Logo

三七的故事! – Câu chuyện về Tam Thất

Lượt xem: 987 Ngày đăng: 26/10/2020

Nhắc đến Tam Thất, hay còn gọi là Điền Tam Thất, Kim Bất Hoán, Nam Quốc Thần Thảo,… chắc nhiều bạn đều biết tới công dụng và cách dùng của nó, nhưng tại sao Tam Thất lại có tên gọi như vậy, nguồn gốc của nó như thế nào, ai là người đã có công phát hiện, nghiên cứu, ghi chép và truyền lại cho đời sau, để Tam Thất được biết tới và sử dụng nhiều đến như thế? Đây quả thực là một điều hết sức thú vị các bạn ạ.

Về tên gọi Tam Thất ( 三七 ) có mấy giải thích như thế này:

Cây Tam Thất có 3 cành, mỗi cành có 7 lá nên có tên gọi như vậy.

Cây Tam Thất từ khi gieo đến lúc có hoa là 3 năm, từ 3 năm đến 7 năm tuổi cây mới có được dược tính tốt.

Cũng có giải thích rằng: tên gọi Tam Thất ( 三七 ) mà ta vẫn sử dụng ngày nay bắt nguồn từ tên gọi gốc của nó là ( 山漆 ). Trong tiếng Hán “三七” và “山漆” đồng âm khác nghĩa. “山漆” – Sơn Tất”: được bắt ngồn từ những người đi rừng săn bắt, hái lượm xưa kia, khi họ lên non xuống suối, không may bị ngã bị thương, rách da, chảy máu,… họ chỉ cần đắp cây thuốc Tam Thất lên là đỡ sưng đau, ngừng chảy máu, nó làm lành vết thương thần kỳ tựa như keo như sơn – “漆” vậy.

Về nguồn gốc của nó có lẽ xuất phát từ vùng dân tộc người Trang, người Miêu ở vùng Vân Nam, Trung Quốc bây giờ. Họ đời này nối tiếp đời khác, trồng hái và sử dụng Tam Thất.

Có thể nói, những người dân tộc Trang, dân tộc Miêu ấy là những người đầu tiên có công phát hiện loại thần thảo này, họ đã đem truyền bá khắp các vùng Trung Quốc xưa kia. Nhưng người có công lớn nhất trong việc tiếp nối, nghiên cứu, ghi chép Tam Thất vào dược thư, để truyền lại cho hậu thế lại chính là Minh triều Thánh Y – Lý Thời Trân.

Truyện kể rằng, trên đường tới Nam Kinh tham dự “Tam Hoàng Hội” – (Hội buôn bán dược liệu), đến trước cửa Miếu Dược Thần có bày bán hàng rong, Lý Thời Trân bỗng nhiên nhìn thấy một người bán những củ rễ màu nâu vàng mà ông chưa từng gặp bao giờ, ông lập tức dừng lại, xuống xe hỏi người thương nhân đó là loại thuốc gì? Người thương nhân đáp: đây là củ Tam Thất, là loại đặc sản vùng Vân Nam, nó có tác dụng chỉ huyết, hoá ứ, định thống, là thuốc trị thương của quân đội vùng Tây Nam. Ông nói thêm rằng, người do binh đao làm bị thương, chảy máu nhiều, chỉ cần xoa bột Tam Thất vào là cầm máu rất nhanh, vết thương liền da cũng rất nhanh; phụ nữ hậu sản băng lậu, chảy máu nhiều dùng cũng cầm máu ngay,… Lý Thời Trân liền nếm thử một chút, thấy vị đắng sau lại ngọt dần, ông liền bảo người thương nhân bán cho một vài lạng. Vị thương nhân nói thuốc này quý như vàng, Lý Thời Trân xem trong người không đủ tiền trả, đành thở dài một tiếng rồi cất bước đi. Thấy dáng vẻ gầy guộc mà thanh tao của ông, đằng sau lại là chàng thư sinh đeo một túi lớn, để đầy những loại thảo dược quý hiếm khác, đoán chắc đây là người có kiến thức uyên bác về y dược học, vị thương nhân liền vội thỉnh giáo quý tính đại danh. …”Ta tên Lý Thời Trân, tự Đông Bích”. Vị thương nhân đáp: hoá ra là Lý tiên sinh ở Kỳ Châu, từ lâu đã ngưỡng mộ, hôm nay mới có dịp được hạnh ngộ, xin được biếu ngài vài củ Tam Thất, trước làm lễ sơ giao, sau mong ngài sẽ cứu chữa được cho nhiều người bệnh hơn. Sau đó Lý Thời Trân thử dùng cho nhiều người, đều hiệu nghiệm vô cùng, đồng thời ông cũng nghiên cứu thêm các công dụng của Tam Thất, rồi cẩn thận ghi chép lại trong cuốn (Bản Thảo Cương Mục). Trong sách ông còn gọi Tam Thất là “金不换” – Kim Bất Hoán, ông viết: “三七补血第一,人参补气第一,味同而功亦等,故称人参三七,为中药中之最珍贵者” – dịch ra có nghĩa là: Tam Thất bổ huyết đệ nhất, Nhân Sâm bổ khí đệ nhất, vị đồng mà công dị, nên gọi là Nhân Sâm Tam Thất, là một loại thảo dược đáng quý nhất trong y dược học cổ truyền !

Sưu Tầm

Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội.