Logo

Bệnh thường gặp người cao tuổi mùa nắng nóng

Lượt xem: 10 Ngày đăng: 01/05/2024

Do biến đổi khí hậu, thời tiết mùa hè những năm gần đây trở nên cực đoan, xuất hiện những đợt nắng nóng gay gắt, đột ngột và kéo dài. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhất là nhóm người cao tuổi và trẻ nhỏ.

Căng thẳng nhiệt

Căng thẳng do nhiệt hay sốc nhiệt (Heat-stress) là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với nhóm người cao niên. Cần theo dõi các triệu chứng như lú lẫn hoặc thay đổi trạng thái tinh thần khi ra ngoài vào những ngày hè nắng nóng.  Ví dụ, đang đi từ ngoài nắng về nếu tắm ngay hoặc đột ngột đang từ phòng điều hòa hay ô tô kín bước ra ngoài khi trời nắng gắt… Lý do, chênh lệch nhiệt độ giữa cơ thể và môi trường khiến con người khó thích nghi. Nhẹ có thể gây hoa mắt, chóng mặt tạm thời hoặc gây viêm đường hô hấp trên, như viêm họng, viêm mũi. Nếu nặng có thể bị viêm phế quản, viêm phổi và các bệnh lý đường hô hấp khác và làm cho các bệnh lý hiện có trở nên nặng hơn.

Căng thẳng nhiệt có thể hiểu đơn giản khi cơ thể không thể thoát nhiệt dư thừa. Nếu điều này xảy ra, nhiệt độ lõi và nhịp tim cơ thể tăng lên. Khi cơ thể tiếp tục tích trữ nhiệt, người đó bắt đầu mất tập trung và khó tập trung, cáu kỉnh hoặc suy yếu và thường mất cảm giác muốn uống. Giai đoạn tiếp theo thường là ngất, thậm chí tử vong nếu không được hạ nhiệt, bệnh thường gặp ở nhóm người cao niên, có sẵn bệnh, sức đề kháng cơ thể kém.

Bệnh đường hô hấp

Đối với người già, bệnh đường hô hấp gia tăng khi trời nắng nóng do chế độ sinh hoạt hàng ngày không hợp lý. Nhẹ có thể bị sổ mũi, đau đầu, ớn lạnh, viêm đường hô hấp trên, còn nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi. Một số bệnh như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen suyễn, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) khi thời tiết chuyển mùa nóng lạnh đột ngột cũng có thể xuất hiện, nhất là bệnh hen ác tính.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân là do nắng nóng làm cơ thể bị mất nước khiến niêm mạc mũi, họng bị khô. Việc sử dụng quạt và máy lạnh liên tục cũng làm cho vùng này khô thêm, dễ trầy xước nên vi khuẩn, virus có thể xâm nhập sâu vào gây bệnh.

Bệnh tăng huyết áp

20190330 100411 703306 tang huyet ap la gi max 1800x1800

Bệnh tăng huyết áp cũng là bệnh lý đáng thường gặp ở nhóm người cao niên, nhất là khi thời tiết thay đổi,  nóng lạnh đột ngột. Ví dụ như tắm nước lạnh, nằm máy lạnh nhiệt độ thấp quá hoặc đang nóng đi vào phòng máy lạnh, tắm nước lạnh ngay, hoặc uống bia lạnh, nước đá, đi nắng về tắm ngay v.v. Dấu hiệu tăng huyết áp đột ngột ở người già thường thấy là hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhức đầu, loạn nhịp tim, nếu nặng có thể xuất huyết não, đột quỵ. Theo khuyến cáo, người có sẵn bệnh tăng huyết áp không được tắm nước lạnh đột ngột khi vừa đi ngoài nắng về, nằm phòng điều hòa quá lạnh, có thể gây ra các biến chứng nan y nguy hiểm.

Theo các nghiên cứu về bệnh tim mạch ở người cao niên, huyết áp của người 70 tuổi thường dao động khoảng 121/83 mmHg – 147/91mmHg.  Để đo huyết áp được chính xác nhất thì nên để bệnh nhân nằm, thả lỏng người, nên nghỉ ngơi trước đó khoảng 5 – 10 phút rồi mới tiến hành đo. Thời gian đo huyết áp cho người già khoảng 10 phút, nên đo ở cả 2 tay.

Rối loạn tiêu hóa  

Mùa hè thời tiết nóng ẩm, thực phẩm dễ bị ôi thiu, biến chất khiến chứng rối loạn tiêu hóa gia tăng. Khi người cao tuổi bị rối loạn tiêu hóa thường đi ngài phân lỏng, nhiều lần dễ dẫn đến mất nước và chất điện giải. Ngược lại, chứng táo bón cũng thường gặp và gây khó chịu do ít ăn rau, uống nước không đủ. Nếu bị tiêu chảy cấp mà không được bù nước, điện giải kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.

Nguyên tắc chung phòng bệnh mùa nắng nóng cho người cao tuổi

Để phòng bệnh mùa nắng nóng, giới chuyên gia khuyến cáo, người già cần phải uống đủ nước, từ 1,5 lít nước/ngày trở lên, yếu đều thời gian trong ngày, không nên chờ khi khát mới uống. Rất đa dạng như nước tinh khiết, hoa quả, nước rau luộc trong bữa ăn… Tránh xa đồ uống có gas, có cồn. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống của người cao tuổi cần  đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, các loại rau tươi, trái cây để tăng sức đề kháng.

Người già cần tránh ra ngoài trời nắng trong giờ “cao điểm” từ 10h đến 16h. Nếu nằm phòng điều hòa nên duy trì nhiệt độ từ 25 đến 27oC. . Mức nhiệt độ dùng không chênh lệch quá 7 độ C so với nhiệt độ ngoài trời. Trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể từ từ thích nghi. Với những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Về dùng thuốc, người cao tuổi cần được khám, điều trị theo phác đồ bác sĩ, không nên tự ý sử dụng thuốc. Không ăn đồ quá nóng, quá lạnh, khó tiêu, tránh dùng thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh, tránh thức ăn tái sống, như tiết canh, nem chạo, rau sống cần rửa sạch… Về trang phục nên mặc quần áo thoáng mát, và khi ra ngoài trời nắng cần mang quần áo, mũ, khẩu trang… che nắng bảo vệ cơ thể hợp lý và đầy đủ.

Nên duy trì cuộc sống vận động, tránh xa cuộc sống tĩnh tại, nằm nhiều, ngồi nhiều. Áp dụng các bài tập thể dục dành cho người cao tuổi vào sáng sớm, chiều muộn hoặc đi bộ tùy theo tình trạng sức khỏe bản thân. Tránh luyện tập vào thời điểm trời còn nắng nóng. Nên duy trì cuộc sống “vì mình, yêu bản thân”, không nên suy nghĩ nhiều quá ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.

Trường Cao Đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội