Ngày 11/9/2019, Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE) công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới mới nhất (World University Rankings 2020) trong sự kiện hội nghị thượng đỉnh về học thuật của THE tổ chức tại Zurich (Thụy Sỹ).
Theo đó, lần đầu tiên Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và 2 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được THE công bố thứ hạng cùng với gần 1.400 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới.
Trong đó, ĐHQGHN cùng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 801-1000 thế giới; tiếp theo là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong nhóm 1000+.
Bảng 1. Thứ hạng các trường ĐH của Việt Nam trong Bảng xếp hạng THE thế giới. (Nguồn: https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/2020/world-ranking ) |
Như vậy, cùng với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐHQGHN đạt mức điểm 22,2 – 28,2 của THE.
Trong đó, ĐHQGHN có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, và hội nhập quốc tế đứng đầu trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có mặt trong Bảng xếp hạng.
ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu về chỉ số thu nhập từ doanh nghiệp.
Còn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có chỉ số về trích dẫn khoa học cao nhất.
Năm nay, THE xếp hạng cho 1.395 cơ sở giáo dục đại học trên tổng số 1.820 cơ sở giáo dục đại học tham gia.
Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay trong quy mô xếp hạng đại học thế giới của THE.
Các cơ sở giáo dục này thuộc 92 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tâm tư sau kết quả “về đích sớm”
Trao đổi với VietNamNet sáng 12/9, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bày tỏ sự vui mừng vì ngày càng có nhiều trường ĐH của Việt Nam lọt vào các bảng xếp hạng quốc tế. Như vậy là mục tiêu có 4 cơ sở GDĐH lọt vào top 1000 thế giới theo Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 – 2025 (đã được Thủ tướng phê duyệt) đã đạt được sớm 6 năm. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý “không nên phấn kích” bởi thứ tự xếp hạng vẫn thấp, và đây chỉ là một trong những chỉ số “đo lường” về hoạt động của các cơ sở đào tạo đại học.
Ông Sơn phân tích: “Hầu hết các bảng xếp hạng đều coi trọng các chỉ số đánh giá thành tích nghiên cứu mà ít đánh giá sát thực chất lượng đào tạo và tác động xã hội. Trong bảng xếp hạng của THE thì các chỉ số năng suất, uy tín và ảnh hưởng nghiên cứu đã chiếm tới 60%, ngay cả tiêu chí chất lượng giảng dạy cũng lại căn cứ vào quy mô đào tạo tiến sĩ (8,25%) và ý kiến bình chọn của các học giả có thành tích cao về nghiên cứu (15%) tức một phần nào đó cũng gián tiếp phản ánh năng lực nghiên cứu. Nếu tính thêm cả chỉ số về chuyển giao tri thức và hợp tác công bố quốc tế nữa thì có thể nói các tiêu chí liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới nghiên cứu đã chiếm trọng số tới hơn 90%. Trong khi đó, những chỉ số phản ánh sát thực nhất chất lượng đào tạo như mức độ nỗ lực của người học, mức độ hài lòng của người học, tỉ lệ việc làm của người tốt nghiệp, mức độ gia tăng thu nhập khi tốt nghiệp thì chưa thấy bảng xếp hạng uy tín nào đề cập tới. Đó cũng là một vấn đề chúng ta cần suy ngẫm khi xây dựng chiến lược phát triển, cần phải quan tâm tới cả 3 nhiệm vụ cốt lõi trong sứ mạng của một trường đại học là đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng”.
Theo đó, trong thời gian tới, các trường đại học trong nước cần hợp tác chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả hơn, thay vì cho đến nay chỉ chú trọng hợp tác quốc tế.
5 nhóm tiêu chí xếp hạng thế giới của THE
2) Nghiên cứu (số lượng; thu nhập; uy tín) với trọng số 30%, bao gồm: kết quả khảo sát về uy tín nghiên cứu khoa học (18%), thu nhập từ nghiên cứu (6%), và năng suất nghiên cứu (6%);
3) Trích dẫn (số trích dẫn quốc tế trung bình của một công trình của trường đại học) với trọng số 30%. Dữ liệu được tính thông qua 23,400 tạp chí khoa học thuộc cơ sở dữ liêu Scopus trong giai đoạn từ 2014 đến 2018. Lượng trích dẫn được tính cho các ấn phẩm này trong giai đoạn từ 2014 đến 2019. Đã có 12,8 triệu công bố và 77,4 triệu trích dẫn được tính toán.
4) Quốc tế hóa (về cán bộ, sinh viên, nghiên cứu) với trọng số 7,5%, bao gồm: tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%), và chỉ số hợp tác quốc tế (2,5%, thông qua số công bố khoa học có ít nhất 1 đồng tác giả là học giả quốc tế);
5) Thu nhập từ doanh nghiệp (chuyển giao tri thức) với trọng số 2,5% tính thông qua tổng thu nhập từ chuyển giao công nghệ và tri thức cho doanh nghiệp.
Xem chi tiết phân bổ trọng số các chỉ số xếp hạng ở hình dưới đây:
THE xếp hạng như thế nào?
Để có dữ liệu xếp hạng, THE căn cứ vào cơ sở dữ liệu khoa học SCOPUS (của Nhà xuất bản Elsevier) cho các tiêu chí về năng suất nghiên cứu, trích dẫn khoa học và hợp tác quốc tế. Các khảo sát về uy tín giảng dạy và nghiên cứu khoa học được THE chủ động gửi cho các tác giả có công bố trong cơ sở dữ liệu SCOPUS. Các tiêu chí về thu nhập được chuẩn hóa dựa trên chỉ số sức mua tương đương (PPP). Các tiêu chí còn lại được THE đánh giá dựa trên dữ liệu do trường đại học cung cấp. Việc tính điểm và xử lý dữ liệu của THE được tổ chức kiểm toán độc lập, chuyên nghiệp là PricewaterhouseCoopers (PwC) giám sát đầy đủ và độc lập.
Theo Bảng xếp hạng thế giới 2020 của THE, ĐH Oxford tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới, tiếp theo là Viện công nghệ California (California Institute of Technology), ĐH Cambridge, ĐH Standford, Học viện CN Massachusetts… Đáng kể nhất là sự bứt phá của Viện Công nghệ California, đơn vị đã vươn từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 2 thế giới.
Ở khu vực châu Á, các trường đứng đầu bao gồm Đại học Thanh Hoa (thứ 23 thế giới), Đại học Bắc Kinh (24) và Đại học Quốc gia Singapore (25).
Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có 16 trường lọt vào top 1000, Malaysia có 13 trường, Indonesia có 6 trường, Singapore có 2 trường.
Các trường trong khu vực có thứ hạng tương đương ĐHQGHN và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (nhóm 801-1000) bao gồm: Đại học Chulalongkorn (đứng thứ 3 ở Thái Lan), Universiti Tenaga Nasional (UNITEN) và Universiti Utara Malaysia (cùng đứng thứ 9 ở Malaysia).
Hạ Anh