Đại cương
Bệnh viêm mũi dị ứng là một bệnh khá phổ biến ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo những thông báo về dịch tế học tỉ lệ mắc các bệnh dị ứng đường hô hấp chiếm từ 10-15% dân số Thế giới. Việt Nam viêm mũi dị ứng chiếm khoảng 32 % trong các bệnh lý về tai mũi họng.
Ngày nay khí hậu ngày càng khắc nghiệt, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do vậy tỉ lệ mắc bệnh dị ứng cũng tăng theo.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh
Viêm mũi dị ứng là một bệnh miễn dịch. Do các dị nguyên ngoại lai gây ra và con đường xâm nhập chủ yếu là niêm mạc mũi
Những vấn đề miễn dịch ở mũi
Ở nguời bình thường trong mũi họng lúc nào cũng có các vi khuẩn cộng sinh và một số vi khuẩn gây bệnh thông thường như: phế cầu, liên cầu, Hemophilus influenze… Sở dĩ ta không mắc bệnh là nhờ hệ thống miễn dịch rất hiệu lực gồm: các loại miễn dịch tại chỗ và toàn thân đặc hiệu và không đặc hiệu dịch thể và tế bào phối hợp với nhau rất chặt chẽ.
Vai trò đề kháng vòng ngoài của lớp biểu mô.
Lớp biểu mô thực sự là hàng rào bảo vệ niêm mạc mũi chống lại sự xâm nhập của các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài vào như: vi khuẩn, vi rút, dị nguyên…nhờ hoạt động thanh thải của hệ nhầy lông chuyển, các yếu tố này không tiếp xúc lâu được với niêm mạc và bị đẩy trôi xuống họng.
Về mặt sinh hóa nhầy mũi chứa những chất đặc biệt như các men, có khả năng là tan vỏ bọc của một số vi khuẩn, những chất kìm hãm men tiêu đạm do vi khuẩn tiết ra bảo vệ các IgA tiết (IgA-s) khỏi bị phá hủy. Ngoài ra vai trò của IgA-s (IgA-secretion) cùng các thành phần khác góp phần kìm chế tiêu diệt các vi sinh vật làm tăng hiệu lực thanh thải của niêm mạc mũi.
Vai trò của lớp hạ niêm mạc.
Lớp hạ niêm mạc là tuyến phòng thủ thứ hai. Có nhiều cơ chế hoạt động khác nhau (sinh hóa, miễn dịch…) kết hợp chặt chẽ với miễn dịch đặc hiệu tại chỗ. Bạch cầu đa nhân và đại thực bào hoạt động mạnh lên nhờ các bổ thể và Opsonin. Lúc thường vai trò của miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào tại chỗ đảm nhận nhưng khi niêm mạc mũi bị viêm vai trò chủ yếu lại là các globulin miễn dịch huyết thanh thoát qua thành mạch tới bảo vệ.
Nguyên nhân
Do tiếp xúc với dị nguyên.
Dị nguyên đường thở bụi nhà, lông súc vật, phấn hoa…
Dị ứng nguyên thực phẩm: trứng, sữa, các loại hải sản (tôm, cua, sứa….).
Dị nguyên là các loại thuốc: kháng sinh các loại.
Cơ địa dị ứng (Atopic).
Gặp những bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen phế quản và chàm sơ sinh có đặc tính gia đình và sự di truyền.
Sự quá mẫn: của từng cơ thể cũng có vai trò cơ bản, trước cùng một dị nguyên có xảy ra hiện tượng dị ứng hay không và phản ứng mạnh hay nhẹ.
Chẩn đoán viêm mũi dị ứng
Có nhiều phương pháp chẩn đoán nhưng chủ yếu là các phương pháp sau:
Khai thác tiền sử dị ứng
Đây là phương pháp rất quan trọng dễ tiến hành và là phương pháp đầu tiên trong chẩn đoán dị ứng giúp định hướng đến một loại hoặc một nhóm dị nguyên là nguyên nhân gây bệnh.
Mục đích của khai thác tiền sử dị ứng nhằm:
Sơ bộ xác định dị nguyên gây bệnh có thể khai thác tiền sử dị ứng theo các mẫu phiếu in sẵn.
Tiền sử gia đình: cha mẹ, anh chị em, con, họ hàng mắc các bệnh dị ứng.
Tiền sử bản thân: mắc các bệnh như mề đay, hen phế quản dị ứng, eczema dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, phù mặt khi tiếp xúc hóa chất, sơn.
Khám lâm sàng
Phải hỏi kỹ bị bệnh từ khi nào các điều kiên thuận lợi như cảm, cúm, thay đổi thời tiết, điều kiện sinh hoạt ăn ở.
Các triệu chứng cơ năng: hắt hơi thành tràng kéo dài, chảy nước mũi trong, ngạt mũi xảy ra khi nào (điều kiện xuất hiện rải rác hay liên tục). Trong tam chứng trên thì triệu chứng nào gây cho bệnh nhân khó chịu nhất (là triệu chứng chính).
Triệu chứng thực thể:
Tình trạng niêm mạc: mầu sắc nhợt, phù nề.
Tình trạng cuốn mũi: có thể là thoái hóa, quá phát. Khả năng co hồi khi đặt thuốc co mạch, dịch mũi lúc đầu trong trong sau đục dần.
Có thể có polyp hay cuốn mũi giữa thoái hóa như dạng polyp.
Xét nghiệm
Xét nghiệm tế bào dịch mũi tìm bạch cầu Eosinophil (Eo).
Kết qủa được coi là dương tính khi tỉ lệ bạch cầu Eo >1%.
Xét nghiệm phát hiện kháng thể dị ứng IgE: với dị nguyên bụi nhà trong huyết thanh bệnh nhân bằng phản ứng phân hủy Mastocyte theo phương pháp Ishimova-LM.
Định lượng trực tiếp kháng thể IgE: toàn phần huyết thanh bằng kỹ thuật miễn dịch đánh dấu ELISA (Enzyme Linked Immuno Sorbent Assay).
Nồng độ IgE toàn phần tính theo đơn vị UI hoặc ng/ml
Âm tính(-) < 10 UI
Nghi ngờ(±): 10-100 UI
Dơng tính(+) > 100 UI
(1UI = 2,4ng/ml IgE)
Bạch cầu Eo máu ngoại vi:
Đếm công thức bạch cầu máu ngoại vi.
Kết quả được coi là tăng khi tỉ lệ Bạch cầu Eo >3,5 %.
Các test da: là phương pháp phát hiện sự mẫn cảm của cơ thể bằng cách đa dị nguyên qua da và sau đó đánh giá kích thước và đặc điểm của sần phù và phản ứng viêm tại chỗ. Dị nguyên cho kết quả dương tính trong test da có thể coi là nguyên nhân gây bệnh khi kết hợp với khai thác tiền sử dị ứng có kết quả phù hợp. Nếu không có kết qủa phù hợp này và kết quả test da còn nghi ngờ thì phải tiến hành test kích thích.
Test kích thích: là khả năng chẩn đoán sinh học các phản ứng dị ứng cơ sở của nó là tái tạo lại phản ứng này bằng cách đưa dị nguyên nghi ngờ vào cơ thể nhằm tạo lại bệnh cảnh lâm sàng như thật nếu phản ứng dương tính xảy ra.
Các thể viêm mũi dị ứng
Viêm mũi theo mùa
Thường gặp ở người trẻ, trẻ em lớn, hiếm gặp ở người già, có yếu tố gia đình, di truyền rõ.
Dị nguyên thường là phấn hoa với điển hình là viêm mũi dị ứng mùa xuân với dị nguyên hoa cỏ.
Các triệu chứng điển hình: hắt hơi, chảy nước mũi trong, ngạt tắc mũi chỉ xảy ra 7-15 ngày, thường kèm theo chảy nước mắt, viêm kết mạc, dị ứng đường hô hấp dưới gây khó thở, hen phế quản nhưng không gặp mẩn, ngứa ngoài da.
Viêm mũi quanh năm
Các cơn tái phát thường xuyên, quanh năm, cũng thường có yếu tố gia đình
Dị nguyên rất đa dạng: thường gặp bụi nhà, nấm mốc…nhiều khi không xác định được.
Các triệu chứng không điển hình như viêm mũi theo mùa, ngạt tắc mũi là triệu chứng thường gặp và gây khó chịu nhất, đôi khi gặp chảy nước mũi ra sau, xuống vòm.
Viêm mũi nghề nghiệp
Khi xảy ra với dị nguyên đặc biệt trong môi trường lao động sản xuất.
Thường được kể đến như một bệnh nghề nghiệp. Triệu chứng điển hình: hắt hơi, chảy nước mũi thường gặp, ở một số người có sốt nhẹ, ho, tức ngực hay cơn hen suyễn.
Tiến triển
Các cơn dị ứng thường kéo dài vài ngày, sau đó tự qua đi dù không điều trị gì. Cơn sẽ tái phát luôn theo thời gian, theo tuổi tác, theo tiếp xúc.
Có trường hợp chỉ khu trú ở mũi, nhiều trường hợp xảy ra đồng thời ở các xoang, tiến triển lâu ngày sẽ gây nên polyp mũi hay xoang.
Trong điều kiện nhiễm khuẩn, cơ địa suy yếu dị ứng mũi dễ trở thành viêm mũi xoang nhiễm khuẩn.
Điều trị viêm mũi dị ứng
Muốn điều trị viêm mũi dị ứng trước hết phải thanh toàn dị nguyên gây bệnh khỏi môi trường sống của bệnh nhân (nhưng rất khó), vì vậy ta phải thanh toán từng phần hoặc làm thay đổi sự đáp ứng miễn dịch của bệnh nhân thông qua biện pháp miễn dịch, biện pháp này gọi là giải mẫn cảm. Các đề án điều trị viêm mũi dị ứng mà các thầy thuốc được sắp xếp theo thứ bậc. Nếu điều kiện cụ thể cho phép thì ưu tiên cho liệu pháp nguyên nhân trước liệu pháp triệu chứng theo thứ tự sau:
Điều trị nguyên nhân (thanh toán dị nguyên).
Điều trị liệu pháp giải mẫn cảm.
Liệu pháp corticoid.
Dùng thuốc kháng histamin.
Kháng sinh.
Phẫu thuật giải quyết các dị hình hốc mũi.
Thanh toán dị nguyên
Có nghĩa là tách hoàn toàn các dị nguyên được chẩn đoán là gây bệnh khỏi môi trường của bệnh nhân hoặc bệnh nhân tránh những nơi có dị nguyên gây bệnh nếu đạt được điều này thì đó là hình thức điều trị tốt nhất.
Thanh toán dị nguyên từng phần: khó có thể tiến hành phương pháp thanh toán dị nguyên từng phần đối với các dị nguyên có trong nhà như: bụi nhà, nấm… tuy nhiên việc giảm số lượng dị nguyên cũng cải thiện được kết quả điều trị.
Giải mẫn cảm đặc hiệu
Đây là liệu pháp miễn dịch, giải mẫn cảm hệ miễn dịch của bệnh nhân phải đối đầu với các dị nguyên gây bệnh đã được xác định.
Điều trị triệu chứng
Là liệu pháp điều trị bằng thuốc. Chỉ dùng khi các biện pháp điều trị theo nguyên nhân kể trên không đỡ hoặc không thể tiến hành điều trị theo nguyên nhân được ta dùng các thuốc kháng Histamin, là những thuốc ức chế việc giải phóng hoặc tổng hợp các chất hóa học trung gian gây phản ứng dị ứng.
Ở mức độ nặng có thể dùng corticoid ngoài ra trong dân gian họ cũng dùng cây thuốc như: kim ngân hoa, ké đầu ngựa, cây cỏ hôi trong điều trị viêm mũi dị ứng.