Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai dự phòng COVID-19
Lượt xem: 428 Ngày đăng: 26/10/2020
yduoctuetinh.net – Mang thai là hạnh phúc lớn nhất của bất kì phụ nữ nào. Để hạnh phúc ấy được trọn vẹn trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh covid-19, bà bầu cần có một thực đơn phù hợp và hiệu quả để dự phòng căn bệnh nguy hiểm này.
- Nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai
– Tùy theo tình trạng sức khỏe và cân nặng trước khi có thai, trung bình người mẹ (phụ nữ mang thai, thai phụ) nên tăng từ 10-12kg trong cả thai kỳ. Dinh dưỡng cho thai nhi (con) phụ thuộc rất nhiều vào dự trữ dinh dưỡng của mẹ cũng như các chất dinh dưỡng mẹ ăn vào, qua nhau thai sẽ nuôi dưỡng thai nhi phát triển từng ngày. Chế độ dinh dưỡng đủ, đúng sẽ giúp mẹ có sức đề kháng tốt, tránh mắc bệnh, bảo vệ con, giúp con phát triển tối ưu nhất, là nền tảng cho sức khỏe sau khi sinh ra. Thức ăn giàu đạm, vitamin và chất khoáng giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt, cơ thể khỏe mạnh và phòng chống các bệnh nhiễm trùng.
– Phụ nữ mang thai nên ăn đầy đủ các thực phẩm giàu đạm (thịt, cá, trứng, hải sản, sữa, các loại đậu đỗ…), nên chọn nguyên liệu tươi ngon và nấu chín kỹ. Protein rất cần cho cấu trúc các cơ quan của thai nhi cũng như cần cho miễn dịch của mẹ. Thức ăn giàu đạm cũng thường giàu sắt, kẽm, vitamin B12, selen là những chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong hoạt động của tế bào miễn dịch.
– Mẹ cần được cung cấp đầy đủ calci, phospho để giúp hình thành bộ xương chắc khỏe cho thai nhi và tránh mất xương cho mẹ. Sữa, chế phẩm sữa, cua đồng, hải sản là những thực phẩm giàu calci, đồng thời cũng giàu đạm và các chất dinh dưỡng khác, nên được sử dụng thường xuyên trong suốt thai kỳ.
– Rau tươi, trái cây tươi cũng là nguồn vitamin C, beta-caroten và chất xơ dồi dào giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.
– Nên thay thế các thức ăn trong cùng 1 nhóm chất dinh dưỡng để đa dạng khẩu phần ăn, nhất là khi bị nghén. Mỗi bữa ăn nên có khoảng 10 loại thực phẩm khác nhau và trong ngày nên có 20-25 loại thực phẩm khác nhau.
– Cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể. Các hoạt động trong cơ thể, các phản ứng chuyển hóa các chất đều cần có nước. Hệ thống lông chuyển hô hấp và lớp màng nhầy hô hấp cũng cần có đầy đủ nước mới hoạt động hiệu quả và là chốt chặn đầu tiên giúp bắt giữ và thải loại virus, vi khuẩn ngay khi chúng xâm nhập vào đường hô hấp.
– Để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ, mẹ cần hạn chế và tránh ăn:
- Thực phẩm không an toàn, có nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu hóa.
- Thực phẩm tái sống, có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
- Cá biển loại lớn hoặc các loại cá, lươn sống trong bùn do nguy cơ nhiễm độc kim loại nặng (thủy ngân, chì…).
- Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Thực phẩm đóng gói sẵn, có chất bảo quản hoặc tẩm ướp màu không đảm bảo.
- Rượu, bia và các chất kích thích khác…
- Thức ăn có quá nhiều đường và muối.
– Một số thói quen lành mạnh trong thai kỳ cần duy trì để giúp mẹ khỏe mạnh và tăng cường miễn dịch phòng chống bệnh tật là: Mẹ nên thường xuyên tắm nắng mỗi ngày để giúp cơ thể tổng hợp vitamin D hỗ trợ sự phát triển hệ xương cho thai nhi. Mẹ nên vận động nhẹ nhàng như đi bộ mỗi ngày, tập thở đúng cách để sinh nở dễ dàng hơn, không nên làm việc quá sức hoặc thức quá khuya cũng ảnh hưởng đến cân nặng và trí não của thai nhi. Giữ tinh thần thoải mái, không căng thẳng, áp lực hay cáu gắt…
- Dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ
– 3 tháng đầu thai kì là giai đoạn hình thành các cơ quan quan trọng như tủy sống, não, tim, phổi, gan…, tạo tiền đề cho sự phát triển của thai nhi trong 6 tháng tiếp theo. Nhiễm virus và các rối loạn ảnh hưởng đến thai nhi trong giai đoạn này có thể gây ra những bất thường nặng nề về nhiễm sắc thể, gen hay cấu trúc các cơ quan quan trọng, nếu nặng có thể gây sảy thai.
– Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cần được đánh giá tình trạng dinh dưỡng cẩn thận, theo dõi cân nặng, uống bổ sung sắt, đa vi chất, đặc biệt là acid folic, theo chỉ định.
– Dinh dưỡng hợp lý, tăng cường khả năng chống bệnh, khắc phục tối đa tình trạng nghén cũng là điều cần làm để đạt được mục tiêu tăng 1-2 kg trong 3 tháng đầu.
– Khẩu phần ăn tương tự như khi chưa mang thai, cần đa dạng, cân đối và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cần chia nhỏ bữa ăn và tránh các mùi vị gắt để giảm cảm giác nghén.
– Nên chú trọng các thực phẩm giàu acid folic như gan, thịt gia cầm, ngũ cốc, rau xanh, đậu nành, cà chua, cam… để tránh dị tật ống thần kinh do thiếu acid folic (vitamin B9). Lượng lương thực, thực phẩm trung bình một ngày khuyến cáo cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu như sau:
– Ngũ cốc và các sản phẩm chế biến: trung bình mỗi ngày cần ăn khoảng 12 đơn vị ngũ cốc.
– Chất đạm: mỗi ngày cần ăn khoảng 5 đơn vị thức ăn giàu đạm.
– Rau lá, rau củ: sử dụng 3 đơn vị rau một ngày để cung cấp đủ vitamin, chất khoáng và chất xơ.
– Trái cây: sử dụng 3 đơn vị trái cây/quả chín mỗi ngày.
– Sữa và chế phẩm sữa: sử dụng 3 đơn vị sữa và chế phẩm sữa mỗi ngày. Ăn phối hợp cả 3 sản phẩm sữa.
– Dầu mỡ: sử dụng 5 đơn vị dầu, mỡ một ngày.
– Đường: sử dụng dưới 5 đơn vị đường một ngày.
– Muối: sử dụng dưới 5g muối/ngày.
– Nước: sử dụng 8 đơn vị nước/ngày. Mỗi đơn vị tương đương với 200ml nước.
Ngoài việc đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn, bà mẹ cần uống bổ sung sắt và acid folic hoặc đa vi chất theo hướng dẫn của nhân viên y tế, cán bộ dinh dưỡng.
- Dinh dưỡng 3 tháng giữa thai kỳ
Giai đoạn này thai phát triển nhanh, mẹ hết nghén, chưa mệt mỏi nhiều do thai chèn ép. Đây là lúc có thể tăng năng lượng cho khẩu phần ăn của bà mẹ để cân nặng tăng khoảng 4-5kg/3 tháng giữa. Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế năm 2016, mức năng lượng khuyến nghị hàng ngày khi có thai 3 tháng giữa thai kỳ tăng thêm 250kcal/ngày (tương đương với một bát cơm và thức ăn hợp lý).
Giai đoạn 3 tháng giữa của thai kỳ là giai đoạn phát triển về khung xương, chiều cao của trẻ, vì vậy bà mẹ cần chú ý ăn các thực phẩm giàu calci, kẽm như tôm, cua, trứng, sữa, thủy sản…
Lượng lương thực, thực phẩm trung bình một ngày khuyến cáo cho phụ nữ có thai 3 tháng giữa như sau:
– Ngũ cốc: tăng thêm 1 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 13 đơn vị ngũ cốc/ngày. Nếu bà mẹ có rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ nên sử dụng gạo lứt hoặc gạo lật nảy mầm.
– Thịt/thủy sản/trứng/đậu đỗ: tăng thêm 1 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 6 đơn vị thực phẩm cung cấp chất đạm/ngày.
– Rau lá, rau củ: tăng thêm 1 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 4 đơn vị/ngày. Nếu có rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ, nên tăng sử dụng rau lá, rau củ.
– Quả chín: tăng thêm 1 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 4 đơn vị/ ngày. Nếu có rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ, nên sử dụng quả chín ít ngọt như bưởi, thanh long, ổi…
– Sữa và chế phẩm sữa: tăng thêm 2 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 5 đơn vị/ngày. Nếu có rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ nên sử dụng sữa và chế phẩm sữa không đường hoặc sử dụng sản phẩm sữa đặc hiệu cho bệnh nhân đái tháo đường theo sự chỉ dẫn của bác sỹ, cán bộ dinh dưỡng.
– Dầu mỡ: không thay đổi so với 3 tháng đầu, sử dụng 5 đơn vị/ngày.
– Đường: không thay đổi so với 3 tháng đầu, sử dụng dưới 5 đơn vị/ngày. Nếu có rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ cần hạn chế sử dụng đường.
– Muối: không thay đổi so với 3 tháng đầu. Sử dụng dưới 5g muối/ngày.
– Nước: tăng thêm 1 đơn vị so với 3 tháng đầu. Sử dụng 9 đơn vị/ngày.
– Thai phụ tiếp tục uống bổ sung viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất theo chỉ định.
- Dinh dưỡng 3 tháng cuối thai kỳ
Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn tốc độ phát triển cân nặng của thai nhi nhanh nhất, vì vậy chế độ dinh dưỡng cho thai phụ cần đảm bảo đầy đủ, đa dạng đáp ứng nhu cầu của thai nhi. Năng lượng khẩu phần tăng thêm 450kcal/ngày (tương đương 2 miệng bát cơm và thức ăn hợp lý) để cân nặng của mẹ tăng khoảng 5-6kg trong 3 tháng này. Về tính cân đối của khẩu phần cần đảm bảo số lượng chất béo và chất lượng chất béo (cân đối giữa chất béo động vật và thực vật, đủ các acid béo không no cần thiết). Cần ăn đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung các chất dinh dưỡng cho bà mẹ và thai nhi.
Lượng lương thực, thực phẩm trung bình một ngày khuyến cáo cho phụ nữ có thai 3 tháng cuối như sau:
– Ngũ cốc: tăng thêm 1,5 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 13,5 đơn vị ngũ cốc/ ngày. Đối với những thai phụ bị rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ nên thay thế gạo trắng bằng gạo lứt hoặc gạo lật nảy mầm để hạn chế tăng đường máu sau ăn.
– Thịt/thủy sản/trứng/đậu đỗ: tăng thêm 3 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 8 đơn vị thực phẩm cung cấp chất đạm/ngày.
– Rau lá, rau củ: tăng thêm 1 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 4 đơn vị/ngày. Đối với những thai phụ bị rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ nên tăng sử dụng rau lá, rau củ.
– Quả chín: tăng thêm 1 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 4 đơn vị/ngày. Đối với những thai phụ bị rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ nên sử dụng quả chín ít ngọt như bưởi, thanh long, ổi…
– Sữa và chế phẩm sữa: tăng thêm 3 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 6 đơn vị/ngày. Nên sử dụng phối hợp cả 3 sản phẩm sữa. Đối với những thai phụ bị rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ nên sử dụng sữa và chế phẩm sữa không đường hoặc sử dụng sản phẩm sữa đặc hiệu cho bệnh nhân đái tháo đường theo sự chỉ dẫn của bác sỹ, cán bộ dinh dưỡng.
– Dầu mỡ: tăng thêm 1 đơn vị so với 3 tháng đầu, sử dụng 6 đơn vị/ngày.
– Đường: không thay đổi so với 3 tháng đầu và 3 tháng giữa. Sử dụng dưới 5 đơn vị/ ngày. Đối với những thai phụ bị rối loạn dung nạp đường huyết hoặc đái tháo đường thai kỳ cần hạn chế sử dụng đường.
– Muối: không thay đổi so với 3 tháng đầu và 3 tháng giữa. Sử dụng dưới 5g muối/ngày.
– Nước: tăng thêm 2 đơn vị so với 3 tháng đầu. Sử dụng 10 đơn vị/ngày.
– Thai phụ tiếp tục uống bổ sung viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất theo chỉ định.
BTV-KD
(Theo “Hướng dẫn dự phòng dinh dưỡng” của Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam)