Logo

Câu chuyện về vị thuốc Thục địa

Lượt xem: 724 Ngày đăng: 24/10/2020

Thục Địa truyền kỳ!!!

Người đời ai cũng biết Thục Địa tốt, sắc thuốc trị bệnh ai cũng muốn cho thêm một chút để có được một bát thuốc sánh đen, ngọt ngào và thơm nức mùi thảo dược. Và… để làm được việc đó, để có được những củ Thục Địa đen bóng, mềm mại và đầy bổ dưỡng này thì đó là cả một quá trình ngàn năm bào chế các bạn ạ!

…Từ xa xưa, cách đây khoảng 3000 năm, Địa Hoàng đã được con người biết tới. Thuở đầu, nó được reo trồng bằng hạt giống. Đến thời Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều thì mới bắt đầu dùng củ rễ để ươm trồng. Trong cuốn (Tề Dân Yếu Thuật) thời Bắc Ngụy có ghi chép rất tường tận về việc này.

Địa hoàng được trồng khắp nơi ở Trung Quốc, tuy nhiên Địa Hoàng vùng Hoài Khánh xưa (nay là vùng Ôn huyện, tỉnh Hà Nam) vẫn là nổi tiếng hơn cả. Địa hoàng nơi đây có chất lượng rất ưu việt, theo thống kê thì cứ 10g Hoài Địa Hoàng thì cho chất lượng tương đương với 30 – 100g Địa Hoàng của những vùng khác. Có lẽ ngoài điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp thì còn phải nói đến kinh nghiệm trồng hái, bào chế gia truyền của những người dân bản địa.

Ở đây, họ thường gọi Địa Hoàng là Địa Tủy (地髓). Do Địa Hoàng hấp thụ tinh tủy của đất, nên đất trồng Địa Hoàng sau một năm đều bạc màu, tới năm thứ 2 không thể trồng tiếp nữa, bắt buộc phải đợi đến 10 năm mới trồng lại được, chính lẽ đó mà Địa Hoàng mới trở nên đáng quý như vậy.

Trong Trung dược học truyền thống, Địa Hoàng vùng Hoài Khánh được tôn là một trong “Tứ Đại Hoài Dược” danh tiếng. Ban đầu, Địa Hoàng vào thuốc là dùng củ tươi. Để tiện bảo quản, Địa Hoàng sau khi thu hái, thường được phơi trong bóng mát hoặc phơi nắng hoặc dùng củi lửa sấy khô dùng dần. Về sau, trải qua quá trình y liệu thực tiễn, cổ nhân phát hiện ra rằng: Địa Hoàng tươi (Tiên Địa Hoàng) và Địa Hoàng khô (Can Địa Hoàng) có dược tính hoàn toàn không giống nhau nên mới bắt đầu chú ý đến cách bào chế. Đến thời Đường, cùng với sự phát triển của Trung dược học và sự tích lũy kinh nghiệm bào chế dược liệu, sau Tiên Địa Hoàng, Sinh Địa Hoàng thì lại phát minh ra phương pháp chưng chế Địa Hoàng. Kể từ đây Thục Địa Hoàng chính thức được ra đời và lưu truyền cho tới tận ngày nay. Sách (Bản Thảo Sùng Nguyên) viết: “Hậu nhân chưng hợp làm hoàn, mới bắt đầu có sự phân biệt Sinh Địa, Thục Địa”. Sách (Bản Thảo Kinh Bách Chủng Lục) viết: “Cổ phương chỉ có Can Địa Hoàng, chưa hề dùng Thục Địa Hoàng. Thục Địa Hoàng được chế từ thời Đường, gia vào các thuốc ôn bổ thận kinh vô cùng đặc hiệu”. Sách (Bản Thảo Cương Mục) cũng viết: “Thục Địa Hoàng do người đời sau chưng sái mà có. Các sách bản thảo đều nói Can Địa Hoàng làm Thục Địa Hoàng, dù chủ chứng như nhau, nhưng công dụng lương huyết, bổ huyết có khác biệt,…”.

Như vậy, Địa Hoàng sau khi thu hái được gọi là Tiên Địa Hoàng; phơi khô hoặc sấy khô gọi là Can Địa Hoàng hoặc Sinh Địa Hoàng; cửu chưng cửu sái gọi là Thục Địa Hoàng. Một củ Địa Hoàng cho ba loại thuốc có hình dạng, màu sắc, tính vị và công dụng hoàn toàn khác nhau.

Tiên Địa Hoàng vị ngọt, đắng, tính hàn, quy kinh tâm, can, thận; công chuyên thanh nhiệt lương huyết, tư âm sinh tân lực mạnh. Sinh Địa Hoàng vị ngọt, tính hàn, lực thuốc yếu hơn Tiên Địa Hoàng. Thục Địa Hoàng vị ngọt, tính ấm, quy kinh can thận, bổ huyết sinh tinh, ích tủy, tư dưỡng can thận vô cùng đặc hiệu.

Nói thêm về giá trị của Thục Địa Hoàng trong thành phương trị bệnh. Kim Quỹ Thận Khí Hoàn có lẽ là phương dược dụng Thục Địa để bổ thận ích tinh kinh điển nhất của kinh điển. Kế đến là Lục Vị Địa Hoàng Hoàn – Bổ chân âm, trừ bách bệnh – một trong những thiên cổ danh phương mà danh y Tiền Ất để lại cho hậu thế. Rồi Tứ Vật Thang bổ huyết điều huyết trứ danh. Sau đến thời Minh là Tả quy, Hữu quy của Cảnh Nhạc. Trương Cảnh Nhạc lại là người có mối lương duyên khó dứt với Thục Địa. Khi trị bệnh thường có thói quen trọng dụng Thục Địa nên người xưa còn gọi ông là Trương Thục Địa.

Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội