Logo

Vai trò thực liệu cho người tiểu không tự chủ

Lượt xem: 930 Ngày đăng: 05/03/2019

Nghiên cứu về chế độ ăn uống của y học nói chung đã phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu nhất định. Mọi người ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của chế độ ăn uống, tập trung nhiều hơn vào phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trong những năm gần đây, tỉ lệ mắc các bệnh liên quan đến lối sống tăng lên từng năm và những bằng chứng khoa học nêu ra các yếu tố nguy cơ liên quan ăn uống tương quan cao với tình hình sức khỏe cá nhân.

Tiểu không tự chủ hay tiểu són ở người lớn tuổi là tình trạng bệnh nhân không kiểm soát được tiểu tiện, dẫn đến việc nước tiểu thoát ra ngoài ở thời điểm và địa điểm không thích hợp. Tình trạng này tăng theo độ tuổi và ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới chiếm tỉ lệ (2:1) theo thống kê cho đến 80 tuổi. Són tiểu chiếm tỉ lệ 15 – 30% trong cộng đồng từ 65 tuổi trở lên và 60 – 70% ở người từ 65 tuổi trở lên đang được chăm sóc y tế dài hạn. Tiểu són làm suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống.

Chiến lược điều trị và kiểm soát tiểu són bắt đầu bằng việc quản lý phong cách sống. Từ đó, việc kết hợp khoa học hiện đại và giá trị y học truyền thống trong việc kiểm soát triệu chứng được sự quan tâm rộng rãi.

Vai trò thực liệu cho người tiểu không tự chủ

Tiểu không tự chủ hay niệu thất cấm thuộc về lĩnh vực tiết niệu trong nội khoa y học cổ truyền, được nhắc đến trong các chứng “di niệu”, “di nịch”, “bàng quang khái”. Cơ chế liên quan trực tiếp đến bàng quang, thận, tỳ. Do vậy, lựa chọn thực phẩm chú trọng đến nguyên tắc cơ bản liên quan đến cơ chế trên.

Tiểu són làm suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống

 

Chế độ ăn uống thích hợp: nên ăn các thực phẩm có hàm lượng vitamin, protein, kẽm cao. (Cân nhắc sử dụng với bệnh nhân gout).

Hàu

Mỗi 100g hào chứa 5,3g protein, 2,1g chất béo, 8,2g chất xơ, 0,13mg vitamin B2, 131mg canxi, 7,1mg sắt, 9,39mg kẽm. Hàu có tác dụng dinh dưỡng tốt và có thể được sử dụng để điều trị tiểu không tự chủ do thiếu protein gây căng thẳng bàng quang. Theo y học cổ truyền, hào vị mặn, vi hàn; quy kinh can, đởm, thận; tác dụng bình can tiềm dương, trọng trấn an thần, thu liễm cố sáp.

Vai trò thực liệu cho người tiểu không tự chủ

Sò điệp

Mỗi 100g sò điệp chứa 11,1g protein, 0,6g chất béo, 11,85mg vitamin E, 0,1mg vitamin B2, 42mg canxi, 7,2mg sắt. Sò điệp làm tăng chức năng miễn dịch, thúc đẩy sự phục hồi miễn dịch và giúp làm giảm các triệu chứng của tiểu không tự chủ. Theo y học cổ truyền, sò điệp vị ngọt, mặn, tính bình; quy kinh tỳ, vị, thận; dùng thực trị trong các thể thận hư không khí hóa bàng quang, tỳ vị âm hư.

Vai trò thực liệu cho người tiểu không tự chủ

Nấm mực

Mỗi 100g nấm mực (Coprinus comatus) chứa 25,4g protein, 3,3g chất béo và 7,3g chất xơ. Coprinus comatus chứa 20 loại axít amin, bao gồm 8 loại axít amin thiết yếu. Nấm mực có tác dụng dinh dưỡng tốt đối với bệnh lý bàng quang thần kinh. Lượng dùng thích hợp 60g/khẩu phần ăn. Theo y học cổ truyền, nấm mực vị cam, tính bình; quy kinh vị; tác bụng: an miên, tiêu thực, thông tiện, an thần, tư dưỡng tỳ vị. Chỉ sử dụng làm thực phẩm khi nấm còn non và không sự dụng rượu khi ăn.

Chống chỉ định chế độ ăn uống: tránh ăn uống các thực phẩm có chứa caffein (cà phê, trà), rượu và hạn chế các thực phẩm vị cay nồng như tiêu, ớt dễ gây stress thần kinh, ảnh hưởng xấu đến chức năng thần kinh tự chủ, làm xấu đi tình trạng tiểu không tự chủ.

Vai trò thực liệu cho người tiểu không tự chủ

Ngoài việc cân đối các thực phẩm ăn hằng ngày, có thể áp dụng các phương pháp thực trị nâng cao nhằm hỗ trợ điều trị tiểu són trên một số thể bệnh theo y học cổ truyền. Nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi áp dụng.

Trà tam vị: nhãn nhục 15g, toan táo nhân 12g, khiếm thực 10g uống thay trà. Công dụng dưỡng huyết an thần, ích thận cố tinh, hạn chế bài tiết nước tiểu. Trà này thích hợp trên cơ địa người lớn tuổi tiểu són kèm mất ngủ trong bệnh cảnh tâm âm hư tổn, tâm thận bất giao.

Người cao tuổi bị tiểu són đơn độc dùng bạch chỉ sắc nước uống, mỗi ngày 3 lần, bàng quang heo làm sạch, cho lượng gạo vừa đủ ăn, không nêm muối và gia vị, hấp chín ăn khi còn nóng.

Đối với người cao tuổi tiểu són thể thận hư: 2 quả trứng luộc chín, bóc vỏ; nấu chung với 20g hạt dẻ và 4 quả đại táo. Ăn mỗi ngày một lần.

Thực trị hữu ích khi có sự cân đối và linh hoạt trong khẩu phần ăn. Đồng thời, người bệnh nên được hướng dẫn sử dụng thực phẩm hợp lý và tuân thủ tam giác thực trị (dinh dưỡng, đa dạng và cân bằng); phù hợp nhu cầu từng bệnh cảnh, tùy theo thời tiết, khí hậu và thói quen sinh hoạt của bệnh nhân. Bên cạnh đó, thực hiện phương pháp tổng thể về dưỡng sinh (bao gồm: thực trị, tập luyện thể dục và rèn luyện thái độ tinh thần) là rất cần thiết để cải thiện chức năng kiểm soát nước tiểu và chất lượng cuộc sống.

TS. BS VÕ TRỌNG TUÂN – HẠ CHÍ LỘC