Logo

Tổng quan về ung thư vú

Lượt xem: 81 Ngày đăng: 30/06/2021

Ung thư vú (UTV) là bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới. Theo GLOBOCAN, ước tính năm 2018 trên thế giới có khoảng hơn 2 triệu ca ung thư vú mới mắc ở nữ và 627.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, ung thư vú đứng hàng đầu trong những loại ung thư ở phụ nữ. Tỷ lệ mắc ung thư vú trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

  1. Ung thư vú là gì

           Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng phân chia mạnh, xâm lấn xung quanh và di căn xa.

  1. Yếu tố nguy cơ

         Một số yếu tố được biết đến như là yếu tố nguy cơ của UTV bao gồm:

– Tuổi: nguy cơ UTV tăng lên ở các phụ nữ nhiều tuổi. Việc tầm soát UTV nên được tiến hành ở độ tuổi từ 40 trở lên.

– Giới: nguy cơ mắc UTV ở nữ giới cao gấp 100 lần nam giới.

– Tiền ử gia đình: phụ nữ có nguy cơ mắc UTV cao hơn khi gia đình có người thân mắc UTV hoặc ung thư buồng trứng, có người thân mắc UTV dưới 50 tuổi hoặc có đột biến gen BRCA1, BRCA2.

– Tình trạng kinh nguyệt: các yếu tố liên quan đến tăng số lượng kì kinh như mang thai sau 30 tuổi, có kinh sớm trước 13 tuổi, mãn kinh muộn sau 50 tuổi hoặc không cho con bú,… đều làm tăng nguy cơ mắc UTV.

– Một số yếu tố khác như: thừa cân, béo phì, sử dụng hormon ngoại sinh, người có tiền sử mắc các bệnh vú lành tính,…

  1. Triệu chứng

        – Đau vùng vú: cảm giác đau của người bệnh có thể là đau dấm dứt không thường xuyên, thi thoảng đau nhói theo kiểu kim châm.

        – Chảy dịch đầu vú: một số bệnh nhân có biểu hiện chảy dịch đầu núm vú, có thể chảy dịch lẫn máu.

        – Người bệnh cũng có thể tự sờ thấy khôi u vùng vú hoặc hạch vùng hố nách.

        – Đối với các khối u vú giai đoạn muộn có thế thấy các triệu chứng do khối u vú xâm lấn gây lở loét, hoại tử ra ngoài da, gây chảy dịch, mùi hôi thối.

        – Triệu chứng của các cơ quan đã di căn: nhiều người bệnh đến khám với các triệu chứng của bệnh giai đoạn muộn, đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như: di căn xương gây đau xương, di căn não gây đau đầu, buồn nôn, chóng mặt,…

Ngoài ra, người bệnh có thể có các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, chán ăn, ăn kém, gầy sút cân, đôi khi biểu hiện sốt.

  1. Chẩn đoán ung thư vú

Chẩn đoán ung thư vú cần dựa vào 3 phương pháp kinh điển có tính chất định hướng giúp chẩn đoán xác định bệnh ung thư vú, bao gồm:

– Lâm sàng: các triệu chứng của bệnh.

– Xét nghiệm tế bào học: đánh giá hình thái tế bào tuyến vú

– Chụp X-quang tuyến vú (mammography): phát hiện hình ảnh nghi ngờ tổn thương ác tính của vú trên phim X-quang.

        Nếu một trong 3 phương pháp này nghi ngờ phải thực hiện sinh thiết tổn thương ở vú. Kết quả mô bệnh học sau sinh thiết là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định ung thư vú.

– Xét nghiệm hoá mô miễn dịch: giúp đánh giá đúng tình trạng thụ thể nội tiết, yếu tố phát triển biểu mô Her2, xác định đúng thể bệnh từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cũng như tiên lượng bệnh.

– Các xét nghiệm đánh giá giai đoạn bệnh: X-quang ngực, siêu âm tuyến vú, cộng hưởng từ tuyến vú, siêu âm ổ bụng, cắt lớp vi tính ngực, cắt lớp vi tính bụng, xạ hình xương.

– Chỉ điểm khối u CA 153: có giá trị trong theo dõi.

– Xét nghiệm máu đánh giá chức năng các cơ quan: công thức máu, chức năng gan, thận,…

  1. Điều trị ung thư vú

          Điều trị UTV là sự kết hợp nhiều phương pháp: phẫu thuật, xạ trị và điều trị nội khoa toàn thân ( hóa trị, nội tiết, đích), nhưng cần cá thể hoá theo từng người bệnh. Tuỳ theo giai đoạn, thể mô bệnh học, thụ thể nội tiết,  thể trạng và bệnh lý phối hợp… của từng bệnh nhân, bác sỹ sẽ có chỉ định áp dụng các phương pháp phù hợp nhằm đem lại hiệu quả điều trị cao nhất và ít gặp tác dụng không mong muốn nhất.

Các phương pháp điều trị UTV bao gồm:

Phẫu thuật

          Phẫu thuật là phương pháp điều trị cơ bản trong UTV, đặc biệt ở các trường hợp chưa có di căn xa.

          – Phẫu thuật UTV giai đoạn sớm: nhằm lấy bỏ toàn bộ khối u và vét hạch nách. Tuỳ theo từng bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra chỉ định phẫu thuật bảo tồn tuyến vú hay phẫu thuật triệt căn tuyến vú (cắt hết toàn bộ tuyến vú). Một phương pháp mới được áp dụng để tránh các trường hợp vét hạch không cần thiết là kỹ thuật sinh thiết hạch cửa. Cụ thể, bác sĩ sẽ tiêm các chất chỉ thị để nhận biết được hạch cửa – hạch dẫn lưu bạch huyết đầu tiên của khối u vú, nếu xét nghiệm thấy tế bào ung thư chưa lan đến hạch cửa thì không cần thiết phải vét hạch nách. Ngoài ra, phẫu thuật tạo hình tuyến vú sau khi cắt khối u vú cũng được phát triển, bao gồm: đặt túi ngực, phẫu thuật tạo hình quầng vú và núm vú, đem lại lợi ích về mặt thẩm mỹ cho các bệnh nhân UTV.

          – Phẫu thuật UTV giai đoạn tái phát, di căn: đối với UTV giai đoạn tái phát hoặc phẫu thuật cũng có những vai trò nhất định như: cắt bỏ tuyến vú với khối u tái phát tại chỗ hoặc tại hạch nách, phẫu thuật sạch sẽ tuyến vú trong trường hợp u vú to, chảy dich nhiều,…

          – Phẫu thuật cắt buồng trứng: áp dụng ở các bệnh nhân UTV chưa mãn kinh, có thụ thể nội tiết dương tính, có nguy cơ tái phát bệnh cao. Phẫu thuật cắt buồng trứng lá một phần của điều trị nội tiết.

Xạ trị

          Xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật và hoá chất ở các bệnh nhân UTV giai đoạn sớm là một phần của quá trình điều trị. Lúc này sau khi cắt tuyến vú, diện thành ngực còn lại được chiếu xạ để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại về mặt vi thể. Ngoài ra, chỉ định xạ trị sau phẫu thuật bảo tồn UTV là chỉ định bắt buộc, giúp làm tăng thời gian sống thêm cho bệnh nhân.

          Xạ trị cắt buồng trứng: cũng là 1 trong 3 phương pháp điều trị cắt buồng trứng nội tiết, giúp bệnh nhâ tránh được 1 cuộc phẫu thuật hay dùng thuốc nội khoa lâu dài.

 Hoá chất

         Điều trị hoá trị trong ung thư vú là phương pháp dùng các loại thuốc độc đối với tế bào, nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể. Đối với mỗi thể bệnh UTV và mỗi giai đoạn bệnh sẽ có những phác đồ hoá chất khác nhau và phù hợp với từng bệnh nhân. Chỉ định điều trị hoá chất cho bệnh nhân UTV chia thành 3 nhóm:

–  Hoá chất bổ trợ trước phẫu thuật

          Điều trị hoá chất bổ trợ trước hay còn gọi là tân bổ trợ, được áp dụng cho các bệnh nhân ung thư vú giai đoạn mổ được hoặc không mổ được, mục đích tân bổ trợ ở giai đoạn không mổ được giúp thu nhỏ kích thước khối u và hạch, nhằm tăng tỷ lệ phẫu thuật bảo tồn và tăng khả năng phẫu thuật triệt căn tuyến vú.

Hoá chất bổ trợ sau phẫu thuật

          Sau khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ xét nghiệm bệnh phẩm sau mổ bao gồm khối u và hạch, đánh giá giai đoạn cũng như thể bệnh, dựa vào đó để chỉ định điều trị hoá chất cho các bệnh nhân. Bệnh nhân UTV sẽ bắt đầu được điều trị hoá chất trong khoảng thời gian từ 4 đến 8 tuần sau phẫu thuật. Các thuốc hoá chất có vai trò tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại về mặt vi thể sau cuộc mổ, kéo dài thời gian sống thêm không bệnh cho người bệnh.

– Hoá chất sử dụng cho giai đoạn di căn:

          Ở giai đoạn bệnh đã di căn đến các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể, bác sỹ sẽ lựa chọn các phác đồ điều trị tuỳ theo từng bệnh cảnh, phù hợp với mỗi bệnh nhân, với các phác đồ dùng 1 đến 2 loại hoá chất và có thể kết hợp với các nhóm thuốc khác. Việc sử dụng các thuốc độc tế bào nhằm làm dừng sự phát triển của các tế bào ung thư bằng cách tiêu diệt tế bào u hoặc làm cho các tế bào không phân chia được, từ đó cải thiện triệu chứng, thời gian sống thêm bệnh không tiến triển, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Liệu pháp nhắm trúng đích

          Liệu pháp nhắm trúng đích là phương pháp điều trị UTV sử dụng các thuốc hoặc các chất xác định và tấn công các tế bào đặc hiệu. Các thuốc điều trị đích thường gây ra ít tác dụng không mong muốn hơn so với điều trị hoá chất và xạ trị, bao gồm các nhóm sau:

– Các thuốc kháng thể đơn dòng:

          Là các protein thuộc hệ thống miễn dịch của cơ thể, được sử dụng để tác động vào những tế bào có kháng thể đặc hiệu trên bề mặt, từ đó giúp tiêu diệt, ngăn chặn sự phát triển cũng như lan rộng của tế bào ung thư. Hiện tại, các thuốc điều trị đích được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân có xét nghiệm yếu tố phát triển biểu mô (Her2-neu) dương tính ba cộng (+++), dùng được cho cả giai đoạn sớm và giai đoạn di căn. Các thuốc có thể kể đến là: Trastuzumab, Pertuzumab (Perjeta), Ado-trastuzumab emtansine (Kadcyla).

– Thuốc ức chế enzym Tyrosin kinase:

          Các thuốc này tác động dựa trên cơ chế ngăn chặn tín hiệu tăng sinh tế bào đến các tế bào ung thư, từ đó ngăn chặn sự phát triển của khối u trong cơ thể. Các thuốc này gồm: Lapatinib, Neratinib, Tucatinib, được áp dụng điều trị cho các bệnh nhân UTV có thụ thể phát triển biểu mô (Her2-neu) dương tính ba cộng (+++) đã kháng với thuốc kháng thể đơn dòng.

– Thuốc kháng CDK 4/6:

          Là các thuốc gắn kết và ức chế protein CDK – loại protein tham gia vào quá trình nhân lên và phát triển của tế bào. Thuốc kháng CDK 4/6 đã được đưa vào sử dụng để điều trị bệnh nhân UTV giai đoạn di căn có thụ thể nội tiết dương tính, thụ thể phát triển biểu mô (Her2) âm tính, bao gồm: Palbociclib (Ibrance), Ribociclib (Kisqali), Abemaciclib (Verzenio)

– Thuốc kháng PI3K:

          Thuốc Alpelisib (Piqray) được dùng cho các bệnh nhân UTV giai đoạn muộn có thụ thể nội tiết dương tính, Her2 âm tính, đã kháng với các thuốc điều trị nội tiết trước đó.

– Thuốc kháng mTOR:

          Everolimus (Afinitor) là loại thuốc tác động vào protein mTOR trong tế bào, từ đó ngăn chặn khối u phát triển, ngăn chặn sự tạo thành các mạch máu quanh u. Thuốc có hiệu quả trên các bệnh nhân UTV có thụ thể nội tiết dương tính, Her2 âm tính.

– Thuốc ức chế PARP:

          Các thuốc này bao gồm Olaparib (Lynparza) và Talazoparib (Talzenna), được sử dụng cho các bệnh nhân UTV có đột biến gen BRCA1 và BRCA2, Her2 âm tính.

Điều trị miễn dịch

          Sự ra đời của liệu pháp miễn dịch đã mở ra một hướng đi mới trong điều trị bệnh ung thư. Các thuốc miễn dịch đã được nghiên cứu và đưa vào phác đồ điều trị của nhiều bệnh ung thư trong đó có ung thư vú. Phương pháp này sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể, khôi phục và thúc đẩy hệ thống miễn dịch để chống lại khối u. Mới đây, thuốc Atezolizumab (Tecentriq) – loại thuốc miễn dịch ức chế thụ thể PD-L1 trên bề mặt tế bào khối u – đã được sử dụng để điều trị UTV giai đoạn muộn thể bộ ba âm tính, sử dụng kết hợp với hoá chất nab-paclitaxel và carboplatin. Tiến tới, liệu pháp miễn dịch đã và đang được nghiên cứu trong giai đoạn sớm hơn của UTV.

Nguồn: Bệnh viện ung bướu Hà Nội