Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19. Đây là đề nghị của Bộ Y tế trong công văn hỏa tốc chiều 16/7 gửi các đơn vị y tế trực thuộc bộ và các tỉnh thành.
Bộ Y tế yêu cầu lập kế hoạch chi tiết để triển khai tiêm chủng với nhiều loại vaccine khác nhau, trong đó nhấn mạnh ưu tiên tiêm chủng sớm cho các đối tượng được huy động tham gia hỗ trợ phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.
Sau hơn 4 tháng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, đến nay, cả nước đã tiêm được hơn 4,1 triệu liều trong đó có gần 300.000 người đã tiêm đủ 2 liều.
Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về các vấn đề xung quanh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đang được nhiều người quan tâm.
Bà Dương Thị Hồng cho biết, hiện nay, Việt Nam đang được cung ứng 4 loại vaccine phòng COVID-19 của Astra Zeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm. Với mỗi loại vaccine, Bộ Y tế và Chương trình tiêm chủng quốc gia đã có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về yêu cầu bảo quản, vận chuyển và thực hành tiêm chủng từng loại vaccine.
Ngày 13/7, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến với khoảng 700 điểm cầu, đến tận huyện, xã cho cán bộ y tế tham gia tiêm chủng cập nhật các thông tin về sử dụng loại vaccine phòng COVID-19 mới. Công tác tập huấn được thực hiện thường xuyên, liên tục tại tất cả các tuyến, nhằm đảm bảo tiêm chủng an toàn nhất.
Tại các điểm tiêm chủng, các cán bộ y tế sẽ chỉ định cho người dân tiêm vaccine nào sẽ tùy thuộc vào loại vaccine sẵn có và tiền sử tiêm chủng loại vaccine COVID-19 đã tiêm trước đó của mỗi người.
Bộ Y tế khuyến cáo, không có vaccine nào là tuyệt đối an toàn, không vaccine nào hiệu quả bảo vệ 100%, vì vậy, mọi người dân cần tích cực đi tiêm chủng vaccine COVID-19 để bảo vệ sức khỏe cho mình và góp phần bảo vệ cộng đồng. Do đó, mọi người đừng trì hoãn tiêm chủng mà bỏ lỡ có hội phòng bệnh COVID-19.
Hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chính thức tiêm cho người trên 65 tuổi. Tới đây, chiến dịch tiêm chủng cũng sẽ triển khai tiêm cho đối tượng này. Tuy nhiên, đây là những người đa số có nhiều bệnh nền, vì vậy, cần phải thận trọng khi tiêm chủng, có chỉ định của bác sĩ và phải được thực hiện tại cơ sở y tế có năng lực, điều kiện xử trí tốt.
WHO cũng vừa có khuyến cáo tiêm vaccine COVID-19 cho đối tượng là trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Đa số các quốc gia đều rất mong muốn tiêm cho đối tượng này, nhưng hiện nay, nguồn cung vẫn khó khăn.
Tại cuộc làm việc trực tuyến với ông John Paul Pullicino, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Pfizer Việt Nam ngày 14/7, Bộ Y tế đã thỏa thuận, đàm phán ban đầu với Pfizer về việc cung ứng, bổ sung cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm chủng cho trẻ từ 12-18 tuổi.
Phía Pfizer cam kết bảo đảm cung ứng 20 triệu liều vaccine này trong quý IV/2021 để Việt Nam kịp thời triển khai tiêm chủng. Hiện, Việt Nam có khoảng 9 triệu trẻ em trong độ tuổi này.
Theo bà Hồng, Việt Nam cũng sẽ cố gắng sau tháng 4/2022, bao phủ 70% người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm vaccine COVID-19. Đây là nhóm đang trong độ tuổi lao động, số lượng đông nhất, sau đó, sẽ cố gắng tiêm tiếp cho các đối tượng khác, khi có thêm số liệu từ các quốc gia và WHO.
Nguồn: VTV NEWS