Logo

Lâm sàng bế kinh

Lượt xem: 577 Ngày đăng: 21/05/2020

Tình trạng chưa tới thời kỳ dứt kinh mà kinh nguyệt lại không hành hoặc có nửa chừng ngưng hẳn và có trạng thái bệnh tật xuất hiện gọi là chứng Vô kinh hoặc Kinh bế.

Bệnh danh: Vô kinh, Bế kinh.

Nguyên nhân: Theo thể lâm sàng chia làm 2 loại:

Thực chứng: Do thực tà cách trở làm mạch đạo không thông, kinh huyết ứ trệ không đi xuống được, nên không ra kỳ kinh.

Hư chứng: Phần nhiều là âm huyết bất túc, huyết hư do mất máu nhiều, đổ mồ hôi trộm, phòng lao, sinh đẻ nhiều hoặc Tỳ Vị hư yếu nên không sinh huyết hoặc trùng tích, tất cả đều có thể sinh chứng huyết khô kinh bế, làm không có kinh nguyệt. Trên lâm sàng phân 7 loại:

Thể Huyết khô:

Do khí huyết suy kiệt.

Triệu chứng:

Kinh nguyệt lúc đầu sắc nhợt, lượng ít rồi tắt hẳn.

Sắc mặt xanh bạc hơi vàng, gầy, da khô, lưỡi nhợt, rêu nẻ.

Tinh thần uể oải, hồi hộp, lo sợ, đoản hơi, ăn ít khó tiêu.

Đau lưng, yếu sức, táo bón. Mạch hư tế.

Thể Huyết ứ:

Ban đầu kinh đi không thông, rồi tắt dần.

Bụng dưới căng trướng cứng đau, đè vào đau hơn, đau lan hông đùi hoặc đến vai lưng, ngực bụng sình đầy.

Sắc mặt xanh sẫm, da khô ráo, miệng khô không khát nước.

Tiêu bón, tiểu ít, lưỡi sẫm hoặc có chấm tím đỏ.

Mạch trầm kết mà sác.

Thể Hàn ngưng:

Hàn khí ngừng lại ở huyết thất, huyết ngừng thì kinh không thông.

Triệu chứng:

Kinh nguyệt tắt, đau bụng, mỏi lưng, cứng đau ở gáy, sợ lạnh, da lạnh.

Rêu lưỡi mỏng trắng. Mạch trầm trì hoặc khẩn.

Thể Nhiệt sác:

Kinh đến trước kỳ, ít dần rồi tắt.

Mặt vàng, gò má đỏ, tâm phiền, sốt về đêm, khó ngủ.

Miệng đắng, họng khô, táo bón, tiểu đỏ sẻn.

Lưỡi đỏ sáng, rêu lưỡi khô vàng, nứt nẻ từng đường.

Mạch huyền tế sác.

Nếu do uất nhiệt thì sắc da khô, tinh thần uất ức, đau lưng, ù tai, đau hông sườn, ngực đầy trướng, lưỡi đỏ không rêu.

Mạch hư tế sác.

Thể Đàm ngăn:

Người béo mập, có nhiều đàm thấp và lớp mỡ chặn lấp kinh mạch dẫn đến khí huyết không thông gây kinh bế.

Triệu chứng:

Kinh kỳ thường sai lệch, sắc kinh nhợt, lượng nhiều rồi tắt.

Bụng trên đầy tức, tâm phiền, hay ọe nấc cụt, ăn ít, đàm nhiều, nhiều bạch đới.

Sắc mặt sẫm, miệng nhạt có nhớt, rêu lưỡi trắng nhờn. Mạch huyền hoạt.

Thể Khí uất:

Do thất tình thương tâm, hoặc tình chí uất ức không tiết đạt ra được thường sinh ra bế kinh.

Triệu chứng:

Kỳ kinh đi sai rồi ngưng hẳn, có đới hạ.

Sắc mặt xẫm nhạt xanh bạc, tinh thần uất ức.

Đau ngực sườn, ăn ít, ợ chua.

Rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch huyền sác.

Thể Tỳ hư:

Tỳ Vị không hòa, ăn uống giảm ít nên không sinh ra huyết được gây kinh bế.

Triệu chứng:

Kinh kỳ không đúng, lượng ít, sắc nhợt rồi tắt hẳn, thỉnh thoảng có bạch đới.

Sắc mặt xanh vàng, da phù thũng, chân tay lạnh, mỏi.

Tinh thần uể oải, chóng mặt, hồi hộp, lo sợ.

Có khi bụng dưới đầy trướng, rêu lưỡi trắng nhờn hoặc rêu nứt rạn. Mạch hư trì.

Điều trị bế kinh bằng thuốc y học cổ truyền

Phép trị chung: Bổ huyết, kiện tỳ vị, dưỡng can thận là chính.

Thể Huyết khô:

Phép trị: Bổ huyết, dưỡng can thận.

Bài thuốc sử dụng:

Bài Bổ thận địa hoàng hoàn (trích Tố am y yếu) gồm Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Trạch tả, Đơn bì, Tri mẫu, Hoàng bá, Viễn chí, Phục thần, Hắc táo nhân, Huyền sâm, Mạch môn, Trúc diệp, Quy bản, Tang phiêu tiêu.

Thể Huyết ứ:

Phép trị: Thông huyết, trục ứ.

Bài thuốc sử dụng:

Bài Thông ứ tiễn (trích Nhạc cảnh toàn thư) gồm Quy vĩ, Hồng hoa, Hương phụ, Sơn thù, Ô dước, Thanh bì, Mộc hương, Đào nhân, Đan sâm, Trạch lan, Ngưu tất.

Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc Tác dụng Y học cổ truyền Vai trò
Quy vĩ Dưỡng huyết, hoạt huyết Quân
Hồng hoa Phá ứ huyết, sinh huyết, hoạt huyết Quân
Hương phụ Hành khí, khai uất, điều kinh Thần
Sơn thù Bổ can thận, sáp tinh khí, thông khiếu
Ô dước Thuận khí, ấm trung tiêu
Thanh bì Thông kinh lạc
Mộc hương Thông kinh, hành khí, chỉ thống
Đào nhân Phá huyết, trục ứ, nhuận táo
Đan sâm Bổ huyết, điều kinh
Trạch lan Thanh nhiệt, tán ứ, trừ đờm
Ngưu tất Hành huyết, tán ứ

Thể Hàn ngưng:

Phép trị: Ôn thông kinh mạch.

Bài thuốc sử dụng:

Bài Ôn kinh thang (xem Kinh nguyệt trước kỳ).

Thể Nhiệt sác:

Phép trị: Bổ huyết thanh nhiệt.

Bài thuốc sử dụng:

Bài Nhất quán tiễn (trích Ngụy ngọc hoàng phương) gồm Sinh địa 20g, Quy thân 12g, Câu kỷ tử 20g, Mạch môn 12g, Sa sâm 12g, Xuyên luyện tử 20g.

Thể Đàm ngăn:

Phép trị: Hóa đàm, thông kinh.

Bài thuốc sử dụng:

Bài Hậu phác nhị trần thang (trích Đơn Khê phương) gồm Cam thảo 2g, Trần bì 8g, Bán hạ chế 4g, Phục linh 4g, Hậu phác 4g (xem phần Kinh nguyệt đến sau kỳ thể Đàm trở).

Thể Khí uất:

Phép trị: Lý khí giải uất.

Bài thuốc sử dụng:

Bài Khai uất nhị trần thang (trích Vạn thị phụ khoa phương) gồm Trần bì 8g, Phục linh 8g, Thương truật 8g, Hương phụ 8g, Xuyên khung 8g, Bán hạ chế 4g, Thanh bì 4g, Nga truật 4g, Binh lang 4g, Cam thảo 2g, Mộc hương 2g.

Phân tích bài thuốc:

Vị thuốc Tác dụng Y học cổ truyền Vai trò
Trần bì Kiện tỳ, lý khí, hóa đàm Quân
Phục linh Lý khí hóa đàm Quân
Thương truật Ôn trung hóa đàm
Hương phụ Hành khí, khai uất, điều kinh Thần
Xuyên khung Hoạt huyết chỉ thống Thần
Bán hạ Giáng khí nghịch, trừ thấp, hóa đàm
Thanh bì Hành khí, tiêu trệ
Nga truật Tán khí, thông kinh, chỉ thống
Binh lang Trợ khí liễm âm
Mộc hương Hành khí, kiện tỳ, khai uất, chỉ thống Thần
Cam thảo Ôn trung, hòa vị Sứ

Thể Tỳ hư:

Phép trị: Bổ Tỳ Vị, ích khí.

Bài thuốc sử dụng:

Bài Bổ trung ích khí thang gia giảm (trích Diệp Thiên Sỹ nữ khoa) gồm Chích kỳ 8g, Nhân sâm 12g, Quy thân 8g, Xuyên khung 8g, Trần bì 6g, Sài hồ 6g, Bạch thược (sao rượu) 8g, Bạch truật (sao mật) 8g, Thần khúc (sao) 8g, Chích thảo 4g, Mạch nha (sao) 8g, Gừng 3 lát, Đại táo 3 trái.

Điều trị bằng châm cứu

Điều khí huyết:

Chủ huyệt trên mạch Nhâm và 3 kinh âm ở chân: Can, Tỳ, Thận.

Huyệt đặc hiệu:

Khí hải, Tam âm giao: Quân bình khí huyết.

Thiên xu, Quy lai: Cho kỳ kinh sớm.

Thái xung, Thái khê: Cho kỳ kinh muộn.

Thận du, Tỳ du, Túc tam lý: Cho kỳ kinh loạn.