Logo

Cẩn trọng với bệnh truyền nhiễm trong bối cảnh Covid-19

Lượt xem: 126 Ngày đăng: 26/06/2021

Bên cạnh Covid-19, sởi, viêm màng não, thủy đậu… là những bệnh nguy hiểm, nhưng số trẻ em và người lớn đi tiêm chủng đang giảm mạnh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch.

Cuối tháng 4/2021, UNICEF đưa ra cảnh báo có hơn một phần ba (37%) quốc gia trên thế giới bị gián đoạn dịch vụ tiêm chủng thường xuyên theo khảo sát từ Tổ chức Y tế Thế giới ở 135 quốc gia và vùng lãnh thổ. 60 chiến dịch tiêm chủng đại trà hiện bị hoãn ở 50 quốc gia do ảnh hưởng của Covid-19. Khoảng 228 triệu người, chủ yếu là trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh như sởi, sốt vàng da và bại liệt.

Theo Bác sĩ Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, Covid-19 lan rộng còn khiến mọi người tập trung chú ý và mong chờ được tiêm vaccine. Trong khi đó, nhiều bệnh từng là đại dịch toàn cầu nay đã có vaccine phòng hiệu quả, an toàn thì lại bị bỏ qua, lãng quên hoặc thậm chí từ chối. Cụ thể, tại Hệ thống tiêm chủng VNVC, số lượng trẻ em và người lớn tiêm chủng trên toàn hệ thống từ đầu năm 2021 giảm gần 50% so với năm 2020.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP HCM chia sẻ thêm, không chỉ trong đợt dịch này, các đợt trước, nhiều người có tâm lý lo lắng lây nhiễm nên chờ đợi dịch bệnh tạm lắng mới tiêm vaccine. Trong khi đó, trẻ 2-3-4 tháng tuổi cần uống Rotavirus, tiêm vaccine phòng phế cầu khuẩn và vaccine kết hợp phòng 5-6 bệnh như ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ do Haemophilus influenzae tuýp B (Hib)… Trẻ lớn cần tiêm nhắc các loại vaccine phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu khuẩn, viêm não Nhật Bản… Không tiêm hoặc trễ lịch khiến không ít trẻ bỏ lỡ “giai đoạn vàng” tăng nguy cơ mắc bệnh nặng, để lại nhiều di chứng về thể chất, trí não, tử vong. Thực tế cho thấy, sau đợt dịch lần trước, số ca thủy đậu, sốt phát ban… gia tăng mạnh, có nhiều ca nặng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, bệnh viêm màng não, tay chân miệng… tăng cao hơn. Trong khoảng 5 tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận gần 240 trường hợp mắc viêm não virus, một ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc tay chân miệng tăng 4 lần, trong đó 4 ca tử vong.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết thêm, hiện nay, mọi người đều hạn chế tiếp xúc nên có vẻ như các bệnh truyền nhiễm tạm lắng. Song khi “bình thường mới” trở lại, bệnh sẽ dễ tấn công những người chưa có miễn dịch. Nếu số lượng tiêm vaccine tiếp tục giảm mạnh, dự báo bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm trong tương lai.

Nhiều chuyên gia cảnh báo Covid-19 có thể kéo dài. Các bệnh nào phòng được thì nên phòng, đừng nên để tình trạng “dịch chồng dịch” rất nguy hiểm, tránh gia tăng thêm gánh nặng cho hệ thống y tế vốn đã căng thẳng vì dịch bệnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên không chỉ trẻ em, người lớn cũng cần tiêm vaccine để tránh lây bệnh cho trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Đặc biệt, người lớn tuổi cần tiêm vaccine cúm hàng năm, bên cạnh vaccine phòng viêm phổi do phế cầu, thủy đậu, ho gà – bạch hầu – uốn ván… Hiện nay, các trung tâm tiêm chủng, bệnh viện vẫn hoạt động và đều có biện pháp phòng chống Covid-19 như xét nghiệm, kiểm tra nhiệt độ, giữ khoảng cách an toàn… Người dân không nên quá lo lắng và trì hoãn.

Khi có những dấu hiệu như nóng, sốt, ho, sổ mũi… không chỉ cần cẩn trọng với Covid-19 mà mọi người cũng nên xem xét xem bản thân đã được bảo vệ trước những căn bệnh truyền nhiễm hay chưa. Tránh tâm lý lo sợ nghi nhiễm Covid-19 mà bỏ qua “giai đoạn vàng” điều trị các bệnh khác.

Trước các luồng thông tin về độ an toàn của vaccine, nhất là vaccine Covid-19, theo bác sĩ Khanh, nhiều loại vaccine cho độ bảo vệ cao, người được tiêm không bị bệnh hoặc nếu mắc không để lại di chứng hay tử vong. Để bảo vệ cho chính mình và những người xung quanh, người dân nên tiêm vaccine Covid-19 càng sớm càng tốt. Quan trọng nhất là không để bệnh tấn công đối tượng nguy cơ, thậm chí phải ưu tiên tiêm cho đối tượng này để giảm tải bệnh nặng.

Nguồn: VNEXPRESS