yduoctuetinh.net – Sốt xuất huyết hiện vẫn đang xảy ra khá phổ biến tại một số địa phương, những biểu hiện lâm sàng đa dạng và tỷ lệ diễn biến nặng cao. Nhằm giúp cho bố mẹ và người chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết nói chung biết cách chăm sóc và phát hiện xử trí kịp thời, dưới đây là tổng hợp một số chỉ dẫn từ Bệnh viện Vinmec.
- Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết
Nếu như bệnh nhân bị sốt xuất huyết điều trị không kịp thời và quá trình theo dõi, chăm sóc tại nhà không đúng cách thì sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, có nguy cơ tử vong cao. Các biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết gồm:
– Thoát huyết tương nặng làm giảm khối lượng tuần hoàn dẫn đến sốc sốt xuất huyết;
– Xuất huyết nặng;
– Chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng. Xuất huyết nặng có thể dẫn đến đông máu rải rác lòng mạch;
– Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc như aspirin, ibuprofen để hạ sốt hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn;
– Suy tạng nặng;
– Suy gan cấp, men gan AST, ALT ≥ 1000 U/L;
– Suy thận cấp: Thiểu niệu, vô niệu (không có nước tiểu), ure, creatinin tăng cao;
– Rối loạn tri giác (sốt xuất huyết thể não);
– Viêm cơ tim, suy tim.
- Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà
Đối với các thể bệnh nhẹ, sốt xuất huyết điều trị tại nhà được mà không cần nhập viện. Khi bị sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu, người bệnh sẽ có phản ứng sốt cao như sốt virus thông thường khác và thường chưa có biến chứng nên có thể điều trị tại nhà bằng cách:
– Theo dõi nhiệt độ bằng cách cặp nhiệt độ ở nách hoặc hậu môn hay cặp bên khóe miệng cứ vài giờ một lần;
– Nghỉ ngơi tuyệt đối trong môi trường thoáng mát, có điều hòa nhiệt độ là lý tưởng;
– Uống nước có pha bột điện giải oresol theo chỉ dẫn (từ 2 lít/ngày), uống nước hoa quả, sinh tố, bổ sung vitamin C, B1;
– Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu năng lượng, giàu protein như cháo thịt nạc, súp…;
– Khi sốt, nhiệt độ cơ thể tăng lên, vì vậy phải tìm mọi cách để làm cho cơ thể tỏa nhiệt ra bằng cách uống thuốc paracetamol hạ sốt kết hợp với chườm nước mát ở vị trí nách, bẹn và các nếp gấp, lau toàn bộ cơ thể bằng nước ấm để hạ nhiệt.
Để giúp nhiệt độ cơ thể tỏa ra nhanh hơn, bệnh nhân nên mặc quần áo thoáng bởi khi người bệnh sốt cao, cơ thể thường có cảm giác ớn lạnh, nhiều người không biết lại đắp chăn hoặc mặc nhiều quần áo cho người bệnh, việc làm này càng làm hạn chế việc tỏa nhiệt của cơ thể khiến bệnh sốt xuất huyết điều trị lâu hơn và dẫn đến biến chứng nặng;
– Đối với trẻ nhỏ, cần tiếp tục cho trẻ ăn các thức ăn thường ngày, dễ tiêu. Nếu trẻ ăn ít hoặc bị nôn thì cần cho ăn nhiều bữa để cung cấp đủ năng lượng cho trẻ. Tránh các loại thức ăn có nhiều mỡ. Trẻ đang bú mẹ thì nên cho trẻ bú thêm số lần và kéo dài thêm thời gian. Cần dùng thêm sữa để cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ.
Lưu ý: Người bệnh sốt xuất huyết điều trị tại nhà tuyệt đối không được dùng aspirin hoặc ibuprofen để hạ sốt mà chỉ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C với liều paracetamol 10-15mg/kg/lần, có nghĩa là người 40kg uống 1 viên 500mg/lần và người trên 70kg uống 2 viên/lần, cách 4-6h uống 1 lần kết hợp với hạ sốt bằng phương pháp vật lý như kể trên.
Trong ngày thứ 4 – 7, người nhà đặc biệt chú ý, khi người bệnh có dấu hiệu bất thường như mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh, đau bụng, nôn, khó thở, chảy máu cam hoặc chân răng, rong kinh… cần đến ngay cơ sở y tế để chữa trị.
Một số người thường có suy nghĩ cần phải truyền dung dịch muối, dung dịch sinh tố hay truyền đạm sau khi bệnh nhân ra viện để bồi bổ sức khỏe là không nên vì giai đoạn này cơ thể tái hấp thu dịch, nguy cơ thừa dịch là rất nguy hiểm. Đặc biệt, việc truyền dịch tại gia đình hoặc cơ sở y tế tư nhân khi chưa có kiến thức sâu về bệnh sốt xuất huyết, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Hướng dẫn chăm sóc khi trẻ bị sốt xuất huyết
Theo dõi sát thân nhiệt của trẻ, báo cho nhân viên y tế bất kỳ khi nào nếu nhận thấy trẻ sốt lên.
Phối hợp dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo hướng dẫn của nhân viên y tế, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt chứa Aspirin, Ibuprufen vì các thuốc này làm tăng nguy cơ gây xuất huyết.
Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
Nuôi dưỡng: Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như: cháo, bột, sữa. Không cho trẻ dùng các loại thức ăn, nước uống có màu nâu/đỏ (coca, pepsi, dưa hấu, socola…) vì khó phân biệt khi trẻ có nôn ra máu.
Khuyến khích trẻ uống nhiều nước: nước đun sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh..) oresol, hydrit, hoặc nước cháo loãng…
Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ: Thay quần áo và tắm nhanh bằng nước ấm trong phòng tắm khi trẻ không sốt.
Theo dõi sát tình trạng của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời:
– Vật vã, lừ đừ, li bì. Đầu chi lạnh, da ẩm, hạ thân nhiệt. Đau bụng, đau ngực, khó thở.
– Chảy máu cam, chảy máu chân răng.
– Nôn nhiều, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc có máu, tiểu ít.
BTV-KD
(Theo trang thông tin điện tử Bệnh viện Vinmec)