

Lượt xem: 289 Ngày đăng: 29/07/2021

Đại bi còn được gọi khác là; Băng phiến, Mai hoa băng phiến, Mai phiến, Long não hương, Ngải phiến, Từ bi.

Tên khoa học là Blumea balsamifera (L.) DC. Cây thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Lá Đại bi chủ yếu được nhân dân ta dùng làm thuốc chữa cảm sốt, cảm cúm, làm cho ra mồ hôi, chữa ho trừ đờm, đầy bụng không tiêu hay đau bụng.

  1. Tổng quan về Đại bi

1.1. Nhận biết dược liệu

Cây Đại bi hay Từ bi là một cây nhỡ, cao từ 1,5m tới 2,5m. Thân có nhiều rãnh chạy doc, có nhiều lông, trên ngọn mang nhiều cành.

Lá hình trứng, hai đầu nhọn nhưng hơi tù, mặt trên có lông, mép lá gần như nguyên hay xẻ thành răng cưa. Vỏ lá thấy có mùi thơm dễ chịu của băng phiến.

Hoa màu vàng, mọc thành chùy ngù ở kẽ lá hay đầu cành. Trên hoa có nhiều lông tơ. Quả bế có 2 cạnh dài 1mm, mang chùm lông ở đỉnh.

1.2. Phân bố, thu hái, chế biến

Cây Đại bi mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta, từ rừng núi đến đồng bằng đâu cũng có. Thường cây hay mọc ở những đồi đã phát quang có nhiều ánh sáng, không thấy trong rừng sâu. Đại bi thường mọc thành bãi khá rộng. Vì chưa khai thác nên chưa thống kê được trữ lượng.

1.3. Thành phần hóa học

Trong lá Đại bi thường có chừng 0,2% đến 1,88% tinh dầu và chất băng phiến. Thành phần chủ yếu của tinh dầu có d.bocnela, l.campho xineola, limonen, acid palmitic, acid myristic, còn chứa sesquiterpen alcol.

1.4. Bộ phận dùng

Lá phiến to dày, nhiều lông có mùi thơm hắc, thu hái quanh năm nhưng tốt nhất là mùa hè. Rửa sạch phơi âm can.

Mai hoa băng phiến thu được khi chưng cất lá rồi cho thăng hoa. Búp và lá non chứa nhiều Mai hoa băng phiến hơn các bộ phận khác.

Mai hoa băng phiến ở dạng tinh thể hình phiến trong suốt hoặc nửa trong suốt giống như phiến cánh hoa mai. Có mùi thơm nhẹ dễ chịu, vị cay mát, y học hiện đại gọi hoạt chất này là borneol.

  1. Công dụng theo y học hiện đại

2.1. Hạ huyết áp

Dịch chiết lá Đại bi gây hạ huyết áp trên súc vật thí nghiệm, làm giãn mạch ngoại vi và ức chế hệ thần kinh giao cảm. Cũng trên súc vật thí nghiệm, nước sắc lá Đại bi được tiêm tĩnh mạch làm xuất hiện huyết áp hạ do tim co bóp yếu và giãn mạch ngoại vi. Hoạt động hô hấp của súc vật thí nghiệm được tăng cường có thể là do trung khu hô hấp bị kích thích, đồng thời sức co bóp và trương lực của ruột và tử cung đều giảm.

2.2. Tác dụng bảo vệ gan

Chất flavonoid blumeatin tiêm xoang bụng cho chuột cống trắng đã gây nhiễm độc bằng CCl4, có tác dụng ức chế sự gia tăng của các men alanin aminotransferase trong huyết thanh và triglycerid trong gan. Những tổn thương về tổ chức học của gan ở lô chuột dùng blumeatin không nghiêm trọng bằng lô chuột đối chứng.

Trên chuột nhắt trắng gây ngộ độc bằng thioacetamid, dùng blumeatin tiêm xoang bụng cũng có tác dụng ức chế sự gia tăng các men alanin aminotransferase trong huyết thanh và triglycerid trong gan.

Các kết quả trên chứng tỏ blumeatin có tác dụng bảo vệ gan đối với nhiễm độc do CCl4 và thiocetamid gây nên.

2.3. Chống ung thư

Ba chất sesquiterpen lacton chiết xuất từ Đại bi đều có tác dụng chống ung thư đối với tế bào sarcom yoshida trên môi trường nuôi cấy. Cao chiết Đại bi có tác dụng làm giảm khả năng gây đột biến của mitomycin C, dimethynitrosamine và tetracyclin trên chuột nhắt trắng.

2.4. Kháng histamin, kháng nấm

Đại bi có tác dụng kháng histamin, kháng nấm.

Thành phần có tác dụng kháng histamin gồm có: acid rosmatimic, astragalin, nicotinflorin và bauerenol. Cao chiết bằng ethanol từ Đại bi có tác dụng đối với nấm Epidermophyton floccosum với nồng độ ức chế tối thiểu là dưới 10mg dược liệu/ml.

2.5. Lợi tiểu

Cao chiết bằng nước từ Đại bi có tác dụng lợi tiểu như cà phê, chè.

  1. Công dụng theo y học cổ truyền

Đại bi có vị cay, đắng, tính ôn, có tác dụng khu phong, trừ thấp, hoạt huyết, tiêu ứ, sát trùng.

Lá Đại bi được dùng làm thuốc chữa cảm sốt, cúm, làm ra mồ hôi dưới dạng thuốc xông. Dùng lá phối với một số dược liệu có tinh dầu như lá Bưởi, lá Chanh, lá Sả mỗi thứ một nắm.

Cách dùng: Tất cả cho vào nồi nước đun sôi rồi xông. Khi xông cần ngồi nơi kín gió. Dùng chăn trùm kín cả người và nồi nước xông, hơi nước có chất thơm bốc lên làm ra mồ hôi. Xông xong dùng khăn khô lau hết người, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu ngay.

  • Nước sắc lá Đại bi uống chữa đầy bụng, ăn uống khó tiêu, ho nhiều đờm. Ngày dùng 20 – 30g lá tươi.
  • Dùng ngoài, lá Đại bi nấu nước ngâm rửa hoặc lá tươi giã nát đắp tại chỗ chữa lở loét, vết thương sưng đau. Lá Đại bi phối hợp với lá cây Dâm hôi (lượng bằng nhau), rửa sạch, giã nát, lấy nước bôi chữa mụn ghẻ.

Công dụng của Đại bi ở các nước:

  • Ở Trung quốc, lá Đại bi được dùng làm thuốc kiện vị chữa đầy hơi, diệt giun sán, đắp tại chỗ chữa vết loét.
  • Ấn Độ dùng lá Đại bi chữa mất ngủ, trạng thái tâm thần bị kích thích.
  • Philippines dùng lá Đại bi làm thuốc lợi tiểu chữa các bệnh sỏi thận, phù nề dưới dạng viên nén 250mg bột. Người lớn dùng 1 – 2 viên mỗi lần, cứ 6 giờ uống một lần.
  • Ở Thái Lan, lá thái nhỏ phơi khô cuộn thành điếu thuốc để hút chữa viêm xoang.
  1. Bài thuốc dân gian với Đại bi

4.1. Chữa viêm họng mạn tính, viêm amidan

Mai hoa băng phiến 1g; Phèn chua phi 2,5g; Hoàng bá đốt thành than 2g; Đăng tâm thảo đốt thành than 3g. Tất cả tán thành bột, mỗi lần dùng 3 – 4g thổi vào họng.

4.2. Chữa trúng phong cấm khẩu, hôn mê

Mai hoa băng phiến sát mạnh vào chân răng.

4.3. Chữa ho

Lá đại bi 200g, rễ Cà gai leo 100g, rễ Thủy xương bồ 100g, củ Sả 100g, lá Chanh 50g, Trần bì 50g. Tất cả phơi khô thái nhỏ, nấu với nước 2 lần để được 700ml dung dịch. Lọc rồi thêm 300ml siro để được một lít cao. Ngày uống 40ml chia làm 2 lần.

4.4. Chữa viêm thấp khớp

Đại bi với lá Thầu dầu và Thạch xương bồ, nấu nước đặc, ngâm rửa.

Đại bi được Giáo sư Đỗ Tất Lợi phân vào nhóm các cây thuốc và vị thuốc có công dụng chữa cảm sốt. Qua thử nghiệm cũng đã chứng minh được hiệu quả tác dụng của vị thuốc này. Quý độc giả có thể sử dụng theo dạng bài xông để chữa cảm sốt, hoặc dùng lá giã ra lấy nước uống để chữa các bệnh về tiêu hóa. Trước khi sử dụng, quý độc giả nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn để đạt được hiệu quả tốt nhất.