Logo

Cách điều trị tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ theo khuyến cáo của CDC

Lượt xem: 358 Ngày đăng: 15/12/2020

Tiêu chảy là một vấn đề phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong một số trường hợp nhất định, bệnh tiêu chảy nặng có thể dẫn đến mất nước và kèm theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ. Chính vì vậy, việc điều trị tiêu chảy đúng cách và nhanh chóng cho bé là điều vô cùng cần thiết.

  1. Nhận biết các dấu hiệu mất nước do tiêu chảy ở trẻ

Một trong những bước quan trọng để điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là quan sát các dấu hiệu mất nước để bù nước nhanh chóng cho trẻ. Dưới đây là những dấu hiệu ban đầu của tình trạng mất nước ở trẻ em, bao gồm:

  • Khô môi, lưỡi và miệng
  • Nhịp tim nhanh hơn bình thường
  • Khi khóc không thấy có nước mắt
  • Tã không ướt trong hơn 3 giờ

Ngoài ra, trong quá trình bị mất nước, trẻ có thể có các biểu hiện sau:

  • Buồn ngủ
  • Khó chịu trong người
  • Trũng má, mắt hoặc điểm mềm trên đỉnh đầu

Thậm chí, khi bị mất nước nghiêm trọng, trẻ có thể gặp phải các vấn đề nguy hiểm tới tính mạng như hôn mê, co giật, suy nội tạng, và hiếm gặp hơn là từ vong.

  1. Nhanh chóng bù nước cho trẻ

Tiêu chảy nhẹ chỉ mang lại cảm giác khó chịu cho trẻ, nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu bé vẫn tiếp tục ăn uống như thường lệ. Mẹ vẫn nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Tuy nhiên, đối với tình trạng tiêu chảy kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên có thể cần phải thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn uống, đồng thời điều trị bệnh bằng các giải pháp bù nước qua đường uống.

Dung dịch bù nước cho trẻ hay còn được gọi là dung dịch điện giải. Đây là một chất có thể thay thế cho lượng muối và nước đã bị mất đi khi bé mắc tiêu chảy. Ngoài ra, chúng cũng dễ tiêu hóa hơn so với chế độ ăn uống thông thường của trẻ. Hầu hết các loại dung dịch bù nước có dạng kem hoặc lỏng, kèm theo các hương vị riêng biệt.

Khi trẻ mới bị tiêu chảy, bạn nên cố gắng khuyến khích trẻ ăn uống như bình thường và uống càng nhiều dung dịch bù nước càng tốt. Tuy nhiên, nếu trẻ có dấu hiệu nôn mửa, bạn cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức, vì điều này sẽ làm tăng tốc độ mất nước của cơ thể trẻ.

Bên cạnh đó, bạn cũng không nên áp dụng theo các phương pháp điều trị tiêu chảy cho trẻ tại nhà, chẳng hạn như cho bé uống nước gạo hoặc sữa đun sôi. Hơn nữa, bạn cũng tuyệt đối không cho trẻ uống các loại nước uống có ga khi bé đang bị tiêu chảy. Thực tế, những đồ uống này thường được cho thêm nhiều đường và được sử dụng chủ yếu cho các vận động viên thực hiện các hoạt động thể chất mất nhiều sức lực. Do đó, chúng không phải là một loại chất lỏng thích hợp để bù nước cho trẻ.

Ngoài ra, những thực phẩm hoặc chất lỏng chứa nhiều đường, ví dụ như bánh quy, bánh ngọt, nước trái cây hoặc nước ngọt, có thể góp phần dẫn đến những triệu chứng của tiêu chảy bằng cách kéo theo một lượng lớn chất lỏng vào ruột.

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho biết, ưu điểm nổi bật của các dung dịch bù nước đường uống là chúng chỉ chứa một lượng đường vừa đủ, cho phép cơ thể hấp thụ kali, natri và nước mà không khiến bé bị tiêu chảy nhiều hơn.

Trong trường hợp bé có các dấu hiệu xấu đi, hoặc có nguy cơ mất nước nghiêm trọng, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa để được xử lý kịp thời.

  1. Sử dụng đúng cách thuốc chống tiêu chảy OTC cho trẻ nhỏ

Các chuyên gia khuyến cáo rằng, không nên sử dụng thuốc chống tiêu chảy không kê đơn (OTC) cho trẻ nhỏ bị tiêu chảy, trừ khi được bác sĩ cho phép. Một số sản phẩm giúp làm giảm tình trạng tiêu chảy, chẳng hạn như Kaopectate và Pepto-Bismol có chứa magie, bismuth và nhôm, có thể gây hại tới trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi do tốc độ tích tụ của chúng trong cơ thể diễn ra rất nhanh chóng.

Mặc dù những sản phẩm trên có thể được sử dụng đối với trẻ lớn hơn, tuy nhiên bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc đọc kỹ nhãn dán hướng dẫn. Đối với Pepto-Bismol, bao bì sản phẩm thường khuyến cáo bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dưới 12 tuổi sử dụng. Trong khi đó, bao bì sản phẩm Kaopectate lại khuyến cáo bạn nên hỏi bác sĩ trước khi cho trẻ dưới 6 tuổi sử dụng.

  1. Nên cho bé đến gặp bác sĩ khi nào?

Bạn nên lập tức đưa trẻ tới gặp bác sĩ nếu bé có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Có các dấu hiệu của mất nước
  • Sốt trên 39 độ
  • Tiêu chảy trên 24 giờ
  • Phân có lẫn mủ hoặc máu
  • Phân có màu đen hoặc hắc ín

Tình trạng phân lẫn máu ở trẻ có thể xảy ra do vùng hậu môn trực tràng bị kích ứng, khiến chảy máu da. Nó thường xuất hiện với tình trạng máu đỏ tươi đọng lại trên đầu phân. Để giảm bớt triệu chứng này, bác sĩ nhi khoa có thể cho bé sử dụng một loại kem nhất định.

  1. Xác định nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ

Tiêu chảy cấp tính ở trẻ thường gây ra do các loại vi rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Tình trạng này thường diễn ra nhanh chóng trong một thời gian ngắn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Rotavirus là một loại vi rút gây viêm ruột và viêm dạ dày. Đây cũng chính là tác nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tiêu chảy cấp tính ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên hiện nay, FDA đã chấp thuận việc sử dụng hai loại vắc-xin rotavirus để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng này. Đây là một loại thuốc chủng ngừa dưới dạng lỏng, được khuyến cáo tiêm phòng từ 2 – 3 liều cho trẻ sơ sinh ở độ tuổi từ 6 – 32 tuần, trong đó liều lượng tiêm vắc-xin sẽ phụ thuộc vào loại vắc-xin được sử dụng.

Cũng giống như bất kỳ loại thuốc chữa bệnh nào khác, vắc-xin cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc các vấn đề về sức khỏe đáng lo ngại khác. Một số nghiên cứu đã cho thấy, một số trẻ sơ sinh sau khi tiêm chủng vắc-xin rotavirus đã gặp phải một tình trạng tắc ruột hiếm gặp, được gọi là lồng ruột. Tuy nhiên, những nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe đến từ vắc-xin là không đáng kể, trong khi đó ích lợi mà chúng mang lại trong việc ngừa bệnh lại cao hơn rất nhiều. Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã cho biết, việc tiêm vắc-xin ngừa rotavirus đã giúp làm giảm tới 85% số trẻ sơ sinh phải được chăm sóc khẩn cấp hoặc nhập viện vì bệnh do loại vi rút này gây ra.

Đối với tình trạng tiêu chảy mãn tính (tái phát hoặc xảy ra liên tục), hoặc tiêu chảy kéo dài trên một tuần ở trẻ có thể liên quan đến một số vấn đề khác. Khi đó, bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ nhi khoa càng sớm càng tốt để nhanh chóng tìm ra biện pháp khắc phục phù hợp.

Tóm lại, trẻ trong giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, bệnh lý về da và nhiễm trùng đường tiêu hóa…cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ

Nguồn: Trang thông tin điện tử Bệnh viện Vinmec từ FDA