Logo

10 mẹo nhỏ cực lợi hại trong bếp

Lượt xem: 466 Ngày đăng: 09/05/2020

Bảo quản đậu phụ trong tủ lạnh

10 mẹo nhỏ cực lợi hại trong bếp mẹ đã dạy tôi không bao giờ quên - Ảnh 1.

Khi mua đậu phụ về chúng ta hoàn toàn có thể bảo quản đậu phụ trong tủ lạnh. Nếu bạn dự định ăn đậu phụ trong vòng 1 tuần, bạn chỉ cần cất vào ngăn lạnh là được rồi. Bạn phải đổ nước đã lọc sạch, nước mát vào trong hộp đựng đậu phụ, để đậu ngập trong nước. Sau đó, đóng chặt hộp lại hoặc dùng màng bọc thực phẩm bọc lại. Mỗi ngày, dùng nước sạch rửa lại đậu phụ, thay nước mới trong hộp để đậu phụ vẫn giữ được độ ẩm, tươi ngon, không hỏng.

Trong trường hợp phải hơn 1 tuần sau đó bạn mới chế biến đậu phụ, tốt nhất nên cất đậu phụ vào trong ngăn đá tủ lạnh. Đậu phụ trữ đông có thể sử dụng đến tận 3 tháng. Nhớ rằng phải cho đậu phụ vào túi có khóa kéo hay hộp kín rồi mới trữ đông nhé. Khi ăn, bạn chuyển đậu từ ngăn đá sang ngăn mát, đến khi đậu rã đông hết thì dùng lực ép nhẹ để lượng nước thừa được thải ra hết. Sau đó mới chế biến như bình thường.

Dầu ăn giúp ướp thực phẩm nhanh thấm hơn

10 mẹo nhỏ cực lợi hại trong bếp mẹ đã dạy tôi không bao giờ quên - Ảnh 3.

Món ăn trước khi chế biến cần được ướp gia vị để thấm đều gia vị, giúp món ăn đậm đà và ngon hơn. Công đoạn ướp đòi hỏi khá nhiều thời gian để món ăn thực sự thấm nhưng nếu bạn đang vội, cần chế biến món ăn nhanh và không có thời gian để đợi thực phẩm thấm đều gia vị thì hãy sử dụng dầu ăn khi ướp.

Đó chính là bí quyết quan trọng để thực phẩm thấm gia vị đều và nhanh hơn. Chỉ cần cho 1 muỗng cà phê dầu ăn vào ướp cùng với các loại gia vị, tinh chất dầu trong dầu ăn sẽ giúp thực phẩm thấm đều hết gia vị chỉ trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 phút mà thôi.

Ngâm cá vào sữa để khử mùi tanh

10 mẹo nhỏ cực lợi hại trong bếp mẹ đã dạy tôi không bao giờ quên - Ảnh 5.

Trước khi cho cá vào chế biến, bạn hãy ngâm cá vào bát sữa tươi khoảng 20 phút rồi vớt ra để cá thật ráo. Mùi tanh sẽ biến mất hoàn toàn và thịt cá cũng sẽ thơm ngon hơn.

Trong cơ thể các loài sinh vật biển đều có chất hóa học gọi là trimethylamine oxide (TMAO). Các loài cá dựa vào TMAO để “đối phó” với nước mặn xung quanh chúng. TMAO là chất có ích cho cá khi chúng còn sống, nhưng ngay sau khi chúng chết, vi khuẩn và enzyme trong cá tự chuyển đổi hóa chất này thành trimethylamine (TMA) – chính là chất khiến cho cá có mùi hôi tanh. Cá chết càng lâu, TMA tạo ra càng nhiều, mùi tanh càng nồng.

Sữa có chứa chất gọi là casein, một loại protein liên kết nhanh với TMA và có thể khử mùi tanh. Bên cạnh đó TMA cũng khiến cho thịt ít ngọt hơn, và sữa cũng có thể cải thiện được điều này.

Cho đậu vào ngăn đá khoảng 30 phút trước khi rán, đậu sẽ giòn và ngon hơn

10 mẹo nhỏ cực lợi hại trong bếp mẹ đã dạy tôi không bao giờ quên - Ảnh 7.

Trước khi rán, bạn hãy cho cả miếng đậu vào ngăn đá khoảng 30 phút. Sau thời gian này, bạn lấy đậu ra, cắt thành từng lát nhỏ rồi cho vào chảo dầu nóng để rán. Bằng cách này, đậu rán xong sẽ vuông vức đẹp mắt, không bị vỡ lại cực kì giòn, giòn rụm hệt như ngoài hàng.

Ngoài ra, bạn cũng cần biết rằng khi rán đậu, dầu ăn phải thật nóng rồi mới cho đậu vào. Như thế thì đậu sẽ rất giòn và lại không dính chảo (trong trường hợp bạn không dùng chảo chống dính). Hoặc nếu không, bạn có thể dùng một lát gừng sống, tráng lên toàn bộ bề mặt chảo để tạo lớp màng trơn, nhờ đó mà rán đậu không vỡ nát cũng không bị dính chảo.

Quy tắc “mặn – ngọt – thơm – cay” khi ướp thức ăn

10 mẹo nhỏ cực lợi hại trong bếp mẹ đã dạy tôi không bao giờ quên - Ảnh 9.

Các chị em hãy luôn nhớ quy tắc “mặn – ngọt – thơm – cay” khi ướp thức ăn nhé:

Thứ nhất: Vị mặn từ muối, hạt nêm. Bạn lưu ý nên hạn chế tẩm ướp bằng mắm mà chỉ nêm mắm khi món ăn đã chín, mềm, nếu không sẽ làm mất vitamin, axit amin và mùi vị của mắm. Còn đối với muối, bạn không nên dùng muối i-ốt để tẩm ướp lâu vì dễ làm thực phẩm bị ra nước.

Thứ 2: Vị ngọt từ đường, mật ong, nước hàng, bột ngọt…

Thứ 3: Mùi thơm từ hành, tỏi, rượu, mè… Bạn lưu ý không nên dùng tiêu khi tẩm ướp vì nhiệt độ cao không chỉ làm mất mùi thơm đặc trưng của tiêu mà còn có thể làm biến chất hạt tiêu không tốt cho sức khỏe, chỉ nên nêm tiêu khi món ăn đã chín và tắt bếp.

Thứ 4: Vị cay từ ớt, sa tế…

Sau khi cho các loại gia vị cần thiết như đúng trình tự trên đây các bạn có thể cho thêm các thành phần phụ không mùi như dầu ăn, trứng, bột mì…

Cho vỏ chuối chín vào chảo khi chiên thịt để thịt không bị khô cứng

10 mẹo nhỏ cực lợi hại trong bếp mẹ đã dạy tôi không bao giờ quên - Ảnh 11.

Khi chiên thịt bạn có thể cho thêm vài lát vỏ chuối chín vào chảo để đảm bảo các lát thịt sẽ không bị khô cứng sau khi chiên. Thịt bò, thịt lợn và thịt gà hay cá cũng vậy, đều có thể dùng đến vỏ chuối. Đặc biệt là ức gà, trước khi đưa vào lò nướng, bạn hãy thêm vào đó 1 vỏ chuối để giúp thịt mềm và thơm hơn.

Thả cà rốt vào chảo chiên rán để thực phẩm không bị cháy hay ám mùi khét

10 mẹo nhỏ cực lợi hại trong bếp mẹ đã dạy tôi không bao giờ quên - Ảnh 13.

Khi chiên rán thực phẩm, từ chiên thịt, cá cho tới rau hay bánh, bạn chỉ cần cho thêm hai khúc cà rốt dày 5cm vào chảo. Hai miếng cà rốt ấy sẽ đóng vai trò như những thỏi nam châm hút hết tất cả những cặn dầu đen – những thứ có thể làm cháy, bám xung quanh đồ ăn và khiến đồ ăn có mùi khét.

Vậy nên khi chiên món gì, bạn hãy chuẩn bị một củ cà rốt tươi, rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành hai khúc dày 5 cm, rồi thả vào chảo dầu để chiên cùng thực phẩm.

Dùng giấy ăn thấm khô cá trước khi rán để cá giòn và không tróc da

10 mẹo nhỏ cực lợi hại trong bếp mẹ đã dạy tôi không bao giờ quên - Ảnh 15.

Thông thường, sau khi đã lọc xương và rửa sạch cá, chị em đặt luôn vào chảo để rán và đó chính là mấu chốt khiến món cá rán của bạn không được như ý muốn. Từ nay, mỗi khi rán cá, các bạn hãy dùng giấy ăn thấm khô toàn bộ miếng cá trước khi đặt vào chảo.

Chú ý là bạn phải dùng giấy thấm khô cả mặt trước và mặt sau của miếng cá. Khi miếng cá đã hoàn toàn ráo nước, bạn bật bếp và cho dầu ăn vào chảo. Nhớ là phải đun nóng dầu trước khi thả miếng cá vào đấy. Trong quá trình rán, bạn dùng muôi ấn miếng cá xuống mặt chảo để cá chín vàng và giòn đều. Khi lật sang mặt sau cũng làm tương tự. Cuối cùng bạn sẽ có sản phẩm là đĩa cá rán giòn tanh tách lại không bị tróc da.

Rã đông thịt bằng nước đường

10 mẹo nhỏ cực lợi hại trong bếp mẹ đã dạy tôi không bao giờ quên - Ảnh 17.

Để rã đông thịt bạn cần pha nước lạnh và nước sôi theo tỉ lệ 5:1 để được hỗn hợp nước ấm khoảng 40 độ. Sau đó bạn cho khoảng 2 thìa đường vào nước rồi khuấy cho tan đều. Giờ thì bạn cho miếng thịt đang đông cứng vào ngâm trong nước pha đường. Sau khoảng 7 phút là miếng thịt sẽ mềm trở lại. Bên cạnh đó đường còn giúp cho miếng thịt mềm và giữ nguyên vị ngon ngọt.

Rã đông cá bằng nước muối

10 mẹo nhỏ cực lợi hại trong bếp mẹ đã dạy tôi không bao giờ quên - Ảnh 19.

Giống như rã đông thịt, rã đông cá thì bạn cũng chuẩn bị một chậu nước ấm khoảng 40 độ được pha từ 5 phần nước lạnh và 1 phần nước nóng. Khi rã đông cá thì bạn sử dụng muối và bạn cho 2 thìa muối vào nước và khuấy cho tan đều. Tiếp đến, bạn cho cá đông lạnh vào rã đông. Sau khoảng 7 phút, cá sẽ mềm ngon trở lại. Muối sẽ khiến cá trở nên chắc thịt, khi nấu có hương vị đậm đà hơn.