5 bí quyết “giắt túi” để chinh phục bất kỳ học bổng nào
Lượt xem: 429 Ngày đăng: 21/10/2019
(Dân trí) – Bùi Minh Phương – cô gái Việt tốt nghiệp thạc sĩ ngành Khoa học giáo dục & nghiên cứu tiểu học châu Á có những kinh nghiệm thực tế trong việc ứng tuyển học bổng. Cô chia sẻ với các bạn trẻ 5 điều cần làm để chuẩn bị chinh phục thành côn bất kỳ học bổng nào.
Tìm hiểu thật kỹ về học bổng mình muốn apply
Thông thường, các học bổng chính phủ hoặc các học bổng toàn phần từ các trường, đơn vị tài trợ… sẽ có thông tin và đợt apply cụ thể hàng năm, ít khi có các thay đổi lớn. Vì vậy, để chuẩn bị hồ sơ của mình một cách hoàn thiện nhất, các bạn hãy dành thời gian tìm hiểu thật kỹ về điều kiện, các yêu cầu, thời gian nộp hồ sơ… của từng học bổng.
Học bổng này dành cho ai? Sinh viên quốc tế hay chỉ dành cho sinh viên của quốc gia đó? Nếu dành cho sinh viên quốc tế thì liệu có giới hạn quốc gia hay lãnh thổ hay không?
Học bổng dành cho chương trình nào? Phổ thông, cao đẳng, đại học hay sau đại học?
Học bổng đó là loại nào? Là học bổng du học toàn phần hay chỉ cấp một phần?
Bạn cần cung cấp thông tin, bằng cấp nào trong hồ sơ xin cấp học bổng du học này? Bằng cấp nào cần được dịch và công chứng? Công chứng ở đâu cũng được hay phải qua một cơ sở chỉ định?
Bạn phải có thư giới thiệu từ ai và như thế nào?
Thời gian nộp học bổng như thế nào? Nộp qua email hay qua đường bưu điện hay cả hai?
Điều này nghe thì rất dễ, nhưng nếu làm không tốt bước này thì trong quá trình làm hồ sơ, các bạn sẽ có thể tốn rất nhiều thời gian và công sức để làm những thứ mà lẽ ra đã có thể chuẩn bị ngay từ ban đầu. Một ví dụ như trường đại học yêu cầu thư giới thiệu phải nộp bản cứng có chữ ký của người giới thiệu, nhưng nếu bạn không để ý chi tiết này đến sát ngày nộp hồ sơ mới nhận ra, thì bạn phải chuẩn bị lại từ đầu và hối thúc người đã giúp mình viết thư giới thiệu.
Bắt đầu quá trình làm hồ sơ càng sớm càng tốt
Một bộ hồ sơ thông thường (chưa kèm bài luận xin học bổng hay thư giới thiệu) đã tốn kha khá thời gian để chuẩn bị. Từ việc dịch, công chứng giấy tờ cá nhân, xin bảng điểm… cho đến viết bài luận, điền hồ sơ – quá trình này có thể kéo dài đến 2 tháng.
Chưa kể, để đủ điều kiện apply, đa số các chương trình yêu cầu trình độ tiếng Anh hoặc các chứng chỉ khác và từ lúc thi cho đến lúc có chứng chỉ cũng phải mất vài tuần. Vì vậy, nếu bạn muốn tăng khả năng đỗ của mình lên cao nhất có thể, thì hãy chuẩn bị hồ sơ càng sớm càng tốt.
Bài luận, bài luận, bài luận
Bài luận, thư xin học bổng, thư thể hiện nguyện vọng… nói chung đây là “linh hồn” của một bộ hồ sơ xin học bổng. Mỗi chương trình hay mỗi trường lại có những yêu cầu khác nhau hay các câu hỏi gợi ý khi viết bài luận khác nhau, chính vì thế nếu bạn muốn làm nhiều hơn một bộ hồ sơ du học, thì bạn cũng cần phải chuẩn bị từng đó bài luận.
Không có mẫu số chung cho một bài luận hoàn hảo, do kết quả của mỗi đợt lại dựa vào nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các bạn không thể chuẩn bị cho bản thân một bài luận tốt nhất có thể. Một người bạn của mình đã nói: “Một bài luận hay có thể thay đổi cả cuộc đời”.
Khó có thể nói được bài luận của bạn có hay hay không, nhưng ít nhất bạn cũng có thể kiểm soát được việc bài luận của mình có sai lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, lỗi dùng từ nào không; bài luận của mình sẽ đúng “đề bài” hay không; và những dẫn chứng, thông tin mình đưa ra có chính xác hay không. Bạn có thể nhờ bạn bè, thầy cô giáo, hay những người có kinh nghiệm giúp đỡ đọc và chỉnh sửa bài luận cho mình.
Những người có kinh nghiệm có thể có những lời khuyên hữu ích giúp các bạn định hình được nội dung bài luận mình cần viết là gì, làm sao để làm nổi bật dấu ấn cá nhân của mình và có thể sát sao trả lời được các câu hỏi hay yêu cầu của học bổng.
Chuẩn bị tư tưởng thật tốt và lên kế hoạch B, C, D…
Apply học bổng chưa bao giờ là việc dễ dàng. Ngoại trừ một số rất rất ít các bạn trẻ có hồ sơ siêu “khủng”, nộp đâu cũng trúng thì đa số các ứng viên có hồ sơ khá tưà tựa nhau: điểm GPA tốt, điểm tiếng Anh cũng đủ điều kiện, 1-2 hoạt động ngoại khoá, tình nguyện, 1-2 vị trí thực tập hoặc tham gia CLB… Vậy làm sao để có thể làm nổi bật bản thân mình và thuyết phục ban hội đồng cấp cho mình học bổng trị giá hàng trăm triệu đồng (thậm chí hàng tỷ đồng!)?
Chính vì vậy, hãy chuẩn bị cả kế hoạch B, C, D …cho bản thân khi kế hoạch A không thành. Kế hoạch B có thể là học bổng bán phần cho một trường thấp rankings hơn một chút. Kế hoạch C có thể là một chương trình khác ở một nước khác kém cạnh tranh hơn, v…v. Kế hoạch D có thể là lùi lại 1 năm để làm “đẹp” thêm hồ sơ của mình, năm sau ta apply lại từ đầu!
Quan trọng nhất là tư tưởng của bản thân: Apply học bổng thất bại là chuyện bình thường, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mọi cơ hội cho mình đã hết. Có sức khoẻ là có tất cả!
Đầu tư cho bản thân!
“Đầu tư” vào bản thân lâu dài chứ không phải đầu tư vào các đồ “tiêu sản” (Tiêu sản tức là tiêu vào cái đó là thôi coi như tiền thì hết rồi nhưng mà lợi ích thì không có hoặc rất ít, ví dụ như là mua một cục nến thật thơm thật xịn, đốt lên thì thích đấy nhưng mà đốt lên cũng là hết, mà không đốt thì cũng khó mà quy đổi lại ra tiền được).
Không ai tích luỹ kiến thức hộ bạn được, chỉ có bạn tự chủ động làm được điều đó mà thôi: dành thời gian và tiền bạc để mua và đọc các cuốn sách có ích cho việc phát triển bản thân, các khoá học kỹ năng ngắn hạn, học ngoại ngữ bài bản…
Những khoản “đầu tư” này sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho các bạn, dù ngay tại thời điểm “tiêu tiền” thì chưa chắc các bạn đã nhận ra đâu.
Làm được hết cả 5 điều này rồi thì các bạn cũng đã sẵn sàng apply học bổng rồi đấy, chúc các bạn may mắn nhé!
Thạc sĩ Bùi Minh Phương