BS. Bùi Văn Thường – Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai trả lời:
Bệnh nhân tăng huyết áp cũng như các bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch mạn tính khác có nguy cơ xuất hiện các biến chứng nặng thậm chí tử vong cao hơn khi mắc Covid 19, vì vậy đây là nhóm đối tượng cần được ưu tiên tiêm chủng sớm để ngăn ngừa xuất hiện các biến cố nặng đó.
Cần lưu ý: Trong thời gian tiêm chủng ( trước và sau tiêm) vẫn tiếp tục duy trì thuốc huyết áp, không được dừng thuốc.
Tiêm vắc xin có gây tăng huyết áp không? Không có cơ chế liên quan giữa việc tiêm vắc xin và tăng huyết áp, tuy nhiên một số nghiên cứu quan sát cho thấy có một tỉ lệ xuất hiện tăng huyết áp ngay sau tiêm, điều này được giải thích là do liên quan tới yếu tố tâm lý lo lắng khi tiêm chứ không liên quan trực tiếp đến vắc xin.
Huyết áp bao nhiêu thì có thể tiêm được? Hiện tại không có khuyến cáo huyết áp là bao nhiêu thì có thể tiêm vắc xin Covid 19. Không có chống chỉ định tiêm chủng cho bệnh nhân tăng huyết áp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nhất khi tiêm chủng, trước khi tiêm, huyết áp nên ở mức giới hạn bình thường (90-140mmHg với huyết áp tâm thu và 60-90mmHg với huyết áp tâm trương).
Khi huyết áp quá cao (kể cả tiêm hay không tiêm vắc xin) cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến cố tim mạch/ đột quỵ. Ngoài ra, huyết áp cao gây khó khăn cho việc theo dõi, đánh giá một số phản ứng sau tiêm, đặc biệt là các trường hợp phản vệ sau tiêm vắc xin. Các trường hợp dù đã tối ưu điều trị tăng huyết áp nhưng huyết áp vẫn cao thì cần được tiêm ở các cơ sở y tế có khả năng theo dõi, xử trí hồi sức tốt.
Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai