Logo

Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh mạn tính dự phòng COVID-19

Lượt xem: 495 Ngày đăng: 26/10/2020

yduoctuetinh.net – Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, phần lớn những người tử vong khi mắc COVID-19 là người cao tuổi hoặc có sẵn bệnh mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, ung thư…). Do đó, dinh dưỡng điều trị bệnh mãn tính, nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch cho cơ thể là hết sức quan trọng để dự phòng COVID-19 đối với những người mắc bệnh mạn tính.

 6 bí quyết để chung sống với căn bệnh mãn tính - tiểu đường: Vẫn đầy đủ dinh dưỡng mà không phải kiêng khem áp lực - Ảnh 1.

Những điều cần lưu ý đối với người bệnh mạn tính:

– Tuân thủ phác đồ điều trị bệnh: dùng thuốc đúng theo đơn bác sĩ, thực hiện chế độ ăn phù hợp bệnh lý, tập luyện vừa sức và các phương pháp điều trị khác.

– Hạn chế di chuyển, tiếp xúc nơi công cộng, chỗ đông người, những người có nguy cơ lây nhiễm cao, từ nơi có dịch.

– Thực hiện tốt hướng dẫn vệ sinh: rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Dụng cụ ăn uống (bát, đĩa, cốc, thìa, đũa…) cần được rửa sạch sẽ và sử dụng riêng. Thực hiện ăn chín, uống sôi.

– Chế độ ăn uống: theo chế độ ăn phù hợp bệnh lý đã được cán bộ dinh dưỡng (tiết chế dinh dưỡng viên) chỉ định.

– Giữ cân nặng hợp lý không bị gầy, suy dinh dưỡng và cũng không bị thừa cân, béo phì.

  1. Dinh dưỡng dự phòng COVID-19 cho người bệnh đái tháo đường

– Ăn đúng giờ, đủ 3 bữa chính và thêm 1-2 bữa phụ.

– Ăn điều độ, chậm rãi, không ăn quá no, cũng không để quá đói.

– Lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, giàu chất chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Sử dụng đa dạng thực phẩm trong bữa ăn, phối hợp các thực phẩm có nhiều chất xơ.

+ Nhóm thực phẩm giàu bột đường: Nên chọn các loại thực phẩm tự nhiên, chưa qua tinh chế: gạo còn nguyên cám (gạo lứt, gạo lật nẩy mầm), bánh mỳ làm từ bột mỳ/ ngũ cốc toàn phần, khoai củ, ngô… Đây là thực phẩm cung cấp năng lượng chính cho cơ thể và cũng là thực phẩm khi ăn vào sẽ chuyển hóa thành đường nên lượng ăn tùy thể trạng của từng người và không nên ăn nhiều vì sẽ làm tăng đường huyết. Ví dụ người 50kg, không thừa cân béo phì thì có thể ăn khoảng 1 bát cơm mỗi bữa.

+ Nhóm thực phẩm giàu đạm: Sử dụng các thực phẩm giàu đạm cả nguồn động vật và thực vật. Ưu tiên dùng thực phẩm nguồn thực vật (đậu tương, đậu hạt các loại). Nguồn động vật nên chọn các loại thịt nạc, tối thiểu 3 bữa cá mỗi tuần và xen kẽ các thủy hải sản khác. Hạn chế thịt mỡ, da, phủ tạng động vật.

+ Nhóm rau, củ: ăn đa dạng các loại rau. Ưu tiên các loại rau xanh thẫm, củ quả vàng cam, đỏ (súp lơ xanh, rau chân vịt, rau muống, rau ngót, cà rốt, cà chua…). Nên ăn khoảng 300-500g rau mỗi ngày (khoảng 1 bát đầy rau chín mỗi bữa).

+ Nhóm quả: Chọn các loại quả ít ngọt: ổi, bưởi, cam, thanh long… Ăn khoảng 200 g/ngày hoặc 2 phần quả/ngày (1 phần tương đương 1 trái cam cỡ vừa, hoặc 1/2 trái thanh long, 2-3 múi bưởi…). Nên ăn cả quả (chỉ bỏ vỏ, hạt) hơn là ép lấy nước hoặc xay sinh tố. Hạn chế các loại quả ngọt như vải, nhãn, mít, chuối, na… và các loại quả sấy khô.

+ Nhóm chất béo: Chọn dầu thực vật, dầu cá, các loại hạt có dầu. Hạn chế mỡ động vật, bơ, sữa béo, chất béo dạng trans (thực phẩm chiên, rán, thực phẩm chế biến công nghiệp).

+ Sữa và chế phẩm sữa: Mỗi ngày nên uống 1 ly 200ml sữa không đường, ít béo và 1 hộp sữa chua không đường (hoặc ít đường).

  1. Dinh dưỡng dự phòng COVID-19 cho người bệnh tăng huyết áp

– Giảm muối ăn: ăn không quá 5g muối/ngày, với người tăng huyết áp, tai biến mạch máu não cần ăn nhạt bằng một nửa hoặc 2/3 so với người bình thường (≈ 3-4 g/ngày).

Cần hạn chế thực phẩm nhiều muối bao gồm muối và các gia vị mặn như: nước mắm, bột gia vị, bột nêm, mì chính (3g mì chính ≈ 1g muối), xì dầu, tương, các loại mắm, chượp, thực phẩm muối mặn, dưa muối chua (dưa, cà,…), thịt cá hộp, thịt xông khói.

1g muối ≈ 5ml nước mắm (1 thìa cà phê)

              ≈ 7ml xì dầu

              ≈ 1 gạt thìa bột canh/bột gia vị (thìa ăn sữa chua); 1,5g bột canh

– Ăn vừa đủ năng lượng: Theo Tháp dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng. Những người thừa cân, béo phì cần ăn giảm hơn, giảm cân có tác dụng tốt đối với kiểm soát huyết áp.

– Ăn chế độ ăn tốt cho tim mạch: Ăn nhiều loại rau quả, các loại gạo xay xát không kỹ, gạo lứt, gạo lật nảy mầm, thực phẩm ít chất béo từ động vật.

  1. Dinh dưỡng phòng ngừa COVID-19 cho người bệnh ung thư

Những bệnh nhân ung thư có nguy cơ nhiễm virus và tiến triển nặng bao gồm các loại ung thư liên quan huyết học như bạch cầu cấp, bệnh nhân ghép tủy, đang điều trị tích cực (hóa trị, xạ trị…), đang sử dụng corticoid, bệnh nhân ung thư bị suy dinh dưỡng, có số lượng tế bào lympho thấp hơn bình thường. Chế độ dinh dưỡng để phòng chống COVID-19 bao gồm:

– Ăn đủ năng lượng theo khuyến nghị. Duy trì cân nặng hợp lý, tránh sụt cân, suy dinh dưỡng.

– Tăng cường chất đạm, ăn phối hợp cả nguồn thức ăn cung cấp đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa, thủy hải sản) và đạm thực vật (đậu tương và sản phẩm, các loại đậu, đỗ khác). Không nên kiêng đạm động vật. Tỷ lệ đạm động vật và thực vật nên đạt 50-50.

– Với bệnh nhân ung thư bị suy dinh dưỡng hoặc ăn không đủ, nên bổ sung các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho người bệnh ung thư giàu năng lượng, đạm, omega 3, arginin, kẽm, các vitamin và vi chất.

– Chất bột đường: gạo (gạo xay dối, gạo lứt, gạo lật nảy mầm), ngũ cốc, khoai củ, miến, bún, phở… là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho bệnh nhân ung thư.

– Chất béo: nên chọn chất béo nguồn gốc thực vật: dầu, các loại hạt có dầu (hạt điều, lạc, vừng, hạnh nhân, mắc ca…) và dầu cá. Hạn chế ăn nhiều mỡ động vật. – Đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ: Ăn đầy đủ, đa dạng các loại rau, củ quả đủ màu sắc. Một ngày ăn từ 200-300g rau củ (1 miệng bát con rau, củ chín mỗi bữa) và 300-400g quả chín.

– Lựa chọn các thực phẩm hỗ trợ tăng cường miễn dịch như sữa chua và một số loại rau gia vị (xem thêm bài Vai trò của dinh dưỡng và nguyên tắc chế độ dinh dưỡng hợp lý trong dự phòng COVID-19).

– Lượng nước: uống đủ nước theo nhu cầu khuyến nghị. Những trường hợp có nôn, dò dịch, tiêu chảy cần bù thêm lượng dịch mất. Uống nước ấm, nước sạch, vô khuẩn.

– Số bữa ăn trong ngày: Bệnh nhân ung thư thường rất mệt mỏi, ăn uống kém hoặc không ăn được, thay đổi vị giác, viêm niêm mạc miệng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy và táo bón. Do đó, số bữa ăn cần chia nhỏ nhiều bữa trong ngày, có thể từ 4 – 8 bữa/ ngày tùy từng cá thể, dạng chế biến thức ăn cũng thay đổi, có thể ăn cơm, cháo, phở, súp hoặc phải nghiền nhỏ và lỏng. Mùi vị món ăn cũng phải thay đổi tùy từng bệnh.

BTV-KD

(Theo “Hướng dẫn dự phòng dinh dưỡng” của Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam)