Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: 10 bài học kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam
Lượt xem: 430 Ngày đăng: 18/03/2021
GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ 10 bài học kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta tại cuộc họp trực tuyến sáng 17/3/2021 của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng chống dịch COVID-19
Nhiều biện pháp đồng bộ chống dịch
Phân tích về công tác chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, trong giai đoạn 1, Chính phủ đã áp dụng các biện pháp chống dịch cao hơn, sớm hơn so với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong giai đoạn này, Việt Nam áp dụng các biện pháp ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập, cách ly tập trung, khoanh vùng, dập dịch được WHO và nhiều nước công nhận là biện pháp đúng đắn, hiệu quả.
Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên áp dụng biện pháp bắt buộc khai báo y tế đối với việc nhập cảnh. Yêu cầu tổ chức cách ly tập trung đối với các trường hợp đi/về từ vùng có dịch, sau đó áp dụng cách ly tập trung đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh. Đặc biệt, ngay từ đầu Chính phủ đã huy động lực lượng quân đội thực hiện nhiệm vụ cách kiểm soát nhập cảnh trên các tuyến biên giới và tổ chức cách ly tập trung.
Các lực lượng nghiên cứu của ngành y tế và khoa học công nghệ cũng nhanh chóng vào cuộc và sớm thành công trong việc nghiên cứu, phân lập virus, chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm (test kit) và xây dựng phác đồ điều trị.
Chúng ta đã tích cực thúc đẩy thiết lập trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép, duy trì liên tục các hoạt động kinh tế, hỗ trợ thiết thực cho người lao động mất việc làm bị giảm sâu thu nhập và hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Ngay cả khi thực hiện giãn cách xã hội vẫn triển khai các biện pháp đảm bảo sản xuất kinh doanh, xuất nhập cảnh.
Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Chúng ta đã cứu sống nhiều bệnh nhân nặng. Các trường hợp tử vong trong đợt dịch tại Đà Nẵng đều là bệnh nhân cao tuổi, có các bệnh lý nền nhiều năm.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, trong giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của dịch xảy ra tại Đà Nẵng và Hải Dương, Bộ Y tế đã thiết lập Sở Chỉ huy tiền phương chống dịch tại Đà Nẵng, cử đoàn công tác của Bộ tới Hải Dương; đồng thời huy động chuyên gia giỏi đầu ngành và hơn 2000 cán bộ y tế của các cơ sở y tế trung ương và địa phương hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam, các nhiều tỉnh khu vực miền Trung, Hải Dương chống dịch.
“Bài học huy động sức dân thông quan các tổ COVID-19 cộng đồng của Đà Nẵng để theo dõi, giám sát phòng chống dịch tại cộng đồng đã rất thành công. Kinh nghiệm này cũng đã được áp dụng tại Hải Dương hiệu quả”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Trong đợt dịch lần thứ 3 xảy ra tại Hải Dương, với sự xuất hiện của chủng mới virus biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh để phù hợp với tình hình thực tế chống dịch, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả chiến lược về truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, phong toả hẹp để hạn chế tối đa tác động đến đời sống an sinh xã hội của người dân.
“Tình hình dịch bệnh hiện nay đã được kiểm soát tốt lại Hải Dương. Trong vòng 10 ngày gần đây, chỉ có 4/12 huyện, thành phố ghi nhận rải rác ca bệnh. Đây là những trường hợp đã được cách ly từ trước…”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
Những bài học từ thực tiễn
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế có 10 bài học kinh nghiệm trong phòng chống dịch ở nước ta đó là:
Thứ nhất, đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19.
Thứ hai, huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương đã phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Nhiều đồng chí Bí thư các địa phương đã trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác phòng chống dịch.
Áp dụng triệt để phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), chú trọng vai trò chủ động của chính quyền các địa phương.
Quan điểm “chống dịch như chống giặc” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai thực hiện nghiêm.
Thứ ba, huy động sức mạnh của toàn dân, mọi tầng lớp nhân dân đều có sự đồng lòng nhất trí, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đứng ra kêu gọi, huy động nguồn lực trong xã hội cho công tác phòng chống dịch, từng người dân và các tập đoàn doanh nghiệp mặc dù khó khăn trong đại dịch nhưng vẫn chung tay chống dịch.
Ví dụ như trong bối cảnh đại dịch, khi ngành y tế gặp khó khăn về thiếu máy thở, Tập đoàn Vingroup đã sản xuất máy thở để chúng ta có phương tiện phục vụ điều trị.
Thứ tư, huy động toàn bộ hệ thống y tế vào cuộc chuẩn bị cho cuộc chiến cam go và thách thức, chủ động trong giám sát, xét nghiệm, hiệu quả trong điều trị, các chiến sĩ áo trắng sẵn sàng đi vào tâm dịch phục vụ công tác điều trị ở mặt trận Đà Nẵng, Hải Dương và nhiều địa phương khác.
“Thủ tướng Chính phủ đã động viên rất kịp thời các chiến sĩ áo trắng, đây thực sự là cuộc chiến đầy khó khăn, thách thức, cán bộ y tế các cấp đều sẵng sàng đi vào tâm dịch. Mỗi lần “vào trận” như vậy kéo dài khoảng 1,5 tháng xa nhà, thậm chí có những cán bộ y tế tham gia công tác điều trị, những chiến sĩ biên phòng đã 6 tháng chưa về với gia đình”- Bộ trưởng chia sẻ.
Thứ năm, chúng ta đã sớm huy động lực lượng quân đội, biên phòng, công an chủ động và tham gia vào công tác phòng, chống dịch ngay từ đầu. Quân đội được giao nhiệm vụ phụ trách tổ chức cách ly tập trung chống dịch ngay từ những ngày đầu tiên. Đây chính là đặc trưng trong công tác chống dịch của nước ta.
Đối với lực lượng công an, các đồng chí đã giám sát cách ly và “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để rà soát tránh bỏ sót trường hợp liên quan đến ca bệnh, thực hiện truy vết.
Thứ sáu, lực lượng và mặt trận ngoại giao đã tích cực chủ động và đưa vị thế của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch lên cao trên trường quốc tế. Trong giai đoạn phòng chống dịch, nhưng Việt Nam vẫn chủ trì nhiều sự kiện quốc tế quan trọng.
Cũng trên lĩnh vực ngoại giao, ngay từ đầu chúng ta đã tích cực hỗ trợ các nước về trang thiết bị phòng hộ, khẩu trang…. Chuyến hỗ trợ hàng đầu tiên là đến Vũ Hán.
Đồng thời Việt Nam cũng chủ động tích cực hỗ trợ đưa công dân nước ngoài ở Việt Nam về nước, giải cứu công dân nước ta ở nước ngoài về nước, phát huy truyền thống tốt đẹp đùm bọc thương yêu nhau của dân tộc, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Thứ bảy, bài học minh bạch về thông tin truyền thông trong công tác phòng chống dịch. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các lực lượng truyền thông tham gia chống dịch trên mặt trận tuyên truyền, tạo dòng chảy thông tin chính thống, minh bạch về phòng chống dịch.
“Chúng tôi rất cảm ơn lực lượng truyền thông đã rất sáng tạo trong công tác phòng chống dịch, có cả những bài hát, câu vè… Chúng ta có 98 triệu dân nhưng các nền tảng xã hội đã gửi 20 tỷ tin nhắn cảnh báo đến người dân về các biện pháp phòng chống dịch”- GS.TS Nguyễn Thanh Long bày tỏ.
Thứ tám, đó là sự phối hợp nhịp nhàng có trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác phòng chống dịch dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Thứ chín, đó là bài học về đảm bảo an sinh xã hội. Ngay từ những thời điểm khó khăn, Việt Nam vẫn đưa ra những gói an sinh xã hội và có thể nói rằng việc này đã tác động sâu sắc đến an sinh xã hội.
Bài học cuối cùng, theo Bộ trưởng Bộ Y tế là sự chủ động trong chuỗi cung ứng, chủ động về khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch với sự tham gia của tất cả các lực lượng, các địa phương./.
Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống