Dinh dưỡng là nhu cầu không thể thiếu của con người. Các chất dinh dưỡng được cung cấp thông qua ăn uống giúp con người tồn tại và phát triển.
Vai trò của dinh dưỡng
Khi thiếu dinh dưỡng sẽ gây ra các bệnh thường gặp như: thiếu máu do thiếu sắt, bệnh Beriberi do thiếu vitamin B1, bệnh khô mắt do thiếu vitamin A, bệnh Scorbut do thiếu vitamin C, bệnh viêm da Pellagra do thiếu vitamin PP… Thiếu dinh dưỡng còn làm cho cơ thể chậm phát triển, giảm sức đề kháng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng. Đối với người bệnh nằm viện, suy dinh dưỡng làm tăng tỉ lệ biến chứng và tử vong, thời gian nằm viện kéo dài, do đó chi phí điều trị tăng.
Khi thừa dinh dưỡng lại là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, thừa cân, béo phì, các bệnh tim mạch…
Đối với một số bệnh nếu ăn uống không đúng sẽ làm cho bệnh nặng thêm. Chính vì vậy, khi sử dụng dinh dưỡng trong điều trị phải dựa vào một số yếu tố như tính chất tổn thương của cơ quan bị bệnh; sự phản ứng, quá trình hồi phục, cơ chế điều hòa, thích nghi của cơ thể, các dấu hiệu lâm sàng để chỉ định chế độ ăn; phương pháp điều trị và tuỳ theo người bệnh để có phương pháp sử dụng dinh dưỡng cụ thể.
Dinh dưỡng điều trị bệnh
Dinh dưỡng là một phương pháp điều trị chủ yếu trong một số bệnh bởi vì chế độ dinh dưỡng trong điều trị có tác động đến căn nguyên gây bệnh, đến cơ chế điều hòa, đến khả năng phản ứng, bảo vệ cơ thể. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh dinh dưỡng có vai trò rất lớn trong điều trị như suy dinh dưỡng do thiếu năng lượng; thừa cân, béo phì do thừa năng lượng, các bệnh do thiếu vitamin A, B, C, D…, thiếu vi chất: sắt, kẽm, canxi… Nếu dinh dưỡng tốt sẽ góp phần nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật. Qua nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý đã giúp tăng cường miễn dịch rút ngắn thời gian điều trị, giảm biến chứng, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị, giảm tỉ lệ tử vong. Ngoài ra, việc sử dụng dinh dưỡng trong điều trị còn có tác dụng điều hòa các rối loạn chuyển hóa làm giảm một số bệnh do chúng gây ra, đặc biệt, là trong điều trị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận, suy tim, bệnh lý về gan, dạ dày… Trong điều trị một số bệnh lý như: chấn thương phần mềm, gãy xương, suy nhược cơ thể sau sốt rét, sau mổ, sau nhiễm khuẩn nặng… nếu sử dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp vết thương mau lành, sức khỏe hồi phục nhanh hơn.
Dinh dưỡng phòng bệnh
Bên cạnh đó, dinh dưỡng còn có vai trò tích cực trong phòng bệnh. Khi thực hiện chế độ dinh dưỡng đúng và hợp lý sẽ giúp cho cơ thể duy trì khả năng miễn dịch nhằm phòng tránh các bệnh nhiễm trùng và các bệnh do thiếu hoặc thừa dinh dưỡng gây ra. Theo nghiên cứu của các chuyên gia về dinh dưỡng thì giữa chế độ ăn uống và một số bệnh mạn tính như: béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh mạch vành, ung thư… có mối liên quan và kết luận “chế độ ăn đi trước, rước bệnh đi sau”, điều đó cho thấy vai trò và tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng trong việc phòng tránh bệnh tật.
Rõ ràng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ có vai trò và tầm quan trọng rất lớn trong điều trị và phòng tránh bệnh tật. Hiện nay, chế độ ăn uống đã được sử dụng đồng thời với biện pháp dùng thuốc trong điều trị. Do đó, trong điều trị, ngoài việc sử dụng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác cần phải thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp. Và cần phải xem việc phối hợp dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý với việc sử dụng thuốc ngay cả điều trị ngoại trú chứ không chỉ thực hiện khi nằm bệnh viện.
BS. HỒ VĂN CƯNG