Tuyển sinh ĐH 2019: Tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký xét tuyển
Lượt xem: 383 Ngày đăng: 27/02/2019
Bắt đầu từ 1/4, thí sinh trên toàn quốc sẽ đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ), Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đào tạo giáo viên.
Năm nay, sẽ có nhiều ngành mới đào tạo đón đầu cuộc cách mạng Công nghệ 4.0. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù lựa chọn ngành mới hay cũ thì thí sinh cũng nên tìm hiểu kỹ, tránh chọn nhầm.
Năm 2019, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lần đầu tiên tuyển sinh ngành học mới về robot và trí tuệ nhân tạo, đào tạo hoàn toàn miễn phí kỹ sư tài năng về lĩnh vực này. Điều kiện để vào học hai ngành này là thí sinh phải đạt từ 24 điểm trở lên. Nhà trường ưu tiên thí sinh các trường THPT chuyên, đạt giải sáng tạo khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Robot hay Trí thuệ nhân tạo (AI) được coi là hai ngành học mới của cuộc cách mạng 4.0. Tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS. Trần Văn Tớp, hiệu phó nhà trường cho biết, ĐHBK HN luôn chú trọng vào chương trình có nhu cầu xã hội cao, chất lượng tốt. Ngoài chương trình Eletech (gồm các chương trình tiên tiến, đào tạo tài năng, chương trình chất lượng cao) thì trường mở thêm một số chương trình đào tạo mới.
Trong đó, trường mở thêm 1 chương trình mới là công nghệ giáo dục. Mở thêm một số chương trình bằng tiếng Anh như chương trình Hóa dược với Úc, Kỹ thuật thực phẩm với Bỉ, Quản trị Kinh doanh tập trung vào phân tích tài chính, phân tích kinh doanh. Bên cạnh đó, PGS. Trần Văn Tớp cũng cho biết, chú trọng xu thế của thời đại và cuộc CM 4.0 trường mở một ngành mới là khoa học dữ liệu và AI. Đây là hai ngành mới hoàn toàn.Đồng thời, có thêm ngành nhúng và IOT bằng tiếng Anh. Trong lĩnh vực CNTT có một ngành mới đào tạo sau ĐH là chuyển đổi số.
“Với chương trình mới mở trường dự kiến tuyển 30-40 chỉ tiêu. Tổ hợp xét tuyển không có nhiều thay đổi, cơ bản là A0 (Toán, Lý, Hóa), A1 (Toán Lý, Anh). Những ngành như kinh tế, ngoại ngữ thêm khối tổ hợp D1(Toán, Văn, Anh), ngành hóa, sinh phẩm có thêm tổ hợp B0 (Toán, Hóa, Sinh)” – PGS. Trần Văn Tớp nói.
“Yêu rồi hãy cưới”
Liên quan đến đăng ký xét tuyển trong thời gian tới, PGS. Trần Văn Tớp cho biết hiện nay, thí sinh chọn ngành theo đám đông vẫn là một xu hướng. “Vì vậy, lời khuyên của tôi là muốn chọn ngành nào thì phải tìm hiểu thật kỹ. Khi đã tìm hiểu kỹ rồi thì hãy cố gắng. Tránh tình trạng vào trường rồi mới ngộ ra chọn nhầm” – PGS. Trần Văn Tớp khuyên.
Từ vai trò quản lý lĩnh vực đào tạo, PGS. Trần Văn Tớp kể câu chuyện có thật xẩy ra tại trường năm học vừa qua. Đó là 1 sinh viên đã đỗ vào ngành tự động hóa với điểm thi rất cao. Học xong một kỳ, sinh viên này viết thư gửi hiệu trưởng khẳng định niềm yêu thích của mình là ngành Hóa học, không phải Tự động học. Chính vì vậy, em tha thiết mong muốn trường tạo điều kiện để em trở về ngành Hóa học.
“Tất nhiên là trường đáp ứng yêu cầu vì em đủ điều kiện nhưng như thế không nên vì dẫu sao các em cũng bị lỡ nhịp, lỡ kỳ. Rất may là mới qua 1 kỳ học, sự khác biệt chưa lớn. Nếu nhỡ đến 2 năm thì phải học bù, học bổ sung là phải mất cả năm. Do đó, cần tìm hiểu kỹ, “yêu” rồi hãy “cưới”, PGS. Trần Văn Tớp khuyên.
Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ yêu cầu các trường ngoài đảm bảo quy định chung còn phải hướng tới đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Không chỉ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ còn yêu cầu các trường ĐH, CĐ và TC đào tạo giáo viên khi mở ngành, xây dựng đề án tuyển sinh và tư vấn hướng nghiệp phải hướng đến đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Theo đó, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải dựa trên cơ sở nhu cầu lao động của thị trường, điều kiện đảm bảo chất lượng của trường và tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp.
Riêng việc khảo sát việc làm của sinh viên trong 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp phải được thực hiện hằng năm, đảm bảo tính chính xác, khoa học, có đơn vị chuyên môn của nhà trường quản lý, lưu hồ sơ. Số liệu tỷ lệ việc làm này được công bố công khai cho thí sinh tham khảo, xã hội, người học giám sát. Về tự chủ mở mã ngành phải thực hiện đúng quy định về chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp của các ngành mới phải đảm bảo tính độc lập cần thiết so với các ngành trường đang đào tạo và các ngành khác trong cùng nhóm ngành. Ngoài ra, việc này còn phải trên cơ sở nhu cầu của thị trường lao động và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Còn về xây dựng và công bố đề án tuyển sinh, các trường cần đặc biệt lưu ý phải đảm bảo minh bạch, công khai, gắn với yêu cầu ngành đào tạo, hướng tới mục tiêu đào tạo và đảm bảo khả năng có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Với các quy định mới có ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị đăng ký xét tuyển của thí sinh, trường cần sớm công bố và có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, tạo điều kiện cho thí sinh có đủ thời gian chuẩn bị.
Về đề thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia đã được công bố từ rất sớm. Thời gian vừa qua, đơn vị này đã nhận được rất nhiều ý kiến liên quan đến dự thảo. Đặc biệt là ý kiến của các phụ huynh học sinh, của giáo viên, cho rằng đề thi tham khảo như vậy là phù hợp và mong muốn đề thi cũng sẽ tương đương như vậy. “Chúng tôi có thể nói rằng, đề thi tham khảo là kênh thông tin rất tốt trong việc tổ chức dạy học”, ông Trinh khẳng định.
NGHIÊM HUÊ
(Tienphong)