Logo

Kỹ thuật điện não đồ

Lượt xem: 594 Ngày đăng: 08/05/2020

Điện não đồ là kỹ thuật ghi lại những xung điện từ các neuron trong não. Điện não đồ có vai trò trong chẩn đoán và điều trị động kinh, y pháp, chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến giấc ngủ hoặc các bệnh lý thần kinh khác.

I.   CHỈ ĐỊNH

  • Bệnh động kinh hoặc các bệnh lý nghi ngờ động kinh: chẩn đoán bệnh, theo dõi trong quá trình điều trị, để chẩn đoán định khu tổn thương
  • Các tình trạng co giật cần phân biệt với bệnh động kinh
  • Một số bệnh lý khác: tình trạng đau đầu mạn tính, một số trường hợp co giật do sốt phức hợp.
  • Đánh giá chết não.

II.   CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có

III.   CHUẨN B

1. Người thực hiện

  • Kỹ thuật viện điện não đồ
  • Bác sỹ chuyên khoa thần kinh đọc kết quả điện não đồ

2.   Phương tiện

  • Máy điện não đồ
  • Phòng ghi điện não đồ đạt tiêu chuẩn

+ Yên tĩnh, xa nơi phát sóng vô tuyến

+ Các dụng cụ và thiết bị trong phòng đều cách điện

+ Ánh sáng vừa phải

+ Có dây tiếp đất tốt và an toàn

+ Có điều hòa mát và ấm để duy trì nhiệt độ phòng ổn định ở mức 20-24 độ C

+ Có ổn áp duy trì dòng điện ổn định và an toàn

+ Có giường hoặc ghế ghi điện não phù hợp.

3.   Người bệnh

  • Trước khi làm, người bệnh cần gội sạch đầu và để khô tóc
  • Ngừng hoặc không dùng các loại thuốc, đặc biệt là các loại thuốc an thần ít nhất trước đó 3 ngày. Tuy nhiên đối với thuốc chống động kinh không nhất thiết phải ngừng.
  • Trước khi đặt các điện cực, da đầu phải được làm sạch để giảm trở kháng chỗ tiếp xúc giữa điện cực và da đầu xuống
  • Giải thích cho người bệnh yên tâm và hợp tác tốt
  • Người bệnh ở tư thế tư giãn
  • Lắp điện cực
  • Kiểm tra và cài đặt các thông số máy
  • Lọc nhiễu
  • Đôi khi cần dùng thuốc an thần (có thể sử dụng Aminazin 1-2mg/kg hoặc Promethazine hoặc Chloral hydrate đường uống).

4.   Hồ sơ bệnh án

Theo quy định của Bộ Y tế

IV.   CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra lại chỉ định, chống chỉ định và cam kết đồng ý thực hiện thủ thuật.

2.   Kiểm tra người bệnh

  • Tình trạng toàn thân
  • Thủ tục hành chính, tóm tắt bệnh sử

3.Thực hiện kỹ thuật

3.1.   Ghi điện não đồ

  • Là phương pháp ghi hoạt động điện học của não bằng các điện cực đặt ở bề mặt của da đầu một cách chuẩn mực.
  • Sử dụng các vị trí đặt điện cực theo quy định quốc tế gọi là hệ thống 10-20 của Jasper. tên của các điện cực là tên của vùng da đầu mà nơi ta đặt nó. Các điện cực mang số chẵn nằm bên phải và các điện cực nằm bên trái mang chữ số lẻ.
  • Trong quá trình ghi điện não, yêu cầu người bệnh thực hiện nhiều lần mở mắt và nhắm mắt để đánh giá đáp ứng, tiếp theo làm nghiệm pháp thở sâu trong 3 phút và cuối cùng thực hiện nghiệm pháp kích thích ánh sáng ngắt quãng với mục đích hoạt hóa các hoạt động kịch phát tiềm ẩn. Ngoài ra tùy từng yêu cầu cụ thể có thể tiến hành một số biện pháp nghiệm pháp hoạt hóa khác: kích thích tiếng động, nghiệm pháp đọc, tính nhẩm, kích thích cảm giác bản thể, vận động, ngủ.
  • Quy trình cụ thể

+ Ghi trong 3 phút ở chuyển đạo đơn cực, nhắm mở mắt 1 lần

+ Ghi trong 3 phút tiếp theo trên đạo trình ngang, kích thích ánh sáng 3 lần: 2 lần khi nhắm mắt và 1 lần khi mở mắt ở tần số 18Hz

+ Tiếp theo người bệnh thở sâu trong 3-5 phút trên đạo trình  dọc, người bệnh nhắm mắt.

+ Sau thở sâu ghi tiếp 3 phút rồi kết thúc.

3.2.   Đọc bản ghi điện não đồ

  • Tần số các hoạt động điện não (chu kỳ/s hay Hz), sự đồng bộ của tần số so sánh giữa 2 bán cầu
  • Biên độ của các hoạt động điện não, đặc biệt của những thành phần sóng chiếm ưu thế trên bản ghi, tính đối xứng của biên độ hoạt động điện não giữa 2 bán cầu.
  • Hình thái học của các sóng điện não
  • Khả năng đáp ứng của bản ghi đối với nhắm mở mắt
  • Đáp ứng của bản ghi đối với các nghiêm pháp hoạt hóa
  • Các thành phần nhiễu, sóng bất thường và sóng bệnh lý.